Vô địch U.23 Đông Nam Á: Khi niềm tin đặt đúng chỗ!

Vô địch U.23 Đông Nam Á với lực lượng được ví như là đội U.23 Việt Nam II, bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã có bước đi đầu tiên rất êm, rất đẹp trên hành trình hướng về World Cup 2026.

Độ tuổi trung bình của hai đội Việt Nam - Indonesia trong trận chung kết U.23 Đông Nam Á là 19,69 và 20,33. Đội chủ nhà Thái Lan đoạt hạng ba cũng tham dự giải với lực lượng có độ tuổi trung bình 21,35. Như vậy, 3 đội hàng đầu Đông Nam Á hiện nay là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia đều gửi đến giải một lực lượng trẻ hơn nhiều so với quy định với cùng một mục đích: thử nghiệm, phát hiện những tài năng mới.

Việt Nam là đội trẻ tuổi nhất nhưng có lợi thế hơn khi V-League chỉ còn 1 lượt với 8/14 đội tranh tài là kết thúc nên có sự góp mặt của những cầu thủ đang chơi ở V-League. Ngược lại, Thái Lan không có cầu thủ nào thi đấu ở Thai-League khi giải vừa mới khởi tranh và không câu lạc bộ nào cho cầu thủ trở về đội U.23 quốc gia. Trong khi đó, đội hình U.23 Indonesia không phải mạnh nhất, bởi thiếu nhiều ngôi sao như Rizky Ridho, Witan Sulaeman, Adi Satryo hay Fajar Fathur Rahman. Ngoài ra, những cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài cũng không được triệu tập.

Giá trị cầu thủ trẻ và giá trị của giải trẻ

Nam Hải (19 tuổi), Nguyên Hoàng, Mạnh Hưng, Bá Đạt (18 tuổi), Long Vũ, Đăng Dương, Hữu Tuấn (đều 17 tuổi)... đã trở thành những tên tuổi đến gần hơn với người hâm mộ bóng đá cả nước sau giải.

Sáu chàng trai lần lượt thực hiện thành công trong loạt sút luân lưu 11m đem đến chiến thắng 6-5 cho Việt Nam là Nguyễn Đức Việt, Đinh Xuân Tiến, Lê Nguyên Hoàng, Trần Nam Hải, Lương Duy Cương, Thái Bá Đạt, trong đó, Hoàng và Đạt chỉ mới 18 tuổi.

Chi tiết này cho thấy, ở tuổi 18 mà Hoàng và Đạt vẫn đủ bản lĩnh vượt qua sức ép khi Indonesia dẫn 3-2, Hoàng gỡ hòa 3-3, còn Đạt thực hiện hoàn hảo cú sút quyết định giúp đội Việt Nam lên đỉnh cao vinh quang U.23 Đông Nam Á với chiến thắng 6-5.

Bản lĩnh có được không chỉ đến từ tài năng mà còn phải được trui rèn. Có mấy ai biết Bá Đạt khi ở tuổi 16 đã là thành viên đội PVF vô địch giải U.19 quốc gia 2021 và gần như ai cũng biết, tất cả các thành viên U.23 Việt Nam đều được thử lửa, mài giũa từ hai giải U.19, U.21 do Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên phối hợp với VFF tổ chức xuyên suốt từ năm 1997 (giải U.21) và 2015 (giải U.19).

Hình ảnh tại giải U.21 quốc gia Thanh Niên - Ảnh: TL

Hình ảnh tại giải U.21 quốc gia Thanh Niên - Ảnh: TL

Đó là chưa nói đến những cầu thủ như Quan Văn Chuẩn (CLB Hà Nội), Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Đức Việt (HAGL); Khuất Văn Khang (Viettel); Nguyễn Ngọc Thắng (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh); Đinh Xuân Tiến (SLNA); Lương Duy Cương, Phạm Đình Duy (SHB Đà Nẵng) không chỉ trưởng thành từ hai giải trẻ U.19, U.21 mà còn được trải nghiệm ít nhiều ở V-League.

Thế nhưng, có một ngoại lệ nhưng lại là phát hiện mới của BĐVN đó là tiền vệ Nguyễn Minh Quang của đội Bình Thuận đang thi đấu giải Hạng Nhất. Quang sinh năm 2001, do thi đấu cho Bình Thuận là đội bóng không mạnh ở các giải trẻ nên anh chỉ đá ở vòng loại hai giải U.19, U.21. Tuy nhiên, nhờ những năm tháng thi đấu ở giải Hạng Nhì rồi Hạng Nhất cho Bình Thuận mà Minh Quang có được tài năng như hôm nay để rồi tỏa sáng ở giải U.23 Đông Nam Á 2023.

Từ những thống kê này, chúng ta càng thấy và cảm nhận đầy đủ hơn về giá trị của những giải trẻ. Chính những môi trường thi đấu trẻ này mà các cầu thủ trẻ được cọ xát, thi đấu, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao chuyên môn. Và khi họ được tạo điều kiện, được đặt trọn niềm tin thì họ sẽ nỗ lực tỏa sáng.

Thành công vừa rồi của đội U.23 Việt Nam là minh chứng rõ nhất.

Các cầu thủ trẻ tham gia giải U.21 quốc gia Thanh Niên. Giải là nơi phát hiện ra những cầu thủ trẻ tài năng của BĐVN - Ảnh: TL

Các cầu thủ trẻ tham gia giải U.21 quốc gia Thanh Niên. Giải là nơi phát hiện ra những cầu thủ trẻ tài năng của BĐVN - Ảnh: TL

Vui, nhưng đừng quá vui

Thành quả này là thành công bước đầu của “Dự án 100” của HLV Philippe Troussier đã được VFF thông qua và hỗ trợ tuyệt đối.

Một Thế Giới đã có bài viết“Bóng đá Việt Nam và con số 100” ngày 23.8.2023 nói rõ về kế hoạch, chiến lược của ông Troussier với cái đích mong muốn có được chiếc vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026.

Để thực hiện hóa giấc mơ này, ngoài lực lượng trụ cột hiện nay đã tỏa sáng từ giải U.23 châu Á hồi tháng 1.2018, BĐVN phải bổ sung thêm những tài năng mới và bước đầu “Dự án 100” đã thành công qua việc sử dụng đội hình II mà vẫn vô địch U.23 Đông Nam Á.

Thế nhưng, BĐVN cũng đừng quên, ở cấp đội tuyển quốc gia, sau danh hiệu vô địch AFF Cup 2018, liên tiếp hai giải 2020, 2022 Thái Lan là đội vô địch.

Ở vòng loại thứ ba, vòng đấu cuối cùng của khu vực châu Á tại vòng loại World Cup 2022, đội tuyển Việt Nam – đại diện duy nhất của Đông Nam Á ở giai đoạn này – chỉ xếp vị trí cuối 10/10.

Do đó, dù vòng chung kết World Cup 2026 đã mở rộng từ 32 lên 48 suất, trong đó châu Á từ 4,5 đã được tăng lên 8,5 suất nhưng để sở hữu một trong 8 tấm vé chính thức tham dự VCK World Cup 2026 hoàn toàn không dễ dàng đối với BĐVN. Ngay cả nếu có ½ suất đá play-off, thường đại diện của châu Á cũng yếu hơn so đại diện của các châu lục khác.

Khó khăn này càng dễ hình dung hơn khi nhìn bảng xếp hạng FIFA, BĐVN đang xếp vị trí 15, sau Nhật Bản (20), Iran (22), Úc (27), Hàn Quốc (28), Ả Rập Saudi (54), Qatar (59), Iraq (70), UAE (72), Oman (73), Uzbekistan (74), Trung Quốc (80), Jordan (82), Bahrain (86), Syria (94) và chưa tính Thái Lan.

Bản xếp hạng này giúp chúng ta hiểu rằng, con đường đi của BĐVN không chỉ là World Cup 2026 mà còn là 2030, 2034… Nhưng quan trọng là BĐVN đã có kế hoạch, chiến lược đường dài để thực hiện. Nếu tiếp tục phát hiện, đào tạo các tài năng trẻ; cùng nhau tổ chức các giải trẻ và tiếp đặt niềm tin vào thế hệ trẻ… BĐVN cũng sẽ thành công như thành công ban đầu tại giải U.23 Đông Nam Á - giải đấu mà BĐVN đã 2 lần liên tiếp vô địch!

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vo-dich-u-23-dong-nam-a-khi-niem-tin-dat-dung-cho-204856.html