'Vở diễn lớn' đầu tiên của Trung Quốc tại 'vũ đài' Geneva
Hội nghị Geneva năm 1954 về Đông Dương đã mang lại cho Trung Quốc những kết quả ngay trong lần đầu tiên có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn với sự chuẩn bị và hết sức kỹ lưỡng, toàn diện.
Ngay sau khi Hiệp định ngừng bắn tại Triều Tiên được ký kết ngày 27/7/1953, Liên Xô và Trung Quốc đều nhất trí rằng, cần giải quyết hòa bình cuộc chiến còn lại ở châu Á.
Thế nhưng, tại Hội nghị Ngoại trưởng bốn nước tại Berlin ngày 25/1/1954, Ngoại trưởng Liên Xô Molotov yêu cầu khi thảo luận các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương phải có sự hiện diện của Trung Quốc nhưng đã bị Mỹ phản đối quyết liệt.
Sau rất nhiều tranh luận và thuyết phục, cuối cùng, ngày 18/2/1954, Hội nghị Berlin đã đồng ý để Trung Quốc tham gia Hội nghị Geneva. Tuy nhiên, Mỹ vẫn kiên quyết tuyên bố: “Việc Mỹ tham gia đàm phán không có nghĩa là Mỹ công nhận chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc với bất cứ ý nghĩa nào”. [1]
Tích cực tham gia
Như vậy, kể từ sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa mới, đây là lần đầu tiên Trung Quốc có mặt tại một hội nghị quốc tế quan trọng được cả thế giới quan tâm theo dõi để bàn về các vấn đề lớn của khu vực. Để chuẩn bị cho “chuyến xuất quân ngoại giao” quan trọng, ngày 2/3/1954, tại Hội nghị BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai trình bày Báo cáo Ý kiến sơ bộ về những đánh giá đối với Hội nghị Geneva và công tác chuẩn bị. Chu Ân Lai nêu định hướng: “Tích cực tham gia Hội nghị Geneva; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao quốc tế, phá vỡ sự phong tỏa cấm vận cũng như chính sách huy động quân đội chuẩn bị chiến tranh của đế quốc Mỹ, thúc đẩy làm giảm căng thẳng trong cục diện quốc tế”. [2]
Ngay sau cuộc họp, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi điện cho Đảng Lao động Việt Nam, thông báo rằng Trung Quốc và Liên Xô đều nhận định việc tổ chức Hội nghị Geneva sẽ có lợi cho Việt Nam, hy vọng Đảng Lao động Việt Nam tổ chức đoàn ba nước Đông Dương tham gia Hội nghị, chuẩn bị tài liệu, tập trung nỗ lực lên các phương án đàm phán. Trong bức điện, Chu Ân Lai gợi ý: “Nếu muốn đình chiến, tốt nhất nên có một giới tuyến tương đối cố định, có thể bảo đảm được một khu vực tương đối hoàn chỉnh (…). Việc xác định giới tuyến tại đâu, tại vĩ độ bao nhiêu cần phải xem xét từ hai vấn đề: Thứ nhất, là phải có lợi cho Việt Nam; thứ hai, xem kẻ thù có thể chấp nhận hay không. Đường giới tuyến này càng xuống phía Nam càng tốt. Có thể tham khảo vĩ tuyến 16 độ Bắc”. [3]
Ngày 3/3/1954, Tân Hoa xã chính thức thông báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tham gia Hội nghị Geneva về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Cùng ngày, Thủ tướng Chu Ân Lai lệnh cho Bộ Tổng tham mưu Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chỉ thị cho Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh (lúc này đang có mặt tại Điện Biên Phủ) trao đổi, xem xét để Việt Nam đánh tốt vài trận, phối hợp với đàm phán ở Geneva.
Trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị Geneva, Trung Quốc duy trì liên lạc chặt chẽ với Liên Xô. Riêng trong tháng 4/1954, đã diễn ra ba cuộc hội đàm giữa Chu Ân Lai với các nhà lãnh đạo Xô viết. Chu Ân Lai luôn nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Trung Quốc có mặt tại một hội nghị quốc tế lớn được cả thế giới quan tâm theo dõi. Trung Quốc tham gia một hội nghị như vậy, nên thiếu kiến thức và kinh nghiệm đấu tranh quốc tế, do đó Trung Quốc và Liên Xô cần giữ liên hệ chặt chẽ, thường xuyên trao đổi ý kiến, thông tin tình báo, hiệp đồng hành động”. [4]
Suốt tháng 3 và nửa đầu tháng 4/1954, Chu Ân Lai đích thân thụ lý, chỉnh sửa và thẩm định các văn bản liên quan đến Hội nghị Geneva như “Ý kiến sơ bộ về phương án hòa bình thống nhất Triều Tiên”, “Ý kiến sơ bộ về giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương”. Ngày 20/4/1954, Đoàn đại biểu gồm hơn 200 người [5], tập trung nhân tài ưu tú của ngành ngoại giao Trung Quốc khởi hành đi Geneva.
Chu Ân Lai tự hào nói về chất lượng của đoàn đại biểu: “Đây giống như một vở diễn lớn của Mai Lan Phương [6], mỗi một người là một bộ phận hoàn hảo, tạo nên một khối thống nhất mạnh mẽ” [7]. Đoàn đến bàn đàm phán với tinh thần: “Trung Quốc là một nước lớn, đến Geneva tham gia một hội nghị quốc tế chính thức. Chúng ta đứng trên vũ đài quốc tế hát kịch văn. Vì thế, trong kịch văn phải có kịch võ, nhưng nói tóm lại là kịch chính quy, kịch võ đài” [8].
Quá trình chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng, toàn diện và cẩn trọng cho sự xuất hiện ở “vũ đài” Geneva không chỉ cho thấy những mục đích quan trọng của Trung Quốc tại đó mà còn phản ánh quyết tâm cao độ thực hiện kỳ được những mục đích này.
Ngày 26/4/1954, Hội nghị Geneva chính thức khai mạc, trùng với thời điểm Quân đội Nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tấn công đợt hai ở Điện Biên Phủ. Điện Biên Phủ đã là tâm điểm chú ý của thế giới. 5h20 ngày 21/7/1954, Hội nghị Geneva về Đông Dương tuyên bố bế mạc. Cùng với việc Hiệp định Geneva được ký kết, quan hệ Trung - Mỹ cũng thận trọng nhích dần từng bước – hai bên tổ chức hội nghị liên lạc viên lần một và lần hai, bảo lưu con đường tiếp xúc tại Geneva. Đây chính là bước đệm thích hợp để sau này Trung, Mỹ bắt đầu tiến hành cuộc đàm phán cấp đại sứ [9].
Với lực lượng hùng hậu
Hội nghị Geneva đã mang lại cho Trung Quốc những lợi ích to lớn. Về chính trị, Hội nghị chứng tỏ rằng, trên phương diện giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, sự tham gia của nước CHND Trung Hoa có vai trò quan trọng. Về kinh tế, hai năm sau Hội nghị, khối lượng buôn bán giữa Trung Quốc với các nước châu Âu tăng rõ rệt, “kim ngạch giữa Trung Quốc với châu Âu tăng gấp đôi, nếu như tổng khối lượng đó năm 1954 là 173,4 triệu USD, thì đến năm 1955 đã đạt 226,2 triệu và đến năm 1956 là 326 triệu” [10]. Về đối ngoại, “việc ký kết Hiệp định Geneva đã đánh dấu sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các công việc quốc tế và nâng cao địa vị quốc tế của Trung Quốc” [11]; đồng thời, “giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương đã làm rối loạn việc triển khai chiến lược của Mỹ nhằm uy hiếp Trung Quốc từ ba chiến tuyến Nam Triều Tiên, Đài Loan, Đông Dương, đảm bảo an ninh cho Trung Quốc ở biên thùy phía Nam, Trung Quốc có thể tập trung sức người, sức của vào phát triển kinh tế” [12].
Đi cùng ông Chu Ân Lai có tới ba Thứ trưởng Bộ Ngoại giao là Trương Văn Thiên, Vương Gia Tường và Lý Khắc Nông. Ngoài ra, còn có Thứ trưởng Bộ Ngoại thương; Tổng thư ký Bộ Ngoại giao, Thư ký Chính trị Bộ Ngoại giao, cố vấn Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ châu Á, Vụ trưởng Vụ Tây Á châu Phi, quyền Vụ trưởng Vụ châu Á, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Vụ trưởng Vụ Mỹ - Australia; Vụ trưởng Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao…
Theo đánh giá của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đoàn Trung Quốc tại Hội nghị Geneva đóng vai trò quan trọng trong việc phân định các khu vực tập kết của các bên tham chiến ở Việt Nam.
“Ngày 21/7, Hội nghị đã thông qua Tuyên bố cuối cùng chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, chấm dứt những năm dài chiến tranh thuộc địa của Pháp ở khu vực này và khẳng định quyền lợi dân tộc của ba nước Đông Dương. Đây là dấu mốc quan trọng trong quá trình đấu tranh giành độc lập của nhân dân ba nước Đông Dương. Đồng thời, Hội nghị Geneva đã cho thấy rõ vai trò tích cực của Trung Quốc trong những nỗ lực vì an ninh đất nước, vì hòa bình thế giới và sự tiến bộ của nhân loại, cũng như việc giải quyết tranh chấp quốc tế bằng thương lượng.”
“ Hiệp định Geneva về Đông Dương thể hiện kết quả đấu tranh của nhân dân Việt Nam nói riêng và nhân dân ba nước Đông Dương nói chung bảo vệ độc lập, chủ quyền. Tuy nhiên, “Hiệp định Geneva là một giải pháp hòa bình không trọn vẹn” do bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ và những chủ trương chưa đúng mục tiêu của các nước tham gia, trong đó có Trung Quốc. Lợi ích của các bên biểu hiện trong lập trường đàm phán của các nước”.
Vũ Dương Ninh (2017), Cách mạng Việt Nam trên bàn cơ quốc tế – Lịch sử và vấn đề, Nxb CTQG, HN, tr.52.)
[1] . Tạ Ích Hiển (chủ biên): Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại (1949-2001), tr.55.
[2] Preliminary Opinions on the Assessment of and Preparation for the Geneva Conference,’ Prepared by the PRC Ministry of Foreign Affairs (drafted by PRC Premier and Foreign Minister Zhou Enlai) [Excerpt]” March 02, 1954, History and Public Policy Program Digital Archive, PRC FMA 206-Y0054, CWIHP.
[3] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.26.
[4] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.36.
[5] Đoàn đại biểu được chia làm sáu tổ: tổ về vấn đề Triều Tiên, tổ về vấn đề Việt Nam, vấn đề tổng hợp, tổ tin tức tuyên truyền, tổ thư ký và tổ giao tiếp hành chính, trong đó có thêm năm phiên dịch tiếng Nga, bốn phiên dịch tiếng Anh, bốn phiên dịch tiếng Pháp, ngoài ra còn có đầu bếp, lái xe, tổng cộng là 185 người, cộng thêm 29 nhà báo.
[6] Nghệ sĩ kinh kịch lừng danh Trung Quốc.
[7] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.42.
[8] Qian Jiang: Zhou Enlai and the Geneva Conference, Ibid, p.50.
[9] Zhai Qiang: China and the Geneva Conference of1954, The China Quarterly, No. 129 (Mar, 1992), p.122.
[10] Francois Joyaux: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Sđd, tr.255.
[11] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Geneva và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.4.
[12] Bộ Ngoại giao: Hội nghị Geneva và quan hệ quốc tế sau Chiến tranh lạnh - lấy Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc làm ví dụ, Tlđd, tr.3.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vo-dien-lon-dau-tien-cua-trung-quoc-tai-vu-dai-geneva-268978.html