Vợ giả thành thật

Vài tháng làm 'vợ giả', Thủy đã thực hiện xuất sắc vai diễn của mình.

minh họa truyện ngắn

minh họa truyện ngắn

Tối hôm qua, Quảng, một người bạn thân nhắn cho Lâm: "Ngày mai cô ấy sẽ gặp, đặt vấn đề, hợp đồng thế nào do ông định liệu”.

Cả ngày ngong ngóng, nhưng mãi đến chiều Thủy mới đến, Lâm bảo:

- Chắc anh Quảng chưa nói gì với cô?

- Vâng, anh ấy chỉ giới thiệu gặp anh xin việc làm thôi.

- Đúng là tôi đang cần người làm… Nhưng là một công việc khá lạ lùng.

Thủy lo lắng hỏi:

- Công việc lạ lùng liệu em có làm nổi không anh?

Lâm đưa mắt lên, một chút thảng thốt chợt lướt trong lòng… Một khuôn mặt khả ái, đôi mắt ươn ướt, cặp lông mi cong, sống mũi cao thẳng, đôi môi hơi mỏng nhưng đỏ tươi. Lâm nghĩ thầm “Đẹp… Đẹp thật”.

Nấn ná đôi chút, Lâm nói lời tâm tình:

- Tôi đã có vợ, nhưng hôn nhân thất bại. Chúng tôi không có con, thoạt đầu không thể biết nguyên nhân tại ai, nhưng nếu vì nguyên nhân đó đưa nhau ra tòa thì cũng không gì phải phiền muộn. Đằng này cô ấy bỏ đi, sau khi vét sạch tiền bạc tôi dành dụm được qua hơn 10 năm kinh doanh vật liệu xây dựng. Tôi không biết cô ấy đi đâu, mặc dù cũng cố tìm theo nhiều kênh khác nhau. Vài năm sau, tôi nhận được tin nhắn của cô ấy nơi xa xin lỗi tôi và mong tôi quên đi một người đàn bà tội lỗi. Đó là một sự bao biện cho một hành vi khó chấp nhận, bởi sau đó cô ấy khoe đã lấy chồng, đã có con. Khi đó, tôi chua xót nhận ra, tôi mới là kẻ vô sinh. Mẹ tôi biết chuyện, bà chán nản, ăn uống thất thường, nhiều đêm thức trắng, rồi lăn ra ốm. Mẹ tôi đang sống những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, bà muốn có một đứa con dâu khác. Thực ra là bà muốn tôi không bị thua thiệt với duyên phận mà thôi. Còn tôi, từ khi vợ bỏ đi, tôi thề rằng không bao giờ dính dáng đến một người phụ nữ nào nữa. Thế nhưng bây giờ tôi muốn mẹ tôi khuây khỏa sống nốt đoạn đời còn lại, cho nên, qua anh Quảng tôi có biết chút ít về hoàn cảnh của cô, tôi muốn nhờ cô, nói thẳng ra là tôi thuê cô làm con dâu giả của mẹ tôi, tức là cô làm vợ tôi, vợ vờ thôi.

Thủy giật mình. Một chút bối rối và hoang mang. Công việc lạ lùng là như thế ư? Đây là thật hay là một trò bỡn cợt. Nếu thật thì quả là hệ trọng, như vậy mà sao anh Quảng (người anh họ) không nói trước gì với Thủy?

*

Năm 16 tuổi Thủy bỏ học. Lý do, học dốt, lười học và thích ăn chơi. Cô suốt ngày lêu lổng với bạn bè cùng sở thích. 18 tuổi, Thủy làm tiếp viên nhà hàng Karaoke Hoàng Hôn. Được nửa năm, cô cặp bồ với Minh, một tay chuyên chạy hàng tôm cua ốc ếch. Tuy hắn lúc nào cũng sằng sặc mùi tanh nhưng được cái tiền nhiều như đại gia. Vài tháng sau, Thủy có thai với hắn thì cũng là lúc hắn mất hút. Nhìn cái bụng Thủy lùm lùm, da dẻ xanh mướt, bà chủ chìa ra một nắm tiền và bảo: “Chị thương em lắm, xong chẳng thể khác được, từ mai em nghỉ làm nha”.

Thủy mang cái bụng kềnh càng lên vùng biên giới xa xôi. Đến xin việc ở một nhà hàng ăn uống đang thiếu người dọn dẹp. Bà chủ tốt bụng, ngoài tiền công, cho ăn 2 bữa, lại còn sắp xếp cho Thủy một chỗ nghỉ trong một căn buồng nhỏ, gần ngay nhà bếp, vốn làm nhà chứa bát đĩa xoong nồi.

Một buổi tối, Chính dẫn chừng bốn năm người đến ăn. Chính to cao, khuôn mặt vuông vức, lông mày rậm, cặp mắt sắc, quai hàm bạnh, râu quai nón… Thoáng nhìn, Thủy cũng biết đây là một trong những “tay anh chị” ở vùng biên. Bọn Chính có uống rượu, bia, nhưng không hề ồn ào, thậm chí còn rất im lặng. Ăn xong, bất chợt Chính lảo đảo, ôm đầu rồi đổ ngã. Cả bọn cuống quýt, lúng túng . Thủy bảo: “Bị cảm gió, các anh đưa anh ấy vào trong nhà nằm nghỉ”.

Đặt Chính nằm lên giường của Thủy, một người nói:

- Chúng tôi có việc vội, nhờ cô trông giùm anh ấy.

Thủy lấy hộp dầu cao xoa vào thái dương, vào gan bàn chân của Chính. Chừng hơn tiếng đồng hồ sau Chính tỉnh dậy.

Thủy đang lúi húi dọn dẹp, thấy Chính loạng choạng từ trong buồng bước ra, cô chạy đến bên bảo:

- Anh còn mệt, ra ngoài bây giờ gặp gió là nguy, cứ vào nằm nghỉ thêm lát nữa.

Chính thấy còn chóng mặt nên nghe lời Thủy quay lại giường. Thủy mang vào một bát cháo tỏa hơi nghi ngút, nhẹ nhàng bảo:

- Khi nãy anh cảm, nôn thốc tháo ra hết… Giờ anh ăn bát cháo này cho lại sức, rồi uống thuốc, tôi đã mua thuốc cảm đây.

Chính không nói không rằng, cầm lên húp soàm soạp vài hơi hết bát cháo. Thủy nhìn thấy những hạt mồ hôi vã ra trên trán gã liền lấy một cái khăn ướt bảo lau. Chính làm theo lời cô như một cái máy. Anh ta uống một ngụm nước, đưa mấy viên thuốc lên miệng nuốt ực cái, rồi lại nằm xuống giường.

Bọn người lúc nãy trở lại. Họ vào gặp Chính, một lúc quay ra gọi:

- Cô gì ơi… vào đây.

Thủy bước vào hỏi :

- Các anh cần gì ạ?

Chính nhìn cô, một cái nhìn Thủy cảm nhận thật lạ, nó không lạnh lùng nhưng cũng không hề nồng nhiệt, nhưng rõ ràng cái nhìn thể hiện sự biết ơn hoặc cảm phục. Chính gật đầu, buông một câu bột phát:

- Em đẹp… Đẹp lắm!

Chính thì thào vào tai một người trong số họ, người ấy “vâng” rồi lập cập mở khóa cái cặp số. Thủy nhìn theo và vô cùng kinh ngạc, trong cái cặp đựng đầy ắp tiền. Chính thò tay cầm ra một sấp tiền mệnh giá cao, xìa ra trước mặt Thủy:

- Cảm ơn em đã chăm sóc anh!

Thủy cũng không ngờ, sau hôm ấy, cô và Chính lại có một sự gắn bó, dẫu linh tính luôn mách bảo Thủy, đó là là một sự gắn bó mong manh. Nhưng trước khi sự mong manh bị tan vỡ cô và Chính đã có những ngày tháng khá ngọt ngào nơi biên ải. Điều khiến Thủy khâm phục, Chính không bao giờ hỏi về quá khứ của cô, hơn nữa khi Thủy sinh cháu Thu Hà, Chính sốt sắng chăm lo cho mẹ con cô cứ như là bố đẻ của cháu bé vậy…

Sau khi sinh con, Thủy xin thôi việc ở quán ăn. Chính thuê một phòng trọ dành cho những người lao động tỉnh xa, đưa mẹ con Thủy về đấy và hai người ăn ở với nhau như vợ chồng.

Khi Thu Hà được 3 tuổi thì biến cố xảy ra. Chỉ vì tranh giành vài mối hàng, Chính bị dân làm ăn khác đâm vào ngực mười mấy nhát dao. Chính chết, bọn đàn em lại lâm vào tình cảnh bơ vơ.

Đúng khi ấy, Thu Hà bị viêm phổi cấp, bệnh viện ở rẻo cao không đủ khả năng điều trị. Thủy phải thu xếp đưa con về Hà Nội. Cứ ngỡ chỉ dăm bữa nửa tháng bệnh con sẽ khỏi, ai dè cứ lai rai, hai ba tháng mà xem ra không mấy khả quan. Tiền Chính cho trong mấy năm, chẳng mấy chốc Thủy đã tiêu đến đồng cuối cùng.

Viễn cảnh trước mắt u ám, xám xịt. Đợi cho Thu Hà đỡ một chút, Thủy lại định ôm con lên biên giới, song không hiểu sao Thủy bỗng thấy chờn chợn cái nơi xa xôi ấy. Vài đêm suy tính, đắn đo, Thủy bỏ ý định đó, cô quyết định quay về nhà… Thủy dự tính, sẽ đi làm thuê không quản bất cứ công việc nặng nhọc nào, cốt sao kiếm được tiền nuôi con.

*

Sau giây lát bối rối, bình tĩnh lại, Thủy chẳng cần nghĩ ngợi gì thêm, cô nhẹ nhàng nói:

- Em đang cần tiền chữa bệnh cho con... Nhưng làm như vậy là đánh lừa bà cụ.

Lâm buồn buồn chậm rãi:

- Đúng vậy, nhưng không sao đâu, chỉ tôi và cô biết. Cô cứ cố gắng thực hiện đúng vai trò của một người con dâu.

Thủy thật thà nói:

- Em chưa hề làm dâu, em chưa hề lấy chồng… Không biết vai mình sắm liệu có như ý muốn không anh?”

Lâm bảo:

- Chắc ổn thôi… Mẹ tôi mấy năm nay ốm nằm liệt giường. Bà có đi đứng được đâu, chính vì vậy mọi việc xảy ra ngoài căn buồng bà đều không hay biết gì cả.

Ngoài những khoản chính được liệt kê trong “hợp đồng” miệng, Lâm đưa ra vài điều khoản phụ lặt vặt nữa. Thủy vui vẻ nhận lời.

Lâm lấy tiền đưa cho Thủy, bảo:

- Trước mắt cô cứ cầm tạm số tiền này lo thuốc thang cho cháu. Thủy hỏi:

- Bao giờ em đến làm vợ anh?

- Mọi việc phải làm như thật, để tôi thưa chuyện với mẹ, rồi cô vào ra mắt. Ngoài việc nói dối chúng mình là vợ chồng, còn lại tôi sẽ nói thật hết về hoàn cảnh của cô, cô thấy có được không?

Thủy trau mày, hàm răng trên cắn nhẹ xuống môi dưới, một thoáng đắn đo, nhưng rồi Thủy bảo:

- Tùy anh.

Tuần sau đưa Thủy về nhà, Lâm nói với mẹ về trường hợp của Thủy. Bà cụ thở dài: “Thật tội nghiệp con”. Bàn tay xương xẩu của bà cố khều khào giơ ra, Thủy đón bắt được ý định của bà nên chủ động nắm lấy. Giọng bà cụ run run:

- Con à… Thằng Lâm tốt tính nhưng ngốc ngếch nên bị lừa… Thương lấy nó nhé… Mà mẹ nói thật lòng, con gái của con cũng sẽ là cháu của mẹ... Bỗng dưng trong Thủy trào dâng cảm động.

*

Vài tháng làm “vợ giả”, Thủy sắm vai diễn xuất sắc. Bà cụ không hề biết, ngay đến người giúp việc cũng cho là vợ chồng thật.

Buổi sáng họ đưa nhau đi làm, buổi tối họ về chung một phòng. Bà cụ và giúp việc đâu biết trong phòng “tân hôn” kia Lâm và Thủy mỗi người một giường và hai người nghiêm chỉnh thực hiện những cam kết ban đầu.

Một buổi tối, Thủy bảo Lâm:

- Anh ạ, qua một thời gian quan sát em thấy giúp việc phục vụ mẹ không ổn. Cô ấy vừa lau cho mẹ vừa nôn ọe, vừa bịt mũi và thái độ không thiện cảm. Đút cho mẹ ăn cũng chỉ cốt nhanh chóng cho xong việc, mấy lần em thấy mẹ nghẹn…

Lâm vò đầu bứt tai nói:

- Anh cũng nhận thấy điều đó... Nhưng mà bây giờ thuê người phục vụ khó quá.

Thủy bảo:

- Từ mai em sẽ bố trí, thu xếp, công việc chạy chợ, sao cho dư dả thêm thời gian để về phục vụ mẹ. Em nói thật, công xá anh không phải tính thêm, em chỉ xin anh một điều…

Lâm căng mắt nhìn Thủy: “Điều gì?”. Lưỡng lự một lúc, Thủy mạnh dạn:

- Anh cho em đưa cháu Thu Hà về đây ở.

Nghe Thủy nói, Lâm gật đầu ngay:

- Thực ra anh cũng muốn em đưa cháu về đây (không biết từ khi nào Lâm chuyển cách xưng hô), nhưng ngại nói với em điều đó. Nhà có thêm đứa trẻ có khi mẹ anh vui, cụ lại khỏe ra. Em cứ đưa cháu về đây.

Thủy cảm ơn Lâm, nói:

- Xin anh cứ cho cô giúp việc nghỉ, vì cô ấy cũng chán công việc hầu hạ người già rồi. Mọi việc anh cứ tin tưởng ở em.

Ngay trong mơ, Lâm cũng không dám nghĩ rằng mọi việc lại thuận buồm xuôi gió đến vậy. Anh không ngờ, chỉ vài tháng thực hiện giao kèo, mọi việc đã đột ngột thay đổi. Mà lại là sự thay đổi tích cực.

Sự xuất hiện của bé Thu Hà trong căn nhà “già cỗi” đã thổi thêm một luồng sinh khí mới. Tiếng cười tiếng nói của con trẻ đã xua tan đi cảnh ảm đạm u ám. Mẹ già bệnh trọng của Lâm cũng đã có những dấu hiệu khả quan. Bà vui vẻ hơn, ăn uống tốt hơn. Những lúc không có mẹ con Thủy, bà bảo con trai: “Nó là đứa tốt, đừng để nó lại bỏ đi…”.

Những lúc ấy, Lâm vui vẻ cho mẹ vừa lòng, còn trong thâm tâm anh đang nhận ra cái chua chát của cuộc đời. Mẹ anh đâu biết được, Thủy chỉ là con dâu hờ của mẹ và cô ấy đang nghiêm túc thực hiện “hợp đồng” với anh.

Mùa khô là mùa xây dựng, công việc kinh doanh của Lâm bận bịu. Hằng ngày, công việc xuất nhập hàng diễn ra liên tục, căng thẳng. Tuy nhiên, sự vất vả được đền bù bằng thu nhập cao. Có tiền, anh giúp cho Thủy nhiều hơn. Được thuốc men, chăm sóc tốt, bé Thu Hà dần phục hồi. Nếu không có gì đột biến, sang năm anh sẽ lo nhập hộ khẩu rồi xin cho bé Thu Hà đi học.

Một buổi chiều, Lâm đột xuất về nhà… Anh đến cửa buồng, mẹ và Thủy vẫn không hề hay biết. Họ vẫn đang thì thào, nhưng Lâm vẫn nghe rõ lắm:

- Lấy được con, thằng Lâm có phúc lớn. Mà mẹ bảo nó phải thuê người ở, không để con vất vả.

- Là con không cho anh Lâm thuê nữa mẹ ạ. Được giúp mẹ là con vui rồi. Mẹ còn đau không?

- Từ ngày nó lấy con, mẹ khỏe hơn nhiều. Mẹ chỉ mong sao các con ăn đời ở kiếp với nhau, đừng làm cho nhau khổ.

- Mẹ ơi, con hứa với mẹ chúng con sẽ yêu thương nhau đến trọn đời…

Lâm không dám vào nhà nữa, anh lặng lẽ quay ra.

*

Đêm ấy, đợi bé Thu Hà ngủ ngon, Lâm vào buồng Thủy, anh nhẹ nhàng và chân thành nói:

- Thủy ơi… Anh muốn em làm vợ thật. Được không em?

Dường như Thủy chỉ đợi có thế, cô run rẩy nép vào người Lâm. Vòng tay Lâm từ từ xiết chặt lấy tấm thân mỏng mảnh của Thủy.

NINH ĐỨC HẬU

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/vo-gia-thanh-that-409028.html