Võ Huỳnh Mơ - Người làm những điều 'nhỏ nhặt' cho cải lương
Đạo diễn, nghệ sĩ (ĐD, NS) Võ Huỳnh Mơ là một người con của Long An, đang hoạt động chính tại Tiền Giang và TP.HCM. Chị rất tâm huyết với nghệ thuật cải lương (NTCL), từng ngày miệt mài cùng trái tim yêu nghề son sắt.
"Giữ lửa" rạp hát thầy Năm Tú
ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ đang công tác tại Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang. Chị được mệnh danh là “người giữ lửa” cho rạp hát Thầy Năm Tú bởi những nỗ lực trong việc “thắp lại” ánh đèn sân khấu cho rạp hát tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Rạp hát Thầy Năm Tú là rạp hát cải lương đầu tiên của Việt Nam, do ông Châu Văn Tú, một người say mê NTCL, gầy dựng vào năm 1905. Năm 1918, vở cải lương đầu tiên được công diễn tại rạp. Rạp hát là nơi từng "nâng đỡ" tên tuổi nhiều NS nổi tiếng lúc bấy giờ. Thời cuộc đổi thay, rạp hát Thầy Năm Tú đóng cửa vào năm 1995 và được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh tại Tiền Giang.
Năm 2016, một lần đi ngang rạp hát Thầy Năm Tú, thấy rạp cải lương vang bóng một thời cửa đóng then cài, NS Võ Huỳnh Mơ không khỏi bồi hồi. Trong đầu chị lóe lên ý tưởng “thắp lại” ánh đèn sân khấu cho rạp hát đầu tiên của Việt Nam. Chị xin phép tổ chức chương trình Ngân mãi tiếng tơ đồng tại rạp hát Thầy Năm Tú và nhận được sự ủng hộ của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang cũng như sự đón nhận nhiệt tình của người dân.
Chương trình phục vụ hoàn toàn miễn phí nên toàn bộ kinh phí thực hiện đều do ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ bỏ ra. Bằng những mối liên hệ thâm tình trong suốt 6 năm làm nghề, chị mời được các NS cải lương nổi tiếng hỗ trợ mình trong các đêm diễn của chương trình Ngân mãi tiếng tơ đồng: Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đào Vũ Thanh, NSƯT Lê Tứ,... Vừa chịu trách nhiệm ĐD, dàn dựng, vừa tham gia biểu diễn, chị như “vắt kiệt sức mình” để ánh đèn sân khấu cải lương lần nữa được thắp lên tại sân khấu cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Trước khi chương trình Ngân mãi tiếng tơ đồng số thứ nhất diễn ra, NS Võ Huỳnh Mơ tự quét dọn sân khấu, lau bụi trên từng hàng ghế khán giả và thắp nén nhang đầu tiên lên bàn thờ Tổ nghiệp.
Buổi diễn đầu tiên thành công, nữ NS vỡ òa hạnh phúc. Sau bao năm vắng bóng, tiếng đờn, ca, tiếng vỗ tay lại vang vọng trong rạp hát trăm tuổi của Việt Nam. Nối tiếp thành công đó, ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ tiếp tục bỏ kinh phí tổ chức chương trình thứ 2. ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ chia sẻ: “Tâm huyết lớn nhất của tôi là có thể “thắp sáng” đèn cho rạp hát Thầy Năm Tú để mọi người còn nhớ tới rạp và những người yêu mến cải lương có thể đến xem. May mắn của tôi là được Tổ nghiệp thương, ngoài nhiệm vụ chính tại đơn vị, tôi còn được mời đóng MV, đóng phim cũng như tham gia các chương trình, vở diễn tại TP.HCM và các địa phương khác. Nhờ vậy, tôi mới có thể sống với đam mê của mình”.
Giữa năm 2017, chương trình Ngân mãi tiếng tơ đồng được Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đầu tư kinh phí thực hiện định kỳ 3 tháng 1 lần với tên gọi Dạ khúc tri âm và duy trì đến nay. ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ vẫn là tổng ĐD và chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức chương trình.
Dân tin học thành nghệ sĩ
ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ rất tâm huyết với NTCL. Cái duyên của chị với cải lương cũng là một điều đặc biệt. Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, từ nhỏ, chị đã quen với âm điệu đờn, ca tài tử vì cha mẹ chị rất đam mê loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, chị chưa bao giờ nghĩ sẽ gắn bó đời mình cùng NTCL. Tốt nghiệp THPT, chị chọn theo học cao đẳng ngành Công nghệ thông tin. Qua quá trình phấn đấu học tập, rèn luyện, chị được kết nạp Đảng tại trường. Tốt nghiệp, chị tìm được công việc tốt với mức lương trên 10 triệu đồng/tháng vào thời điểm năm 2006.
Chị sẽ là một nữ IT nếu không có lần đi ngang lớp học đờn, ca ở Cung Văn hóa Lao động TP.HCM. Phần tò mò, phần yêu thích, chị đứng lại nghe và lẩm nhẩm hát theo. Giáo viên đứng lớp mời chị vào hát thử và khuyên nên theo học hát. Được các thầy, cô thương, tạo điều kiện, chị chính thức biểu diễn trên sân khấu. Ánh đèn màu, tiếng vỗ tay và những làn điệu ngọt ngào của cải lương khiến chị nhận ra sân khấu cải lương chính là một phần cuộc sống của mình. Chị thi đậu vào ngành Diễn viên cải lương của Đại học Sân khấu Điện ảnh, bắt đầu hành trình trở thành NS cải lương chuyên nghiệp.
Hơn 10 năm làm nghề, ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ khẳng định tài năng của mình bằng sự yêu mến và công nhận của khán giả cũng như bạn bè, đồng nghiệp. Chị cùng các NS của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang đoạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc trong những liên hoan sân khấu cải lương cấp ngành và toàn quốc.
Năm 2020, chị dàn dựng vở Giọt máu người yêu dự Liên hoan Sân khấu về Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân tại Hà Nội và tham gia diễn vai chính. Vở diễn đem về 3 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cho diễn viên. Trong đó, ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ đoạt huy chương vàng.
Tại Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2021, cũng với vai trò ĐD, diễn viên, Võ Huỳnh Mơ cùng sân khấu Võ Thị mang về 2 huy chương bạc cho diễn viên với vở Cơn hồng thủy. Sân khấu Võ Thị là "đứa con tinh thần" của nữ NS, được "khai sinh" trong năm 2022.
Tham dự liên hoan với vai trò đơn vị ngoài công lập, Võ Huỳnh Mơ gặp không ít khó khăn, tuy nhiên, với bản tính kiên trì và tình yêu dành cho NTCL, chị cùng anh em NS sân khấu Võ Thị mang đến một vở diễn ấn tượng. ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ chia sẻ: "Liên hoan lần này, đơn vị mà tôi công tác không tham gia nên tôi đến với liên hoan với vai trò một đơn vị ngoài công lập là sân khấu Võ Thị. Tôi tự đầu tư kinh phí, làm ĐD và diễn viên nên gặp không ít khó khăn, áp lực. Tôi đã cố gắng hết sức để được góp mặt trong sân chơi lớn của cải lương cả nước".
Nói về những dự định tương lai, ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ khẳng định tiếp tục cống hiến hết mình cho NTCL đến khi nào còn có thể. ĐD, NS Võ Huỳnh Mơ trải lòng: “Tôi muốn góp một phần công sức của mình vào việc gìn giữ, phát triển NTCL. Đó là ước mơ của riêng tôi. Tùy vào sức của mình, tôi sẽ làm những điều nhỏ, còn những điều lớn lao hơn, tôi không dám nghĩ tới!”./.