Vở kịch Mặt đối mặt

Tối 29-6, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B sáng đèn vở 'Mặt đối mặt' (kịch bản: cố NSƯT Thanh Hoàng, đạo diễn: Chánh Trực, chỉ đạo nghệ thuật: NSND Trần Ngọc Giàu). Vở có sự tham gia biểu diễn của NSND Mỹ Uyên, NS Chánh Trực, Trọng Hiếu, Tô Thiên Kiều, Kỳ Thiên Cảnh, Lê Khâm, Kim Đào, Quốc Cường, Thu Cúc...

Vở kịch Mặt đối mặt (ảnh) được tái dựng dựa trên kịch bản Cha yêu, lột tả cuộc sống nơi xa xứ không hề là thiên đường như giấc mơ của bao người, trong đó có Trần, chàng trai trẻ nhiều hoài bão. Với chút vốn liếng cha cho, Trần gom vốn sang Mỹ làm ăn, chịu bao vất vả cho cuộc sống mưu sinh nơi xứ người. Ngày ngày, anh làm việc đầu tắt mặt tối, mong kiếm được nhiều tiền gửi về quê nhà cho cha và các em. Đó cũng là cách anh muốn chứng tỏ mình giàu có.

Cũng từ đây, những màn kịch buồn xảy ra liên tiếp. Trong khi Trần cứ nai lưng làm việc kiếm tiền để gửi về quê nhà, hỗ trợ kinh tế cho các em có thêm điều kiện chăm sóc cha già tốt hơn, thì ngược lại, các em của anh luôn giả nghèo khổ để liên tục moi tiền anh. Em trai thì quăng tiền vào các cuộc chơi thâu đêm suốt sáng, em gái dùng tiền để nuôi mộng làm diễn viên nổi tiếng...

Khi người cha mất đi, hai người em vẫn tiếp tục giấu giếm, liên tục vòi tiền anh Hai nơi đất khách quê người. Nhưng rồi thông tin cha mất cũng đến tai Trần. Anh đau xót, cố gắng thu xếp tất cả công việc để được một lần trở lại quê hương, trước là thăm lại quê cha sau bao năm dài xa cách, sau là để tìm hiểu thực hư thông tin cha mất mà hai em mãi vẫn không báo tin cho anh. Chuyến trở về của Trần không ồn ào, anh âm thầm tìm hiểu sự thật, để lúc mặt đối mặt với các em, mọi sự mới được vỡ lẽ, phơi bày...

Bản dựng năm 2024 được NSND Mỹ Uyên cùng đạo diễn Chánh Trực biên tập kỹ để hợp lý hơn về không gian và thời gian, cập nhật những thay đổi của thời đại mới. Điển hình như bối cảnh gốc là giai đoạn internet chưa phát triển nên việc liên lạc, gửi hình ảnh phải mất vài tuần qua đường bưu điện. Nhưng nay, việc liên hệ đã thuận lợi hơn rất nhiều, có thể trò chuyện trực tuyến bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, kịch bản phải thay đổi về đường dây và cách dẫn dắt để vở kịch toát lên sự châm biếm, hài hước, vui tươi, đặc biệt là những điểm nhấn hài thi vị, những tình huống cười ra nước mắt liên tiếp diễn ra, cuốn hút người xem bằng câu chuyện ý nghĩa về tình thân trong gia đình, tình cha con, tình anh em, lối sống, cách cư xử giữa người với người...

Kịch bản của cố tác giả, NSƯT Thanh Hoàng từ trước đến nay vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao ở tính thời sự, thực tế, sát sườn với đời sống xã hội, đi sâu khai thác những góc cạnh tâm lý, tình cảm con người.

Như câu chuyện của Mặt đối mặt, dẫu bao năm qua đi thì thực tế vẫn còn đó tình cảnh người xa xứ ngày ngày tháng tháng vất vả mưu sinh, gom góp tiền bạc gửi về cho gia đình nơi quê nhà, mà không ít người ở quê nhà không biết trân trọng, yêu quý sự nỗ lực làm việc của những người con xa quê hương xứ sở, để đọng lại trong trái tim người xa quê hương những muộn phiền, xót xa...

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/vo-kich-mat-doi-mat-post745858.html