Vở 'Làm vua' đoạt HCV liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc
Sau 10 ngày tranh tài, tối ngày 28/5, tại TP. Vinh (tỉnh Nghệ An), Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc - 2022 đã chính thức khép lại bằng lễ bế mạc và trao giải.
Kết quả, BTC đã trao 3 Huy chương Vàng cho các vở Cánh cò trong bão - Trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An; Cô thần - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định; Truyện ngoài chính sử - Làm vua - Nhà hát Tuồng Việt Nam.
5 Huy chương Bạc thuộc về Đi qua ngày giông bão - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Hà Tĩnh, Hoàng đế Lê Đại Hành - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Thanh Hóa, Chiếc áo thiên nga - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, Chợ đời - Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Tam khúc Chúa - Nhà hát Tuồng Việt Nam.
3 Huy chương Đồng thuộc về Phượng hoàng Trung Đô - Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa, Ni sư Hương Tràng - Đoàn ca kịch Quảng Nam, Ngược sóng - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.
Ở giải diễn viên, BTC cũng trao 31 Huy chương Vàng, 40 Huy chương Bạc, 20 Huy chương Đồng.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông.
Bên cạnh đó, BTC trao giải Tác giải xuất sắc thuộc về Văn Trọng Hùng - Vở diễn Cô thần, đạo diễn xuất sắc (thể loại Tuồng) thuộc về NSND Hoài Huệ vở Truyện ngoài chính sử - Làm vua, đạo diễn xuất sắc (thể loại Dân ca) thuộc về NSƯT Bùi Như Lai vở Đi qua ngày giông bão, nhạc sĩ xuất sắc thuộc về NSƯT Thành Nam vở Hoàng đế Lê Đại Hành, họa sĩ xuất sắc thuộc về Trần Hồng Vân vở Chiếc áo thiên nga, biên đạo múa xuất sắc thuộc về Đỗ Thị Kim Tiển vở Cô thần.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL trai giải cho các nghệ sĩ sáng tạo.
Tại lễ bế mạc, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, ở Liên hoan lần này có nhiều vở đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng, đặc biệt có nhiều vở sáng tạo, mới mẻ đến từ tác giả, đạo diễn, diễn viên đến cách hóa trang kiểu mặt nạ; múa theo nguyên tắc “nội ngoại tương quan, tả hữu tương ứng, thượng hạ tương phù”, hát thì theo cách “nói lối”.
Cũng theo Thứ trưởng, âm nhạc theo nguyên tắc “lề lối”, tất cả tuân theo nghiêm luật âm dương nghệ thuật; các yếu tố ca, vũ nhạc được phát triển hài hòa với nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sự kết hợp tổng thể các yếu tổ mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, giúp họ cảm nhận được sự tinh tế của nghệ thuật tuồng và dân ca.
BTC trao Huy chương Vàng.
Đánh giá chất lượng nghệ thuật của liên hoan năm nay, nhà văn, nhà viết kịch Hà Đình Cẩn, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật ghi nhận, 16 vở kịch hát với đề tài lịch sử, hiện đại đầy sắc màu, mang dấu ấn của các vùng miền văn hóa...
Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật cũng chỉ ra một vài điểm hạn chế của Liên hoan như, có kịch bản sơ lược, chú trọng vào bối cảnh lịch sử hoành tráng mà sao nhãng số phận nhỏ bé của nhân vật mà sân khấu lại cần các số phận nhỏ bé, chìm khuất giữa cuộc đời thường làm lay động người xem. Có vở đạo diễn dùng quá nhiều dây dợ, bục bệ làm rối sân khấu và diễn viên bị lúng túng bởi các giăng mắc giải lụa không cần thiết.
BTC trao Huy chương Bạc.
Có vở trùng lặp về thiết kế Mỹ thuật, có vở diễn múa dài, múa với các đạo cụ kồng kềnh làm mất đi vẻ đẹp truyền cảm xúc bằng ngôn ngữ hình thể. Có vở diễn dư thừa về mỹ thuật bục bệ tràn lan. Có vở diễn, nhạc một nơi, diễn một nẻo và không dắt được xúc cảm tiếp nhận của khán giả. Có vở diễn phục trang màu mè không phù hợp với truyền thống phúc trang mộc mạc của người Việt gọn gàng, giản dị và thanh lịch...
Nhà viết kịch Hà Đình Cẩn cũng bày tỏ, sân khấu là nghệ thuật của thực tại. Dù các tác giả viết về lịch sử hay hiện đại và thể hiện như thế nào trong tác phẩm thì điểm xuất phát và đích đến cuối cùng cũng là cõi nhân sinh rộng lớn mà chúng ta.
BTC trao Huy chương đồng.
“Con người trong lịch sử và con người hôm nay khi đã trở thành hình tượng nghệ thuật sân khấu vẫn mang bóng dáng những mẫu người trong thực tại, trở thành đứa con tinh thần của các nghệ sĩ thực tại, in dấu và thể hiện cả quan niệm, về lối sống, về tính độc đáo và chiều sâu tư tưởng của của các người nghệ sĩ thực tại”, nhà viết kịch nói.