Vợ liệt sĩ giữa thời bình: Sống kiên cường để thay chồng nuôi dạy các con

Giữa thời bình, vẫn có những người vợ lính trở thành góa phụ khi còn rất trẻ. 'Là vợ liệt sĩ, chúng tôi càng phải sống kiên cường hơn để thay chồng chăm sóc cha mẹ già 2 bên, nuôi dạy các con khôn lớn', vợ liệt sĩ Phạm Giang Nam (Thái Bình) chia sẻ.

 Chị Nguyễn Thị Vân cùng các con

Chị Nguyễn Thị Vân cùng các con

Dạy con giữ bóng hình cha qua mỗi nếp nhà

Đã 6 năm qua, trong căn nhà nhỏ nằm trong con ngõ ở thành phố Thái Bình của 3 mẹ con chị Phan Thị Huyền Trang (vợ Đại tá - liệt sĩ Phạm Giang Nam, hiện đang công tác ở Ban tài chính, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình) vẫn giữ nguyên vị trí treo chiếc khung ảnh cưới của vợ chồng chị cùng ảnh kỷ niệm của cả gia đình như ngày anh còn sống.

Mọi thứ chẳng có gì thay đổi, trừ hai bé Su và Mig (tên gọi trìu mến mà liệt sĩ phi công Phạm Giang Nam đặt cho các con theo tên những chiếc máy bay anh yêu thích) ngày một lớn hơn. Thấm thoắt, cô bé Su đã học lớp 5, cậu em Mig lên lớp 4.

Mỗi khi nhắc nhớ về người cha phi công anh dũng hy sinh, cạnh niềm nhớ thương khôn nguôi, 2 chị em Su và Mig không thể giấu được niềm tự hào.

Vợ chồng chị Trang cưới nhau năm 2013, năm 2018 anh Phạm Giang Nam hy sinh. Lúc anh Nam hy sinh, con gái đầu mới 4 tuổi, con trai nhỏ 3 tuổi. Chị Trang kể, vì tính chất công việc, anh thường xuyên vắng nhà, nên khi chị sinh liền 2 con nhỏ, vợ chồng phải nhờ cậy hết ở ông bà ngoại.

Rồi biến cố bất ngờ ập đến. Đó là ngày 26/7/2018, chiếc máy bay Su-22U, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân thực hiện bay huấn luyện bị rơi tại làng Dừa, thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An.

Hai phi công hy sinh, trong đó có Thượng tá Phạm Giang Nam, Chủ nhiệm An toàn bay Trung đoàn 921.

Bức ảnh hiếm hoi đầy đủ thành viên của gia đình chị Huyền Trang

Bức ảnh hiếm hoi đầy đủ thành viên của gia đình chị Huyền Trang

Mất đi người con trai duy nhất, bố mẹ chồng chị Trang gần như ngã quỵ. Ngay lúc nhận được tin anh Nam hy sinh, ông ngoại đến trường đón 2 cháu, không giữ nổi bình tĩnh, ông ôm cháu bật khóc ở cổng trường.

"Tôi sợ các con bị chấn động tinh thần, nên khi ở trước mặt con và bố mẹ 2 bên nội ngoại, kể cả trong lễ truy điệu chồng, tôi vẫn cố nén lòng, nuốt nỗi đau vào trong để bố mẹ không quá lo lắng về tôi, cũng để các con yên tâm đến lớp.

Tôi cứ gắng gượng từng ngày, chấp nhận nỗi đau mất anh. Suốt hơn nửa năm trời, sau mỗi lúc đưa các con đi học, tôi trở về căn gác nhỏ lại nằm khóc một mình. Khóc cho vơi ẩn ức, mong vợi bớt nỗi nhớ thương anh.

Con gái tôi trước đó rất quấn bố, khi bố mất đi, nhiều đêm tôi sang phòng thấy con khóc thút thít không ngủ. Nghe con nói "Con nhớ bố, con muốn gặp bố" mà lòng tôi đau thắt, chỉ biết ôm con vỗ về cho con chìm vào giấc ngủ", chị Huyền Trang nghẹn ngào nhớ lại.

Hơn 6 năm qua, mọi sinh hoạt của 3 mẹ con vẫn được chị Trang giữ nguyên nếp nhà như ngày anh còn sống. "Cứ hễ nhìn lên bức ảnh đầy đủ cả gia đình, tôi không nguôi được nỗi buồn và nhớ anh. Nhưng đành phải chấp nhận sự thật cuộc sống thiếu vắng anh.

Tôi dạy các con sống tự lập và giữ nếp nhà. Như bữa cơm, trên mâm vẫn có phần bát đũa của bố. Trước khi ăn cơm, các con vẫn mời ông bà, mời bố mẹ rồi mới ăn. Bao năm nay, khi đi học về, các cháu đều nói câu "Con chào bố, con đi học về" và nhìn lên ban thờ, có di ảnh bố.

Từ những sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, tôi dạy các con giữ mãi bóng hình của bố trong tâm trí, trong ký ức. Đó cũng là động lực để các con tự giác học tập chăm ngoan và luôn tự hào có người cha đã hy sinh vì đất nước", chị Huyền Trang chia sẻ.

Sống xứng đáng với người đã khuất

Cũng chung hoàn cảnh là vợ liệt sĩ thời bình, liều "thuốc" thời gian đã giúp căn nhà của 3 mẹ con chị Nguyễn Thị Vân (vợ Liệt sĩ Đỗ Hữu Tuấn ở xã An Hồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng) đã bớt trống trải và vơi đi nỗi đau mất mát phần nào.

Chị Nguyễn Thị Vân hiện công tác ở phòng Tham mưu của Lữ đoàn 131, Quân chủng Hải quân. Chồng chị - anh Đỗ Hữu Tuấn đã hy sinh trong lúc chống chọi với cơn bão lớn ở đảo Phan Vinh, huyện đảo Trường Sa năm 2012.

"Hơn 10 năm vắng anh, tôi đã gắng gượng vượt qua nỗi đớn đau, mất mát để vừa làm mẹ, lại thay anh làm cha nuôi các con khôn lớn. Hồi anh hy sinh, các con mới vào cấp 1. Nay con trai lớn của chúng tôi đã lên lớp 12, con gái đang học lớp 10", chị Vân chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Vân cùng con gái

Chị Nguyễn Thị Vân cùng con gái

Chị Vân nhớ lại, lúc quen anh, chị làm công nhân ở Khu công nghiệp gần nhà, còn anh Tuấn công tác ở Lữ đoàn 131, Quân chủng Hải quân. Cưới nhau xong, anh đi đảo làm nhiệm vụ liên miên. Theo nhẩm tính của chị Vân, gần 6 năm vợ chồng, tính cộng lại, chỉ có khoảng 5 tháng vợ chồng chị được ở bên nhau.

Lần sinh con đầu lòng, chị phải "vượt cạn" một mình, mãi khi con trai được gần 3 tháng, anh Tuấn mới về phép nhìn mặt con lần đầu. Sau ít ngày con vừa quen hơi bố, anh lại đi đảo công tác dài ngày.

Lần sinh con thứ 2, anh muốn bù đắp cho vợ con, đã tính kỹ để xin nghỉ phép đúng thời gian dự sinh. Nhưng trái với sự mong đợi, háo hức được đón tay cô công chúa bé bỏng, kỳ nghỉ phép của anh Tuấn đã hết mà con gái vẫn chưa chào đời. Vậy là anh Tuấn ra đảo rồi, ở nhà chị Vân lại thêm lần nữa "vượt cạn" một mình. Phải nửa năm sau, anh Tuấn mới có dịp về gặp con gái.

"Sau lần đầu về thăm con, khi con gái được hơn 1 tuổi, anh mới về thăm nhà lần thứ hai. Nhìn thấy con, anh rưng rưng ôm chầm cô con gái nhỏ nhưng "lạ bố", con bé sợ hãi òa khóc. Nhìn anh cười ngượng nghịu, tập làm quen với các con mà tôi thương chồng chảy nước mắt.

Không ai ngờ, lần thứ hai con gái nhỏ gặp bố cũng là lần cuối cùng anh ở bên các con. Khi bố mất, ký ức về bố trong đầu cô con gái 2 tuổi khá mờ nhạt, nên đến bây giờ, cháu chỉ có thể tưởng tượng về bố qua lời kể những kỉ niệm của mẹ, của người thân, đồng đội của bố và di ảnh trên ban thờ", chị Vân bộc bạch.

Chị Vân cho biết, chỉ có cậu con trai lớn khi ấy 4 tuổi vẫn có ký ức về bố. Dịp đó, chị bế con trai cùng đón di hài của bố ở đảo về, rồi làm lễ mai táng cho anh ở nghĩa trang gần nhà. Tết năm ấy, con trai đứng trước mộ bố vừa khóc, vừa níu chặt áo mẹ ngây thơ nói:

"Mẹ ơi, con chỉ cần mẹ xin bác sĩ cứu bố, để bố về nhà chơi với con 1 lát thôi, con chỉ xin 1 lần gặp bố thôi". Tận mấy năm sau con mới hiểu, bố các con đã mãi nằm lại ở vùng biển Trường Sa.

"Cuộc sống sau 13 năm vắng anh của 3 mẹ con tôi nay đã dần ổn rồi. Hai con của anh dần trưởng thành, bản lĩnh hơn. Vắng anh nhưng 3 mẹ con tôi luôn được sống trong sự yêu thương, quan tâm của đồng đội, đơn vị anh và bà con lối xóm.

Đó là động lực để mẹ con tôi luôn cố gắng mỗi ngày. Tôi nghĩ, vợ liệt sĩ thời nào cũng thế, phải chấp nhận hy sinh để thay chồng nuôi con khôn lớn, trở thành người có ích, sống xứng đáng với sự hy sinh vì nước, vì dân của người đã khuất", chị Nguyễn Thị Vân chia sẻ.

Bảo Vy

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vo-liet-si-giua-thoi-binh-song-kien-cuong-de-thay-chong-nuoi-day-cac-con-20241220140453724.htm