'Vỡ mộng' sang Mỹ, Nhựa An Phát đặt kế hoạch kinh doanh thấp nhất nhiều năm

Xây dựng nhà máy mới để tăng cường xuất khẩu sang Mỹ, song An Phát Bioplastics nay phải thay đổi chiến lược đầu tư và tái cấu trúc nhiều mảng hoạt động.

Tháng 11/2024, dự án nhà máy số 8 của Công ty CP Nhựa An Phát Xanh (An Phát Bioplastics) tại cụm công nghiệp An Đồng, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động.

Với sản phẩm chính là tấm sàn nhựa và hạt nhựa compound, nhà máy định hướng xuất khẩu chủ lực sang thị trường Mỹ.

Mỹ từng được định hướng là thị trường trọng điểm cho An Phát Bioplastics, với các sản phẩm như bao bì nhựa, bao bì nhựa phân hủy sinh học, đã có tín hiệu tích cực tại thị trường này với doanh số tăng trưởng tích cực.

Năm 2024, hơn 7% cơ cấu doanh thu của An Phát Bioplastics đến từ thị trường Mỹ và công ty từng có kế hoạch nâng cao con số này trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, các kế hoạch hướng đến thị trường Mỹ của An Phát Bioplastics có thể sẽ bị điều chỉnh bởi diễn biến khó lường trong các quyết sách thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc, nhu cầu tiêu dùng tụt giảm cũng là những thách thức lớn.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của An Phát Bioplastics vừa qua đã thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng nhất kể từ năm 2019, với doanh thu thuần hợp nhất 9.179 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 273 tỷ đồng, lần lượt giảm 28% và 26% so với kết quả thực hiện năm 2024.

Tính đến bài toán tìm kiếm thị trường thay thế

Đánh giá về tác động của chính sách thuế đối ứng của Mỹ, bà Hòa Thị Thu Hà, Phó tổng giám đốc An Phát Bioplastics, cho biết, công ty tạm thời chưa bị ảnh hưởng quá nhiều bởi nhiều đối tác Mỹ đang tận dụng việc hoãn thuế để tăng cường đặt hàng.

Bà Hà thông tin thêm, hiện nay sản phẩm xuất khẩu chính của An Phát Bioplastics sang Mỹ là sàn nhựa SPC, đang bị áp thuế 5%.

Nếu Mỹ áp mức sàn thuế đối ứng là 10%, công ty vẫn không chịu tác động lớn bởi đối thủ cạnh tranh chính tại Thái Lan cũng bị tăng thuế từ 0 lên 10%.

An Phát Bioplastics lên kế hoạch mở rộng thị trường nếu thuế đối ứng của Mỹ được áp ở mức cao.

An Phát Bioplastics lên kế hoạch mở rộng thị trường nếu thuế đối ứng của Mỹ được áp ở mức cao.

Tuy vậy, trong kịch bản xấu, mức thuế đối ứng 46% nếu được phía Mỹ chính thức áp dụng sẽ gây tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của An Phát Bioplastics.

Trong kịch bản này, Phó tổng giám đốc An Phát Bioplastics cho biết, công ty sẽ có kế hoạch mở rộng sang thị trường khác để giảm thiểu rủi ro, duy trì hoạt động kinh doanh thông suốt.

Trong khi đó, mảng bất động sản khu công nghiệp của An Phát Bioplastics cũng phải tính đến bài toán khai thác thị trường thay thế, trong bối cảnh KCN Lương Điền Ngọc An đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và hoàn thiện thủ tục, đến năm 2026 bắt đầu triển khai mở bán.

Bà Hà thông tin, KCN Lương Điền Ngọc An dự kiến sẽ được hưởng lợi từ dòng vốn FDI của Trung Quốc nhưng sự kiện thuế đối ứng có thể làm thay đổi kế hoạch này.

Trong trường hợp dòng vốn FDI từ Trung Quốc suy giảm, KCN Lương Điền Ngọc An sẽ phải chuyển hướng sang tệp khách hàng Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, bất chấp việc phải cạnh tranh gay gắt với các nhà đầu tư khác.

Tái cấu trúc trước thách thức

Đầu năm 2025, An Phát Bioplastics đã thông qua việc chuyển nhượng gần như toàn bộ 48,65% vốn góp tại Công ty CP An Thành Bicsol cho công ty con là Công ty CP An Tiến Industries, rồi tiếp tục thông qua kế hoạch chuyển nhượng 9,75% vốn của An Tiến Industries.

Sau hai thương vụ chuyển nhượng cổ phần công ty con và công ty liên kết trong mảng hạt nhựa, An Phát Bioplastics chỉ còn sở hữu 45,1% vốn của An Tiến Industries và 0,03% vốn của An Thành Bicsol.

Kể từ quý II/2025, An Tiến Industries không còn là công ty con của An Phát Bioplastics.

Kể từ quý II/2025, An Tiến Industries không còn là công ty con của An Phát Bioplastics.

Như vậy, trái ngược với bức tranh tích cực mở rộng thông qua M&A những năm qua, năm 2025 An Phát Bioplastics tập trung vào tái cơ cấu các khoản đầu tư, trong bối cảnh bối cảnh giá hạt nhựa có xu hướng giảm, trong đó giá hạt nhựa PVC trong quý I/2025 duy trì ở mức thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Thương mại hạt nhựa trong nước cũng vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ quốc tế, đặc biệt khi Mỹ tăng cường xuất khẩu nguyên liệu nhựa, chất dẻo vào Việt Nam.

Tính riêng quý I/2025, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu nguyên liệu nhựa từ Mỹ sang Việt Nam đã tăng lần lượt 51% và 38,3%, dự báo còn tiếp tục tăng khi các nhà sản xuất nhựa tăng sử dụng hạt nhựa của Mỹ để tránh thuế đối ứng.

Giá hạt nhựa từ Mỹ cũng tương đối cạnh tranh, trung bình quý I/2025 ở mức hơn 1,1 nghìn USD/tấn, thấp hơn khoảng 330USD/tấn so với Trung Quốc.

Việc giảm tỷ lệ sở hữu mảng thương mại hạt nhựa kể từ quý II/2025 là nguyên nhân dẫn đến An Phát Bioplastics đặt mục tiêu giảm doanh thu hợp nhất, theo Chủ tịch HĐQT An Phát Bioplastics Nguyễn Lê Thăng Long.

Tuy vậy, An Phát Bioplastics vẫn xác định rủi ro về nguyên liệu là rủi ro cao nhất đối với hoạt động của công ty, theo báo cáo thường niên 2024.

Vì lý do này, An Phát Bioplastics vẫn duy trì tỷ lệ sở hữu nhất định các công ty con, công ty liên kết bao gồm An Tiến Industries, An Thành Bicsol cũng như Công ty CP Nhựa Hà Nội.

Bên cạnh việc giảm tỷ lệ sở hữu mảng thương mại hạt nhựa, An Phát Bioplastics cũng triển khai giải pháp tái cấu trúc khoản đầu tư ở mảng kinh doanh không cốt lõi.

Mới đây, công ty đã chính thức thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 49% vốn điều lệ tại Công ty CP Giải pháp và dịch vụ phần mềm Nam Việt (Navisoft).

Theo ông Long, việc thoái vốn khỏi mảng kinh doanh không cốt lõi là nguyên nhân công ty đặt mục tiêu lợi nhuận giảm, bên cạnh việc hạch toán chi phí khấu hao nhà máy số 8.

Các kế hoạch đầu tư bị đình trệ khiến An Phát Bioplastics nghĩ tới việc chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Năm 2025, đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp đã thông qua việc chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%, tương ứng với 300 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào đại hội cổ đông năm ngoái, An Phát Bioplastics không chi trả cổ tức năm 2023 và ông Long từng cho biết có thể sẽ không chia cổ tức trong một vài năm tiếp theo, với lý do giữ tiền mặt để đầu tư.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vo-mong-sang-my-nhua-an-phat-dat-ke-hoach-kinh-doanh-thap-nhat-nhieu-nam-d40051.html