Sáp nhập Bình Định và Gia Lai mở ra cơ hội phát triển toàn diện

Sau sáp nhập, hai tỉnh Bình Định và Gia Lai có nhiều tiềm năng, thế mạnh cộng hưởng sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội toàn diện.

UBND tỉnh Bình Định và Gia Lai đã thống nhất trình Chính phủ, Bộ Nội vụ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Kết nối rừng – biển

Theo đề án trên, địa phương mới sẽ lấy tên tỉnh Gia Lai, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay. Số đơn vị hành chính cấp xã còn 135 (gồm 110 xã và 25 phường), diện tích 21.576 km2 và dân số 3,5 triệu người.

Việc nhập hai tỉnh sẽ tạo lợi thế to lớn về phát triển kinh tế -xã hội, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội và hỗ trợ nhau trong phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển đồng đều, tạo thêm dư địa phát triển.

 Hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã thống nhất trình Chính phủ, Bộ Nội vụ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ảnh: TD

Hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã thống nhất trình Chính phủ, Bộ Nội vụ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Ảnh: TD

Tỉnh Bình Định có hệ thống giao thông khá đồng bộ, tiếp nối duyên hải miền Trung. Thế mạnh gắn liền với các trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa; ứng dụng công nghệ cao và có cảng biển Quy Nhơn là một trong 10 cảng biển lớn nhất cả nước.

Tỉnh Gia Lai có lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, diện tích tự nhiên rộng lớn, thuận lợi phát triển nông - lâm nghiệp. Đặc biệt, phát triển cây công nghiệp là thế mạnh lớn, với hơn 98.700 ha cà phê, 10.040 ha hồ tiêu, 30.000 ha cây ăn quả…, kim ngạch nhóm hàng nông sản chiếm 70-80% giá trị xuất khẩu của tỉnh.

Những lợi thế đó đã giúp Gia Lai thu hút được gần 300 dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp, nguồn vốn hơn 80.000 tỉ đồng.

Gia Lai có tiềm năng rất lớn để phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo. Hiện có 88 dự án được quy hoạch với tổng quy mô công suất hơn 4.332 MW; đã đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành 3.250 MW.

 Gia Lai có thế mạnh về nông - lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Ảnh: LK.

Gia Lai có thế mạnh về nông - lâm nghiệp và năng lượng tái tạo. Ảnh: LK.

Hai địa phương có nhiều điểm chung về văn hóa truyền thống, có nhiều di tích lịch sử, khu bảo tồn thiên nhiên là lợi thế phát triển du lịch hấp dẫn với các tour “lên rừng - xuống biển”.

Hiện nay, dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 19, vốn đầu tư hơn 3.600 tỉ đồng) nối hai tỉnh Bình Định và Gia Lai đã hoàn thành; dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, có vốn đầu tư hơn 43.000 tỉ đồng dự kiến triển khai cuối năm nay sẽ là khâu đột phá “kết nối rừng biển”, mở ra cơ hội phát triển kinh tế xã hội đa dạng ở nhiều lĩnh vực.

Sự cộng hưởng phát triển toàn diện

Đánh giá việc sáp nhập hai địa phương sẽ mở rộng không gian phát triển to lớn, toàn diện hơn về công nghiệp, dịch vụ, cảng biển, phát triển đô thị, đào tạo, y tế và tiềm năng về sinh thái, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch.

Qua đó, giúp địa phương chủ động hơn trong việc thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh mới.

 Tỉnh Gia Lai mới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư. Trong ảnh là Tập đoàn Syre ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải trị giá 1 tỉ USD vào tỉnh Bình Định.

Tỉnh Gia Lai mới sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút đầu tư. Trong ảnh là Tập đoàn Syre ký bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải trị giá 1 tỉ USD vào tỉnh Bình Định.

Việc liên kết vùng sẽ được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các chuỗi giá trị, kết nối thị trường. Các địa phương có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề chung, như phát triển hạ tầng giao thông, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong công tác quản lý nhà nước, nhập hai tỉnh Bình Định và Gia Lai sẽ tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính tỉnh Gia Lai mới. Giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, tăng hiệu quả quản lý do tập trung nguồn lực vào một địa bàn thống nhất.

Gấp rút cải tạo nhà công vụ

Theo đề án đã trình Chính phủ, UBND tỉnh Bình Định đặc biệt quan quan tâm bố trí nhà công vụ, phương tiện phục vụ công tác và nhu cầu đi lại cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để ổn định điều kiện làm việc sau khi hai địa phương sáp nhập.

Vấn đề này, tại Kỳ họp lần thứ 23 HĐND tỉnh Bình Định (ngày 28-4) đã thông qua Nghị quyết về việc giao UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, dự án cải tạo Nhà khách Thanh Bình (tại số 06 Lý Thường Kiệt, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) làm nhà ở công vụ thuộc Văn phòng UBND tỉnh.

Dự án có tổng vốn thực hiện gần 20 tỉ đồng, từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, thực hiện năm 2025. Quy mô đầu tư xây dựng, cải tạo gồm 5 khối nhà: khu A - 5 tầng, khu B - 5 tầng, khu C - 2 tầng, khu D - 2 tầng, khu E - 2 tầng với diện tích xây dựng 1.817 m2, sàn xây dựng 7.429 m2.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/sap-nhap-binh-dinh-va-gia-lai-mo-ra-co-hoi-phat-trien-toan-dien-post848713.html