Vỡ òa thời khắc thông hầm Chí Thạnh sau 10 ngày sạt lở
Đúng 12h20 ngày 31/5, tàu hàng ASY22 với 23 toa tàu có tải trọng 939 tấn đã di chuyển an toàn qua hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, Phú Yên) với vận tốc 5km/h, đánh dấu thời khắc thông hầm sau 10 ngày sạt lở.
Thở phào theo chuyến tàu qua
Tàu hàng ASY22 vừa chạy qua hầm Chí Thạnh an toàn, sau lưng, những công nhân Công ty CP đường sắt Phú Khánh thở phào nhẹ nhõm, sự xúc động hiện lên trên ánh mắt của mỗi người.
Quệt mồ hôi trên khuôn mặt, ông Lê Văn Tư - công nhân của công ty tươi cười nhìn đoàn tàu mà ông và những lao động ở đây chờ đợi đã hơn 10 ngày.
Ông Tư cho biết, làm trong ngành đường sắt cũng đã có thâm niên trong nghề nên những sự cố sạt lở, ách tắc tàu như thế này không còn xa lạ nữa. Thế nhưng, mỗi lần những chuyến tàu thông suốt chạy dọc Bắc - Nam, lòng lại vui mừng khôn xiết.
"Khi những mét hầm cuối cùng được đào thông, cảm giác như thời khắc đếm ngược đón Giao thừa. Rồi khi đứng từ cửa hầm Bắc nhìn thấy ánh sáng từ cửa hầm Nam, lòng ai nấy lại rộn ràng, ai cũng chờ đợi từng giây, từng phút để chờ tàu qua, giống như mỗi lần chờ đợi một sự kiện nào quan trọng lắm trong đời", ông Tư chia sẻ.
Tại nhà gác hầm số 17 (Km 1168+438), ngay cửa Bắc hầm Chí Thạnh, anh Phùng Thế Anh (33 tuổi) - trưởng đoàn tàu công trình thuộc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang dọn dẹp những vật dụng cá nhân cho vào túi rồi rời hầm.
Anh Thế Anh trực tại ga Diêu Trì (huyện Tuy Phước, Bình Định) cho biết hơn 10 ngày trước, khi nghe tin có sự cố sạt lở hầm Chí Thạnh, anh tức tốc vào hiện trường để điều khiển đoàn tàu công trình vận chuyển máy móc, thiết bị, vật liệu vào thi công khắc phục sạt lở. Nghe tin là lên đường, hành trang anh mang theo chỉ có vài bộ đồ sờn màu cùng nhu yếu phẩm cá nhân.
Video thông hầm đường sắt Chí Thạnh:
"10 ngày ở đây, chưa được về với vợ con, gia đình, ăn công trường, thở bụi hầm cũng quen. Nhưng hơn hết là cảm giác rất buồn. Buồn không phải vì cảnh lạ, mà vì thiếu vắng những đoàn tàu qua.
Thời khắc thông hầm, lòng tôi thấy lâng lâng khó tả. Chắc cảm giác này, chỉ những người trong nghề như anh em tôi mới hiểu rõ nhất. Tiếng còi tàu, hình ảnh những toa tàu nối liền mạch chạy qua đã là một phần không thể thiếu, như một món ăn, ngày nào thiếu thấy nhạt nhẽo lắm", anh Thế Anh chia sẻ.
Nói rồi, Phùng Thế Anh xách túi đồ đạc xuống ga Chí Thạnh để về với gia đình. Vừa đi, anh vừa ngoảnh lại, thầm mong cho những chuyến tàu được bình yên.
Cũng tại nhà gác Bắc Chí Thạnh này, tuần hầm Trần Văn Em rơm rớm khi nhìn chuyến tàu vừa chạy qua: "Cảm giác tàu đi qua thật hạnh phúc. 10 ngày qua thật sự rất dài với một người thâm niên tuần hầm như tôi. Chỉ mong sao đường sắt nối liền một mạch Bắc - Nam, không còn xảy ra sự cố nào, để hành khách sớm được về với gia đình, người thân".
Nỗ lực không ngừng nghỉ
Để chuyến tàu hàng an toàn qua hầm Chí Thạnh trưa 31/5, là nỗ lực của chủ đầu tư là Ban QLDA 85, của ngành đường sắt và sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT ngay từ thời điểm hầm vừa sạt lở.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xúc động cảm ơn những công nhân thi công tại sự cố sạt lở hầm. Ông Tuấn cho biết, những ngày qua, họ đã chịu nhiều vất vả, làm việc trong môi trường khó khăn, nguy hiểm.
"Có được những chuyến tàu thông suốt, an toàn thế này, là nỗ lực không ngừng nghỉ của các đơn vị thi công, của công nhân ngành đường sắt, sự chỉ đạo quyết liệt của chủ đầu tư. Tất cả đã cùng bám hiện trường, cùng vượt khó thông hầm trong thời gian sớm nhất.
Địa chất khu vực hầm Chí Thạnh phức tạp, mức độ sạt lở nghiêm trọng nhưng thông hầm được trong 10 ngày là rất đáng ghi nhận. Vượt qua được những khó khăn này, chúng ta sẽ vượt qua được những khó khăn khác, những sự cố khác nếu xảy ra", ông Tuấn chia sẻ.
Để khắc phục sự cố này, chủ đầu tư là Ban QLDA 85, ngành đường sắt đã huy động mỗi ngày hàng trăm công nhân tập trung 24/24h khẩn trương thi công. Sau đó, trước tính chất phức tạp của sạt lở hầm Chí Thạnh, Tập đoàn Đèo Cả cũng được tăng cường đến để phối hợp khắc phục sạt lở, sớm thông tàu.
Theo tính toán, khối lượng đất sạt lở ở hầm đường sắt Chí Thạnh khoảng gần 400m3 và phạm vi hố sụt rộng hơn nhiều so với sự cố hầm đường sắt Bãi Gió (Khánh Hòa) trước đây, nên công việc phải xử lý khắc phục lớn hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Tấn Đông, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, địa chất ở hầm đường sắt Chí Thạnh là đất đá phong hóa hoàn toàn, rất dễ xảy ra sạt lở liên hoàn nếu không có biện pháp thi công phù hợp. Thêm vào đó, vị trí miệng hầm không có hướng tiếp cận bằng đường bộ nên để đưa máy móc vào vị trí thi công phải đi vòng theo đường sắt.
Theo ông Đông, khác với hầm đường bộ, hầm đường sắt có tiết diện nhỏ, chỉ khoảng 19m3. Không gian thi công hẹp trong khi khối lượng sạt lở rất lớn nên rất khó khăn cho việc giải phóng đất đá ra ngoài cũng như bố trí các mũi thi công. Đơn vị đã bố trí 50 công nhân, làm việc 24/24h để thông hầm Chí Thạnh sau 4 ngày được tăng cường.
Thi công gia cố hầm đường sắt Chí Thạnh (khu vực đèo Thị, huyện Tuy An) thuộc gói thầu số 11A, dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang. Dự án do Ban QLDA 85 (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Ngày 21/5, trong quá trình cải tạo, sửa chữa hầm đường sắt thì khối lượng đất đá bất ngờ đổ ập xuống, bịt kín đường hầm. Giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn từ ga La Hai đến Chí Thạnh và ngược lại bị tê liệt hoàn toàn. Nguyên nhân sạt lở được xác định là do địa chất, đất đá bị phong hóa kết hợp tầng phủ trên nóc hầm mỏng (khoảng 25m) dẫn đến sạt lở.