Vở Opera Công nữ Anio: Nghệ sĩ Nhật than khó khi hát tiếng Việt

Lần đầu tiên thể hiện Opera bằng tiếng Việt, hai nghệ sĩ người Nhật gặp không ít khó khăn để vừa thể hiện kỹ thuật thanh nhạc, vừa phải phát âm chuẩn tiếng Việt.

Chiều 18/5 tại Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đã họp báo công bố vở Opera Công nữ Anio. Đây là dự án nghệ thuật hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Vở Opera Công nữ Anio là câu chuyện lịch sử có thật vô cùng cảm động diễn ra cách đây 350 năm ở Việt Nam. Araki Sotaro khi đó là một thương nhân Châu Ấn thuyền (là loại thuyền thương mại của Nhật Bản được các chính khách đương thời cấp giấy phép thông hành cho phép tàu thuyền ra ngoại quốc vào khoảng cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17) từ thời đại Azuchi Momoyama đến thời Edo. Anh đã đi từ Nagasaki đến Đàng Trong (nay là miền Trung Việt Nam). Tại đây anh đã có cuộc gặp định mệnh với công chúa Ngọc Hoa.

Poster vở diễn

Poster vở diễn

Chúa Nguyễn dù ra sức phản đối việc phải gả con gái Ngọc Hoa đến một đất nước xa lạ, nhưng trước quyết ý một lòng không thay đổi và tình yêu sâu đậm của cả hai đã khiến chúa lay động. Cuối cùng, chúa cũng đã ban hôn cho hai người và tiễn họ đến Nagasaki, Nhật Bản. Công nữ được người dân tại Nagasaki yêu mến gọi với cái tên "Anio san". Họ sinh được một cô con gái và sinh sống suốt quãng đời còn lại tại Nagasaki.

Vở diễn là sự thể hiện rõ nét cho tình hữu nghị của hai nước, khi các nghệ sĩ thực hiện từ ê kip sản xuất cho đến biểu diễn đều có sự hiện diện của hai nước Việt Nam – Nhật Bản.

Tổng đạo diễn – nhạc trưởng Honna Tetsuji

Tổng đạo diễn – nhạc trưởng Honna Tetsuji

Tổng đạo diễn – nhạc trưởng Honna Tetsuji cho biết: Vở Opera lần này đồng sản xuất của hai quốc gia Việt Nhật có rất nhiều nghệ sĩ cũng như đội ngũ sản xuất cùng hợp tác, cùng giao lưu và từ đó họ nảy sinh tình bạn. Tôi hi vọng thông qua đây, khán giả có thể hiểu thêm về lịch sử và văn hóa của 2 nước, đồng thời cũng hiểu được quan hệ hữu nghị của hai nước đã bắt đầu từ thời xa xưa. Và tôi hi vọng rằng dự án này sẽ trở thành một biểu tượng của quan hệ hữu nghị 2 nước Việt Nhật.

Tại sự kiện, các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản đảm nhận vai chính của vở Opera đã trình diễn một trích đoạn ngắn bằng tiếng Việt. Giọng Soprano Đào Tố Loan và Bùi Thị Trang vào vai Công nữ Anio. Hai nghệ sĩ Nhật Kobori Yusuke và Yamamoto Kohei vào vai Araki Sotaro…

Các nghệ sĩ thể hiện trích đoạn trong vở Opera Công nữ Anio

Đảm nhận vai Công nữ Anio, ca sĩ Đào Tố Loan cho biết chưa bao giờ tham gia một vở nhạc kịch có sự chuẩn bị và đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu, chuyên nghiệp như thế này.

"Chỉ mới gặp gỡ và cùng tập luyện với bạn diễn Nhật Bản từ ngày 16/5 vừa qua nhưng khi nghệ sĩ hát bằng tiếng Việt tôi đã rất khâm phục. Văn hóa, âm nhạc của hai nước có nhiều nét tương đồng đã tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tìm được sự đồng điệu ở nhau"- ca sĩ Đào Tố Loan nói.

Trong khi đó, hai nghệ sĩ Nhật gây bất ngờ trước khả năng hát opera bằng tiếng Việt, dù họ chỉ mới luyện tập cùng hai nghệ sĩ Việt 2 ngày. Nghệ sĩ Kobori Yusuke (vai Araki Sotaro) chia sẻ rằng hát tiếng Việt là thách thức với anh vì cách phát âm quá khó.

"Tại Nhật Bản, tôi đã tham gia công diễn một số vở Opera được hát bằng các thứ tiếng khác như Ý, Pháp, Nga. Tuy nhiên tôi chưa có kinh nghiệm biểu diễn hát Opera bằng tiếng Việt. Vấn đề khó khăn nhất đối với tôi khi học tiếng Việt là sự phong phú của các nguyên âm tiếng Việt. Tiếng Việt có quá nhiều nguyên âm. Để khắc phục được điều này, tại Nhật Bản tôi có những buổi luyện tập phát âm tiếng Việt với giáo viên người Việt Nam, mỗi buổi tập kéo dài 1-2 giờ. Trong những lần đó vừa tập hát, tập phát âm, tập nghe, tập nói, tập luyện khẩu hình để sao cho phát âm chính xác. Tôi thấy có rất nhiều nguyên âm, phụ âm phải phát âm bằng cách cười, tôi nghĩ đây là điểm rất đặc biệt của tiếng Việt. Bởi khi nói chuyện, chúng ta phải thể hiện biểu cảm gương mặt thì mới có thể phát âm đúng".

Anh cũng phát hiện chi tiết thú vị: Chỉ cần chúng ta thay đổi cách đóng và mở của khẩu hình miệng thì cách phát âm cũng khác, từ đó cũng làm thay đổi ngữ nghĩa của từ.

Nghệ sĩ Kobori Yusuke và Đào Tố Loan

Nghệ sĩ Kobori Yusuke và Đào Tố Loan

Nghệ sĩ Yamamoto Kohei và Bùi Thị Trang

Nghệ sĩ Yamamoto Kohei và Bùi Thị Trang

Nghệ sĩ Yamamoto Kohei (vai Araki Sotaro) thì chia sẻ: "Tôi cũng nghĩ giống anh Kobori. Tôi đã trải qua những phần luyện tập tại Nhật Bản nhưng khi sang Việt Nam, được gặp nghệ sĩ Đào Tố Loan, Bùi Thị Trang, được chỉ bảo cũng như phát âm các từ Việt Nam thì tôi thấy đây là một cách học hiệu quả hơn rất nhiều so với học ở Nhật. Thông qua các buổi luyện tập âm nhạc cũng như ngôn ngữ, tôi thấy mình nhận được rất nhiều năng lượng tích cực từ nghệ sĩ cũng như đội ngũ sản xuất phía Việt Nam. Tôi hy vọng tôi sẽ nói được tiếng Việt cũng như mượn sự kỳ diệu của âm nhạc để có thể hiện được nội dung của tác phẩm.

Và để có phần chuyển ngữ tiếng Việt sát với nguyên tác nhưng vẫn phải gần gũi, dễ hiểu, ê kíp sản xuất cũng có những vất vả và khó khăn không nhỏ.

Tác giả âm nhạc Trần Mạnh Hùng cũng đồng quan điểm với các nghệ sĩ: Tôi thấy tiếng Nhật cũng không khó khăn lắm nếu so với tiếng Việt. Vì tiếng Việt có những dấu sắc nốt nhạc phải luyến lên, dấu nặng thì phải lắng lại, ngân tiếp. Cái thì ở nốt thấp, nốt cao… Nếu phổ nhạc cho những bài thơ tiếng Việt còn khó khăn hơn rất nhiều.

Ekip sản xuất chương trình chia sẻ với báo chí trong cuộc họp báo

Ekip sản xuất chương trình chia sẻ với báo chí trong cuộc họp báo

Tác giả soạn lời – nhà báo, nhạc sĩ Hà Quang Minh có chia sẻ thú vị: "Nhiệm vụ của tôi không chỉ Việt hóa bằng ngôn ngữ mà còn Việt hóa bằng cảm nhận của người Việt. Cô Công nữ không thể yêu bằng tư duy của người Nhật mà bằng tư duy người Việt, điều đó mới tạo ra sự hấp dẫn.

Vừa rồi nghe hai nghệ sĩ người Nhật biểu diễn, tôi ngạc nhiên vì họ không có thời gian nhiều nhưng lại hát rõ lời đến thế. Nói thế này hơi bất công, vì các dòng nhạc khác nhau nhưng có một số ca sĩ trẻ Việt Nam bây giờ theo đuổi dòng nhạc nhẹ, họ cố hát cho giống Hàn Quốc và không nghe được tiếng Việt. Trong khi người Nhật hát Opera phải luyện tập tiếng Việt và hát rất rõ. Điều đó chúng ta phải học tập. Tôi nghĩ rằng tôi học được dự án rất nhiều cách làm việc của họ, chu đáo, chỉn chu. Nó dạy tôi một thứ mà 50 năm trước tôi chưa học được, giờ đã học được, đó là tính kỷ luật. Vốn dĩ tôi là người vô cùng thiếu kỷ luật".

Để có buổi công diễn trọn vẹn vào tháng 9 tới đây, các nghệ sĩ Nhật cho biết, sẽ còn phải luyện tập rất nhiều để cống hiến cho khán giả.

Công nữ Anio được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội với 3 đêm diễn 22, 23 và 24/9/2023. Vở diễn với 4 màn tái hiện chuyện tình của Sorato với Công nữ Ngọc Hoa từ phút đầu gặp gỡ cho đến cuối đời. Ngoài phần hát, BTC cũng sẽ có phần phụ đề để khán giả tiện theo dõi.

Minh Nhật

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vo-opera-cong-nu-anio-nghe-si-nhat-than-kho-khi-hat-tieng-viet-17223051911122817.htm