Vợ phản đòn gắt khi bị người chồng ăn bám dạy cách làm dâu
Mỗi lần nghe chồng nói về việc làm dâu phải thế nào, ứng xử ra sao với bố mẹ chồng, tôi lại thấy bực. Bởi những việc ấy với bố mẹ đẻ tôi còn chưa làm được.
Sau 2 năm kết hôn, tôi nhận ra mình đã sai lầm khi lấy người chồng hiện tại. Tuổi trẻ mù quáng, tin vào những lời đường mật, cho rằng tình yêu chỉ có màu hồng nên tôi quyết định cãi lời bố mẹ lấy anh.
Khi đó, anh là một công tử ăn chơi, dựa vào bố mẹ làm ăn buôn bán có tiền mà ra vẻ giàu có. Bạn bè ai cũng ngưỡng mộ anh bởi họ nghĩ anh là người đàn ông có tiền và chịu chơi. Nhiều cô gái vây quanh anh nên tôi càng hiếu thắng, muốn anh là của riêng mình.
Sau hơn nửa năm quen nhau, hai đứa trở thành người yêu. Phải nói ngày mới yêu, tôi được sống trong sự yêu thương, chiều chuộng hết mực. Thế nên dù bố mẹ có nhận xét anh là kiểu công tử ăn chơi, tôi vẫn bỏ ngoài tai. Biết con gái không thay đổi, bố mẹ chấp nhận làm đám cưới.
Ban đầu tưởng chồng tiếp quản cơ sở kinh doanh của bố mẹ nên tôi rất mừng. Nhưng được nửa năm, công việc sa sút, anh chỉ mải chơi bời, không chịu làm ăn. Lợi nhuận không có, bố mẹ chồng cũng dần buông bỏ công việc. Ông bà có chút tiền tiết kiệm nên sống thoải mái thời gian đầu. Sau này, cũng vì bệnh tật mà tiền bạc cũng tiêu gần hết.
Chồng tôi quay trở lại công việc văn phòng. Nhưng làm ở công ty nào anh cũng chê bai rồi cãi nhau với cấp trên. Tính tình trịch thượng khiến anh không chịu làm cấp dưới, bị người khác sai khiến. 5 lần 7 lượt đi xin việc rồi lại nghỉ, anh ở nhà ăn bám vợ.
Từ ngày không có tiền lại ở nhà suốt ngày, cuộc sống bí bách, anh đâm ra cáu bẳn hơn nhiều. Anh cấm vợ đi làm về muộn. Dù tôi có nói lý do là bận công việc, anh cũng không chấp nhận, còn suy diễn đủ kiểu.
Vì nhà tôi cách nhà bố mẹ chồng gần 20km nền tuần nào anh cũng bắt vợ về quê. Anh muốn về thăm bố mẹ mình còn tôi thì mệt rã rời. Cuối tuần được nghỉ, tôi chỉ muốn được ở nhà dọn dẹp rồi đi đâu đó xả stress. Người quanh năm ở nhà như anh đâu hiểu được tôi khao khát ngày nghỉ cuối tuần thế nào.
Chưa kể, anh yêu cầu tôi hàng tháng phải trích tiền lương gửi về biếu bố mẹ. Một mình tôi gánh cả gia đình, anh còn sĩ diện yêu cầu vô lý. Tôi thắc mắc một người không làm ra tiền như anh tại sao có thể đưa ra yêu cầu đó với vợ. Tôi cũng không thể suốt ngày mua thuốc bổ, quà cáp gửi về biếu bố mẹ như anh yêu cầu được.
Hễ tôi nói động đến nhà anh thì anh lại khó chịu, cục cằn mắng tôi không biết làm dâu: “Người ta còn phải ở với bố mẹ chồng, cung phụng, chăm sóc, cơm bưng nước rót cho bố mẹ chồng. Cô không phải làm dâu, ở riêng mà lại không biết điều. Bố mẹ tôi ốm, lẽ ra cô phải nghỉ làm về nhà chăm sóc. Cô đã chăm được ngày nào chưa? Từ giờ tôi yêu cầu một tuần về một lần, không được làm trái”.
Câu nói của anh khiến tôi sôi máu: “Tôi nói cho anh biết, chẳng có quy định nào bắt con dâu phải cơm bưng nước rót cho bố mẹ chồng cả. Bố mẹ tôi còn chưa được tôi cơm bưng nước rót đâu. Bố mẹ anh ốm, anh thương thì anh về chăm. Bố mẹ tôi ốm đi viện bao ngày, anh có gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm không? Nói người khác thì phải nên nhìn lại mình. Anh không đi làm, mọi chi phí của gia đình một mình tôi lo, thử hỏi ai mới là người nên biết điều?”.
Từ hôm đó, vợ chồng tôi cãi nhau rất nhiều. Tôi cũng kiên quyết không làm theo ý chồng. Bởi tôi cho rằng những yêu cầu của anh thực sự vô lý. Một người ăn bám vợ mà vẫn tự tin lên mặt dạy đời thì thử hỏi trong đầu anh, tôi là gì, có phải là vợ, là người anh yêu thương không?
Trước đây tôi luôn nghĩ, chỉ cần có tình yêu, vợ chồng sẽ sống vui vẻ hạnh phúc. Nhưng bây giờ tôi đã thấm đủ. Hôn nhân ngoài tình yêu cần có kinh tế. Kinh tế mới là yếu tố quan trọng, quyết định hạnh phúc. Chỉ có tình yêu mà tiền không đủ tiêu, con cái không lo được thì chẳng thể nào vui vẻ, bình yên mà tận hưởng hôn nhân.