Vô số hệ lụy nghiêm trọng đã xảy ra khi Trung Quốc siết chặt quản lý ngành giáo dục

Bắc Kinh đã giáng đòn mạnh vào các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục gia sư trong mùa hè vừa qua và nhiều hệ lụy đã xảy ra khi nhiều công ty giáo dục đóng cửa.

Nhiều giáo viên tiếng Anh tư nhân tại Trung Quốc hiện đang phải sống trong tình trạng không có việc làm trong bối cảnh Trung Quốc liên tục siết chặt quản lý ngành gia sư và dạy thêm ngoài giờ học. Một số cơ sở giáo dục tư nhân vẫn mắc kẹt trong vũng lầy này - họ cho biết họ không thể hoàn lại tiền học phí cho khách hàng hoặc trả lại tiền cho nhân viên và giáo viên.

Shutoon English International và hơn 230 cơ sở của họ trên khắp Trung Quốc đang phải đối mặt với chiến dịch đàn áp giáo dục của Trung Quốc. Ảnh: Sohu.

Một số gia đình trung lưu từ khắp Trung Quốc, bao gồm cả ở các tỉnh như Quảng Đông, Tứ Xuyên và Hồ Bắc, đã đệ đơn kiện lên tòa án địa phương về việc các trung tâm giáo dục tiếng anh ESL đột ngột đóng cửa một số chi nhánh trong vài tuần trước, khiến phụ huynh giận dữ vì trước đó phải trả trước một khoản tiền học phí khá lớn.

Shutoon English International và hơn 230 cơ sở của Trung tâm giáo dục này trên khắp Trung Quốc đang phải tuân theo các quy định mới của Trung Quốc. Một trong những đơn khiếu nại được đăng bởi tờ Post cho hay: “Có hàng trăm phụ huynh ở Quảng Châu đang kiện người sáng lập thương hiệu và các giám đốc điều hành khác của trung tâm này, yêu cầu trung tâm phải hoàn lại số tiền học phí mà các phụ huynh đã nộp từ khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.550 USD) đến hơn 100.000 nhân dân tệ cho mỗi học sinh.”

Kể từ khi chính phủ trung ương ra lệnh cấm dạy thêm ngoài giờ học chính thức, nhiều trẻ em đã không thể tham gia các lớp học của Shutoon. Trong khi đó, các nhà đầu tư ủng hộ thương hiệu này nói rằng tài chính của họ đang gặp khó khăn.

Các cơ sở giáo dục khác cũng đang bị tê liệt do những biện pháp kiềm chế của chính phủ, khiến họ không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ giáo dục hay thậm chí không thể trả lại học phí cho khách hàng. Tập đoàn Giáo dục Quốc tế OneSmart cho biết hôm thứ 3 rằng ban giám đốc của họ đã đình chỉ tất cả các chương trình giáo dục và trung tâm học tập của công ty ở Trung Quốc, chủ yếu do những thách thức đặt ra bởi những thay đổi gần đây trong bối cảnh pháp lý của Trung Quốc và những khó khăn trong hoạt động mà công ty phải đối mặt.

Và vào cuối tháng 8, các hoạt động của Wall Street English có trụ sở tại Trung Quốc - một trong những công ty dạy kèm tiếng Anh lớn nhất thế giới, với khoảng 3 triệu cựu sinh viên và khoảng 180.000 sinh viên đăng ký hàng năm - đã đệ đơn phá sản.

Một nhà đầu tư vào Shutoon cho biết đã chi 2 triệu nhân dân tệ để mở một trung tâm ở Quảng Đông vào đầu năm nay. Trước đó, đã có những khoản đầu tư mạo hiểm lên tới 10 tỷ nhân dân tệ được rót vào lĩnh vực công nghệ giáo dục của Trung Quốc chỉ trong năm ngoái. Dòng tiền khổng lồ đã tạo ra hàng trăm công ty khởi nghiệp, ứng dụng và nền tảng công nghệ hiện đại cung cấp mọi thứ từ dạy kèm gia sư đến toán tiểu học, kỹ năng ngôn ngữ và âm nhạc.

Nhưng tham vọng của các Trung tâm giáo dục tại Trung Quốc đã đột ngột kết thúc vào mùa hè này.

Hội đồng Nhà nước, cơ quan hành chính hàng đầu của Trung Quốc, đã tuyên bố siết chặt ngành công nghiệp dạy thêm vào cuối tháng 7 - buộc các công ty này phải đăng ký là tổ chức phi lợi nhuận, cấm phê duyệt các công ty mới và đưa quy định định rằng việc họ nhận đầu tư nước ngoài là bất hợp pháp.

Chính phủ Trung Quốc cũng cấm dạy thêm vào cuối tuần, ngày lễ và ngày nghỉ học. Ngoài ra, vào tháng 8, các cơ quan quản lý giáo dục của Trung Quốc đã chấm dứt 286 chương trình hợp tác giữa các trường đại học Trung Quốc và nước ngoài như một phần của đánh giá định kỳ về các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức nước ngoài, bao gồm Đại học Thành phố London, Đại học New York và Đại học Hồng Kông.

Hầu hết các viện giáo dục tư nhân và trường học đã thuê một số lượng lớn người nước ngoài làm giáo viên tiếng Anh - trực tuyến và ngoại tuyến. Theo thống kê chính thức từ Cục Quản lý Nhà nước về Các vấn đề Chuyên gia Nước ngoài, hơn 400.000 người nước ngoài đã làm việc trong ngành giáo dục của Trung Quốc vào năm 2017.

Nhưng nhiều người đã bị mất việc làm - bao gồm cả các vị trí bán thời gian và toàn thời gian - và thậm chí cả thị thực lao động cho phép họ ở lại Trung Quốc cũng không còn. Tình trạng sa thải hàng loạt đang diễn ra trong lĩnh vực giáo dục tư nhân của Trung Quốc. Những công ty giáo dục đã cắt giảm nhân viên bao gồm Tập đoàn Gaotu được niêm yết tại New York; Tập đoàn Giáo dục và Công nghệ Phương Đông Mới; Tập đoàn giáo dục TAL; ByteDance; Zuoyebang; và Yuanfudao.

Tuy nhiên, sự trấn áp này có thể sẽ mở đường cho thị trường chợ đen trong việc dạy thêm tăng cao ở Trung Quốc, đặc biệt là trong các gia đình trung lưu và thượng lưu giàu có, những người có thể chi trả một khoản phí cao hơn để tạo lợi thế giáo dục cho con cái của họ.

Một phụ huynh ở Thâm Quyến cho biết giáo viên tiếng Anh của con trai cô sẽ rời Trung Quốc vì các quy định mới, nhưng cô vẫn dự định cho phép con trai mình học trực tuyến từ giáo viên của mình.

Phụ huynh này cho hay: “Học tiếng Anh là điều quan trọng đối với con tôi, đặc biệt là với một giáo viên nước ngoài, người có thể cho chúng hiểu biết sâu sắc về văn hóa và xã hội phương Tây và thậm chí giúp chúng học cách suy nghĩ chín chắn hơn. Đây là điều mà các trường công lập địa phương không thể cung cấp. Một số người nước ngoài nói tiếng bản xứ cũng vẫn đang dạy kèm bán thời gian. Họ thậm chí còn kiếm được nhiều hơn nữa… nhờ sự đàn áp của chính quyền. Nhu cầu cho giáo dục tại Trung Quốc là rất lớn ”.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các gia sư đều có thể ở lại. Và những người khác không sẵn sàng mạo hiểm làm việc trong một nghề đã bị nhà nước cấm.

Rất nhiều giáo viên nước ngoài từng làm việc tại Trung Quốc đã nói rằng họ không muốn mạo hiểm khi thực hiện dạy thêm trên thị trường chợ đen, đó là hành vi phạm pháp. Và họ cũng không thể được chính phủ Trung Quốc gia hạn thêm thị thực lao động tại đây. Vì vậy, họ sẽ sớm phải rời khỏi Trung Quốc với những nỗi buồn không nói lên lời.

Huy Hoàng (Theo SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/vo-so-he-luy-nghiem-trong-da-xay-ra-khi-trung-quoc-siet-chat-quan-ly-nganh-giao-duc-post162175.html