Vô tình phát hiện sao bay nhanh nhất dải Ngân hà - 6 triệu km/h

Các nhà thiên văn học vừa vô tình phát hiện lỗ đen siêu khối ở trung tâm dải Ngân hà phóng ra một ngôi sao với tốc độ 6 triệu km/h, tức mỗi giây nó bay được 1.676 km.

Một lỗ đen siêu khối ở dải Ngân hà phóng ra một ngôi sao. Ảnh: Getty.

Một lỗ đen siêu khối ở dải Ngân hà phóng ra một ngôi sao. Ảnh: Getty.

Các nhà thiên văn học nói rằng, ngôi sao đang bay ra nặng gấp đôi Mặt trời và đang bay với tốc độ gấp 10 lần ngôi sao bay nhanh nhất trong dải Ngân hà mà con người từng biết, Express đưa tin ngày 14/11. Họ đặt tên ngôi sao mới là S5-HVS1.

Người ta tin rằng, S5-HVS1 được phóng ra từ tâm của dải Ngân hà (thiên hà có chứa Hệ Mặt trời) gần 5 triệu năm trước. Dù được coi là ngôi sao bay nhanh nhất dải Ngân hà hiện nay, S5-HVS1 cũng phải mất rất nhiều thời gian mới tới được biên giới của thiên hà này.

Một nhóm nhà khoa học quốc tế, bao gồm các nhà thiên văn học Úc và Mỹ, đã phát hiện ra S5-HVS1. Trưởng nhóm là giáo sư Daniel Zucker công tác tại Đại học Macquarie (Úc).

“Trung tâm của thiên hà này (dải Ngân hà) là một vùng xoáy các vật thể bay vòng vòng và rơi vào một lỗ đen khổng lồ gọi là Sagittarius A*, nhưng dường như các ngôi sao đang hình thành tại đó… Giờ đây chúng ta đang có một ngôi sao dường như hình thành và thoát khỏi khu vực đó. Nó cách Trái đất 29.000 năm ánh sáng nên đủ gần để chúng ta nghiên cứu tương đối chi tiết”, ông Zucker nói.

Nghiên cứu ngôi sao đang bay nhanh này giúp con người hiểu về cách thức các ngôi sao hình thành ở gần trung tâm dải Ngân hà và tình trạng ở đó.

Ngôi sao S5-HSV1 nặng gấp đôi Mặt trời. Ảnh: Swinburne Astronomy Productions.

Ngôi sao S5-HSV1 nặng gấp đôi Mặt trời. Ảnh: Swinburne Astronomy Productions.

Sagittarius A* là một lỗ đen siêu khối nằm cách Trái đất xấp xỉ 26.000 năm ánh sáng (một năm ánh sáng bằng 9.461 tỷ km) và nặng gấp gần 4 triệu lần Mặt trời. Toàn bộ dải Ngân hà quanh quanh vật thể bí ẩn này.

Các nhà thiên văn học ước tính, S5-HSV1 khoảng 500 triệu năm tuổi, có nghĩa là nó có 495 triệu năm đầu tiên quay yên bình quanh Sagittarius A* và rồi 5 triệu năm trước, nó phóng đi từ gần tâm dải Ngân hà với tốc độ khủng khiếp.

Khi có hai ngôi sao cùng quay quanh lỗ đen và khi lỗ đen hút một trong hai ngôi sao này, ngôi sao còn lại bị văng đi với tốc độ cực lớn. “Giống như khi khiêu vũ chúng ta đổi bạn nhảy vậy, ở đây chỉ khác là bạn nhảy cũ bị văng ra ngoài với tốc độ cao”, giáo sư Zucker ví von.

S5-HSV1 đang bay với tốc độ 6 triệu km/h nhưng dải Ngân hà trải dài khoảng 100.000 năm ánh sáng, nên ngôi sao này còn lâu mới tới được rìa thiên hà này. Với tốc độ hiện nay, S5-HSV1 phải mất xấp xỉ 180 năm để vượt qua 1 năm ánh sáng (9.461 tỷ km).

“Nhưng khi đã thoát khỏi dải Ngân hà, ai biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Zucker nói.

Lỗ đen Sagittarius A* nằm ở tâm dải Ngân hà. Ảnh: Sergey Koposov.

Lỗ đen Sagittarius A* nằm ở tâm dải Ngân hà. Ảnh: Sergey Koposov.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/cong-nghe/vo-tinh-phat-hien-sao-bay-nhanh-nhat-dai-ngan-ha-6-trieu-kmh-1486833.tpo