Vô vàn nguyên nhân dẫn tới 122.000 thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng không nhập học

Tính đến 17h ngày 27/8, hơn 122.000 thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đại học.

Trong Công văn số 1957/BGDĐT-GDĐH ngày 26/4/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, về xác nhận nhập học, Bộ quy định chậm nhất 17 giờ 00 ngày 27/8/2024, tất cả các thí sinh trúng tuyển hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ.

Tuy nhiên, nhằm tạo điều kiện cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo tiếp tục mở Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung để thí sinh hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học đến trước 17 giờ ngày 31/8/2024.

Theo số liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023. Thế nhưng, số thí sinh xác nhận nhập học là 551.479; chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Như vậy, có đến 122.107 thí sinh dù trúng tuyển nhưng không nhập học, chiếm tỉ lệ 18,13%. Các chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thí sinh không nhập học sau khi trúng tuyển.

 Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Điện lực. Ảnh: EPU.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường Đại học Điện lực. Ảnh: EPU.

Rủi ro của việc thí sinh bỏ nhập học để xét tuyển lại

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh đã trúng tuyển đợt 1 phải làm xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống chung. Bên cạnh đó, hiện nay, nhiều trường cũng yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trên website của trường, sau đó mới đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp.

Tuy nhiên, một trong số những nguyên nhân khiến nhiều thí sinh dù đã trúng tuyển vào một nguyện vọng nhưng lại không xác nhận nhập học, bởi mục đích muốn xét tuyển lại ngành khác, trường khác.

Các em tiếc nuối vì ban đầu có mong muốn học ngành "hot", nhưng không tự tin với mức điểm của mình nên không dám đăng ký. Sau đó, khi có kết quả, thí sinh thấy mức điểm chuẩn thấp hơn dự đoán, nên có dự định bỏ nhập học để đăng ký đợt xét tuyển bổ sung đợt 2 hoặc quyết định thi lại.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Nếu thí sinh không xác nhận nhập học thì phải đăng ký xét tuyển lại từ đầu vào các trường có xét tuyển bổ sung.

Tuy nhiên, các em thí sinh cần hết sức lưu ý điểm trúng tuyển ở đợt xét tuyển bổ sung sẽ cao hơn hoặc bằng điểm chuẩn đợt 1. Do vậy, thí sinh cần cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định phù hợp. Thực tế, việc xét tuyển bổ sung có tính rủi ro rất cao, vì số lượng trường xét tuyển bổ sung ít và chỉ tiêu còn lại không nhiều".

 Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEL.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: UEL.

Chỉ có những trường hợp mà cơ sở đào tạo chưa tuyển sinh đủ chỉ tiêu của đợt 1 thì mới tiếp tục xét tuyển bổ sung. Có thể thấy, số trường công bố xét tuyển bổ sung đến thời điểm này không nhiều. Mặt khác, nhiều cơ sở giáo dục xét tuyển bổ sung với chỉ tiêu rất ít. Do đó, thí sinh cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định bỏ nhập học để xét tuyển lại.

Đơn cử, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có 2.600 thí sinh hoàn tất thủ tục nhập học. Nhà trường đã đạt 100% chỉ tiêu đề ra, nên không xét bổ sung.

Ngoài ra, có trường hợp một số bạn đang chờ suất học bổng để đi du học nước ngoài. Thời điểm đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, các em chưa nhận được giấy báo trúng tuyển nên vẫn xét tuyển.

Bên cạnh đó, hiện nay, một số trường quốc tế tuyển sinh độc lập, vì vậy, thí sinh khi đỗ trường công lập, lại có định hướng thay đổi sang học tập trong môi trường quốc tế.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thí sinh từ chối nhập học đại học có thể do nhiều nguyên nhân như: hoàn cảnh gia đình, lựa chọn học nghề, trung cấp, cao đẳng, lựa chọn con đường du học, hình thức vừa học vừa làm ở nước ngoài,...

Một số rào cản ảnh hưởng quyết định việc nhập học của thí sinh

Theo Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại, hơn 122.100 thí sinh không phải là con số báo động, vì khó để đạt được tất cả 100% thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trên phạm vi toàn quốc; cũng như không khó để lý giải năm nào cũng có tỷ lệ nhất định về thí sinh trúng tuyển ảo.

 Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Nguyễn Quang Trung - Phó trưởng Phòng Truyền thông và Tuyển sinh, Trường Đại học Thương mại. Ảnh: NVCC.

Song, ở giai đoạn này, phần lớn phụ thuộc vào ý định chủ quan của thí sinh. Nhiều em dù trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học vì mục tiêu đi du học, lựa chọn học chương trình liên kết quốc tế, do sắp xếp sai thứ tự nguyện vọng xét tuyển,...

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng học phí cao và chi phí phải chi trả cho cuộc sống của tân sinh viên hiện nay cũng là một rào cản lớn. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên nhập học thấp chủ yếu tập trung ở vùng trung du, miền núi, những nơi còn nhiều khó khăn.

Những em không xác nhận nhập học trong thời hạn quy định, nếu không có lý do chính đáng, coi như thí sinh từ chối nhập học và cơ sở đào tạo có quyền không tiếp nhận. Thí sinh đã xác nhận nhập học tại một cơ sở đào tạo không được tham gia xét tuyển ở nơi khác hoặc ở các đợt xét tuyển bổ sung, trừ trường hợp được cơ sở đào tạo cho phép.

Thạc sĩ Phùng Quán nhận định, học phí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quyết định lựa chọn nhập học của một số em học sinh ở vùng xa, vùng sâu. Song, nếu có năng lực, các em cũng có thể giành được các suất học bổng và chính sách hỗ trợ từ nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng cựu sinh viên và các tổ chức khác.

 Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phùng Quán - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC.

Bàn luận về giải pháp, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, chúng ta cần tiếp tục phát huy, đặt ra bài toán về công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh lớp 12 trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nhất là năm 2025 tới đây dự kiến sẽ có những thay đổi trong công tác tuyển sinh bởi đây là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, công tác tư vấn cần linh hoạt đáp ứng nhu cầu về thông tin từ sớm, từ xa cho học sinh và phụ huynh một cách tường minh, dễ hiểu, có cơ sở lựa chọn đúng ngành học và trường học yêu thích.

Ngoài ra, chúng ta cần tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng hơn chính sách tín dụng đối sinh viên để người học có nhu cầu sẽ có thể tiếp cận vốn vay và trang trải cuộc sống học tập. Để có thêm nguồn lực, chúng ta cần phải xem lại tính hiệu quả trong hoạt động giáo dục, đồng thời đa dạng được nguồn thu để giảm phụ thuộc vào việc tăng học phí.

Đồng thời, quan tâm xây dựng quỹ học bổng và cơ chế tài chính để hỗ trợ sinh viên khó khăn cũng là một điều thiết thực và ý nghĩa.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/vo-van-nguyen-nhan-dan-toi-122000-thi-sinh-trung-tuyen-dh-nhung-khong-nhap-hoc-post245205.gd