Vô vàn trăn trở của các trường cao đẳng sư phạm hiện nay
Câu lạc bộ Các trường CĐSP thuộc Hiệp hội tổ chức chương trình hội thảo chủ đề 'Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay'.
Ngày 15/3, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức chương trình hội thảo chủ đề “Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay”.
Về phía khách mời tham dự hội thảo, có ông Nguyễn Như Học - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục thường xuyên Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Ninh; Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – Phó Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm.
Về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội; Tiến sĩ Đặng Văn Định – Trưởng Ban Nghiên cứu và Phản biện chính sách; Thạc sĩ Phạm Ngọc Lan – Trưởng ban Công tác hội viên.
Về phía Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm có Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu – Chủ nhiệm Câu lạc bộ; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh; Tiến sĩ Trần Anh Tư – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An – thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ; cùng chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng, cán bộ công tác tại các trường cao đẳng sư phạm trên cả nước.
Toàn cảnh hội thảo “Những vấn đề đặt ra với các trường cao đẳng sư phạm hiện nay”. Ảnh: Ngọc Mai
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam dự hội thảo. Ảnh: Ngọc Mai
Mở đầu hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh bày tỏ, thực hiện căn bản của giáo dục và đào tạo, các trường cao đẳng sư phạm đứng trước muôn vàn thách thức. Để định hướng phát triển bền vững trong tương lai, nhà trường vui mừng khi được Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm tin tưởng lựa chọn làm nơi tổ chức hội thảo với chủ đề “nóng” và thiết thực.
Thầy Tuyến hy vọng hội thảo sẽ giúp các trường cao đẳng sư phạm nói chung, nhà trường nói riêng có cái nhìn tổng quan hơn về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm trong thời gian tới.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tuyến – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh phát biểu. Ảnh: Ngọc Mai
Báo cáo tình hình hoạt động của câu lạc bộ và đề dẫn khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm cho biết, năm 2023, câu lạc bộ đã tổ chức thành công tọa đàm với chủ đề “Mục tiêu, sứ mạng của các trường cao đẳng sư phạm” tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30/12/2022 về Điều lệ trường cao đẳng sư phạm. Ngoài chủ đề trao đổi, thảo luận, tọa đàm cũng đã thống nhất kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo một số vấn đề trong đó có nội dung “Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản gửi các địa phương đôn đốc triển khai thực hiện Điều lệ trường cao đẳng sư phạm ban hành kèm theo Thông tư 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuyển các trường cao đẳng sư phạm địa phương trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh”.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Sơn – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm phát biểu. Ảnh: Ngọc Mai
Đề dẫn khai mạc hội thảo, theo thầy Sơn, hiện nay, một số trường cao đẳng sư phạm đã được sáp nhập thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc có đề án sáp nhập, chuyển thành cơ sở giáo dục đại học; đa số các trường còn lại tiếp tục hoạt động với tâm thế lo lắng, thậm chí thiếu lạc quan, thiếu sự quyết tâm và gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng này, tọa đàm sẽ bàn về những vấn đề đặt ra với trường cao đẳng sư phạm hiện nay. Những vấn đề đặt ra có thể không mới, không lạ nhưng là những vấn đề bức xúc, những giải pháp tình thế và căn cơ để nhằm ổn định tổ chức và hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm trong thời gian ít nhất đến năm 2030.
“Những vấn đề đặt ra cho các trường cao đẳng sư phạm hiện nay là: Định hướng phát triển của các trường cao đẳng sư phạm từ trung ương đến địa phương trong bối cảnh quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm; những giải pháp ổn định hoạt động của các trường cao đẳng sư phạm giai đoạn 2024-2030, chia sẻ kinh nghiệm về thủ tục, đề án phát triển trường cao đẳng sư phạm, những thuận lợi; khó khăn khi sáp nhập các trường cao đẳng sư phạm và trường đại học, cao đẳng khác...”, thầy Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam bày tỏ, khi dự hội thảo, các thành viên trong hiệp hội mang nhiều tâm trạng khác nhau, nhất là sự lo lắng, sốt ruột cho tương lai của các trường cao đẳng sư phạm. Nội dung liên quan đến trường cao đẳng sư phạm được Hiệp hội xem là một trong những vấn đề rất nóng.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: Ngọc Mai
“Lãnh đạo Hiệp hội rất quan tâm đến chủ đề của hội thảo. Thông qua hội thảo, chúng tôi mong muốn có những ý kiến đề xuất và được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường sư phạm tổng hợp, chuyển cho Hiệp hội.
Các trường cao đẳng sư phạm rất cần và luôn luôn cần. Bởi, trong vòng 10 năm qua, nhu cầu đào tạo giáo viên lúc thừa, lúc thiếu, nguyên nhân do biến động trong giáo dục. Ví dụ, quan điểm của chương trình giáo dục phổ thông 2018 là theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất. Để phát triển được thì giáo viên phải sao sát từng cá nhân học sinh. Do đó, nếu không còn các trường cao đẳng sư phạm thì lấy đâu ra đội ngũ giáo viên để tập trung dạy cho các em học sinh phát triển năng lực từ mầm non đến các bậc học cao hơn”, Tiến sĩ Khuyến chia sẻ.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội, thông qua thực tế diễn ra hiện nay, các trường địa phương đã sáp nhập hầu như không nhận được sự hỗ trợ về ngân sách từ các đại học trọng điểm quốc gia trong khi lại phải thay đổi sứ mệnh, chương trình đào tạo, cơ cấu nhân lực,… cho phù hợp với sứ mệnh mới của mình. Ở một số nơi có tình trạng trường "thành viên địa phương" còn phải có nghĩa vụ đóng góp cho "trường mẹ" .
Cũng theo Tiến sĩ Khuyến, đâu đó vẫn còn hiện tượng người dân và doanh nghiệp địa phương chưa thực sự nắm vững triết lý “vì dân, do dân” của trường đại học/cao đẳng địa phương nên chưa xem các trường địa phương là đứa con của mình, còn ỷ vào hỗ trợ của nhà nước mà không thấy trách nhiệm phải chăm lo cho trường. Nhiều trường địa phương hoạt động thụ động, nặng tư duy bao cấp. Nhiều văn bản pháp quy quản lý nhà nước về giáo dục hạn chế tính năng động cần có của các trường địa phương, như đưa vào cơ chế “đấu thầu” để thay thế cho cơ chế “phân cấp nhiệm vụ” trong đào tạo giáo viên; hợp nhất các trường địa phương với các trường khác sứ mệnh, khác đẳng cấp, khác địa phương,...
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Chuân – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh chia sẻ trong hội thảo. Ảnh: Ngọc Mai
Tại hội thảo các trường cao đẳng sư phạm đã đưa ra ý kiến trao đổi. Chia sẻ về phương án phát triển Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Chuân – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh cho biết, căn cứ Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2024-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (ký ngày 01/3/2024), nhà trường đề xuất định hướng phát triển giai đoạn 2024-2030 theo 5 phương án.
Bao gồm: Giữ nguyên mô hình trường như thời điểm hiện tại; sáp nhập với một số trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh thành trường cao đẳng đa ngành; sáp nhập với một số trường cao đẳng, trung cấp của tỉnh để thành lập trường đại học đa ngành; sáp nhập vào một trường đại học sư phạm trong vùng (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2); sáp nhập vào một cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực trong tỉnh (Trường Đại học Thể dục thể thao hoặc Học viện Ngân hàng - Phân viện Bắc Ninh).
Tại hội thảo, chia sẻ về hình thái tồn tại của Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị, Thạc sĩ Nguyễn Trương Trưởng - Chủ tịch Hội đồng trường cho rằng, để tồn tại thì việc quan tâm đến cơ sở vật chất và chăm lo tương lai của giảng viên như thế nào là trách nhiệm của lãnh đạo mỗi trường. Đội ngũ giảng viên của trường sẽ đi đâu về đâu và ngôi trường cao đẳng sư phạm mà các thầy/cô đã cố gắng xây dựng liệu có còn tồn tại hay không khi sáp nhập.
Thạc sĩ Nguyễn Trương Trưởng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thảo luận. Ảnh: Ngọc Mai
“Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi trường cao đẳng sư phạm cũng phải tìm cơ hội, con đường đi riêng trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, với Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đang có định hướng phát triển thêm lĩnh vực dạy nghề. Tuy nhiên, nếu áp dụng với Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị thì rất khó. Bởi, nhà trường đã phát triển các ngành ngoài sư phạm từ năm 2000 và đỉnh điểm vào năm 2009 nhưng nhiều năm trở lại đây, các ngành ngoài sư phạm của trường không tuyển sinh được.
Cần xem xét việc khi ghép trường cao đẳng sư phạm với trường trung cấp, cao đẳng khác liệu có phù hợp không? Vấn đề ghép nhà trường với trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn liệu có giống như việc ghép 2 chiếc xe máy để thành 1 chiếc ô tô không?
Còn việc sáp nhập trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của trường đại học thì liệu trường cao đẳng có còn chủ động được hay không; có được trường đại học quan tâm đến đội ngũ?...", thầy Trưởng chia sẻ.
Thầy Trưởng cũng mong muốn, Hiệp hội và Câu lạc bộ tạo điều kiện để các trường tìm hiểu nếu phải sáp nhập để trở thành phân hiệu của trường đại học thì đội ngũ của trường cao đẳng sư phạm sẽ sử dụng được bao nhiêu và hoạt động của cơ sở sau sáp nhập sẽ như thế nào.
Nêu ý kiến trong hội thảo, Tiến sĩ Lữ Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chia sẻ, theo đề án sáp nhập trường, Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk được sáp nhập nguyên trạng với Trường Đại học Tây Nguyên.
Tiến sĩ Lữ Thị Hải Yến – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk thảo luận. Ảnh: Ngọc Mai
Tuy nhiên, Trường Cao đẳng sư phạm Đắk Lắk đối mặt nhiều khó khăn. Thứ nhất, về công tác tuyển sinh, năm 2023, nhà trường xin 130 chỉ tiêu nhưng chỉ được giao 67 chỉ tiêu; năm 2024, nhà trường dự kiến xin 100 chỉ tiêu nhưng lại vướng trong thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, và có sự chần chừ trong giao chỉ tiêu tuyển sinh cho nhà trường.
Thứ hai, theo đề án sáp nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vào Trường Đại học Tây Nguyên cũng ảnh hưởng tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ viên chức. Cụ thể, hầu hết các cán bộ quản lý đơn vị trực thuộc của trường không được bố trí sắp xếp làm tiếp công tác quản lý; một số giảng viên nhà trường được bố trí làm ở các phòng, ban của Trường Đại học Tây Nguyên và không tham gia giảng dạy; một số giảng viên khác được phân công xuống dạy tại trường phổ thông.
Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục phải giảm từ 8 đơn vị trực thuộc xuống còn 7 đơn vị trực thuộc; thực hiện giảm biên chế và tập trung phát triển đội ngũ để chuẩn bị cho việc sáp nhập; thực hiện công tác tự đánh giá cơ sở đào tạo.
Trước những khó khăn, cô Yến mong Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có đề xuất quan tâm đến chỉ tiêu tuyển sinh của các trường cao đẳng sư phạm. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm để chuyển các trường cao đẳng sư phạm về trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh vì hiện nay Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk vẫn đang trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh. Đồng thời, Bộ nên có chỉ đạo rốt ráo liên quan đến việc sáp nhập trường cao đẳng sư phạm vào trường đại học địa phương....
Câu lạc bộ và lãnh đạo Hiệp hội tiếp thu, ghi nhận tất cả những ý kiến, trăn trở của lãnh đạo các trường cao đẳng sư phạm.
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao kỷ niệm chương cho một số thành viên Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm. Ảnh: Ngọc Mai
Cũng tại hội thảo, lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao kỷ niệm chương cho một số thành viên của Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm. Đây là những thành viên có nhiều thành tích trong việc tham gia xây dựng, duy trì, tổ chức các hoạt động của câu lạc bộ, đóng góp cho sự phát triển của hiệp hội.
Hội thảo cũng đã tặng hoa và quà tri ân đối với Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh – nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm. Với hơn 5 năm là chủ nhiệm câu lạc bộ, Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức nhiều hội nghị của câu lạc bộ, cũng như có những kiến nghị về các trường cao đẳng sư phạm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt trong đó có Thông tư số 23/2022/TT-BGDĐT ngày 30-12-2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường cao đẳng sư phạm.
Lãnh đạo Hiệp hội cùng Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh tri ân Tiến sĩ Hồ Cảnh Hạnh. Ảnh: Ngọc Mai
Một số hình ảnh tại hội thảo:
Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm tặng hoa cho đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo năm 2025 - Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị
Đại diện các trường cao đẳng sư phạm tham dự hội thảo
Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, thành viên Câu lạc bộ Các trường cao đẳng sư phạm, giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh chụp ảnh kỉ niệm. Ảnh: Ngọc Mai