Vocarimex chưa bán 'gà đẻ trứng vàng', lỗ kỷ lục vì trữ tồn kho giá cao
Thương vụ bán toàn bộ 24% vốn góp tại liên doanh Calofic cho cổ đông ngoại, nhưng cổ đông của Vocarimex đã hoàn tất phê duyệt phương án chia cổ tức đặc biệt.
Thua lỗ vì trữ tồn kho giá cao
Kết quả kinh doanh quý IV/2022 của Tổng công ty công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam – CTCP (Vocarimex – mã chứng khoán VOC) ghi nhận khoản thua lỗ ròng kỷ lục gần 128 tỷ đồng. Nguyên nhân chính bởi sự sụt giảm biên lợi nhuận dù thu nhập tài chính từ cổ tức tăng và một số khoản chi phí được kiểm soát tiết giảm so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động kinh doanh quý IV tăng 41% so với cùng kỳ và đạt mức cao nhất kể từ quý IV/2020 khi mang về gần 600 tỷ đồng. Tuy nhiên, cứ mỗi 100 đồng doanh thu, chi phí giá vốn hàng bán của Vocarimex lên tới 124,7 đồng. Kinh doanh dưới giá vốn, Vocarimex lỗ gộp 148,4 tỷ đồng trong quý; trong khi cùng kỳ, doanh thu ít hơn nhưng vẫn lãi gộp 65,7 tỷ đồng.
Tính chung cả năm, Vocarimex thu về 1.613 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,82% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi giá vốn, công ty lỗ gộp 134,5 tỷ đồng. Dù doanh thu tài chính với đóng góp chủ yếu từ cổ tức từ các doanh nghiệp góp vốn và thu nhập khác đều tăng mạnh, Vocarimex vẫn báo lỗ 45,6 tỷ đồng trong cả năm 2022. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu năm 2022 âm 374,6 đồng.
“Giá dầu nguyên liệu trên thị trường giảm mạnh so với tồn kho làm biên lợi nhuận gộp giảm so với cùng kỳ”, Tổng giám đốc Nguyễn Thị Xuân Liễu giải trình với các cổ đông.
Thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cho thấy chỉ số giá dầu thực vật đã có giai đoạn tăng nóng vào giữa năm 2022 nhưng liên tục đi xuống sau đó. Chỉ số giá dầu thực vật của FAO đã giảm 2,9% xuống 140,4 điểm vào tháng 1 năm 2023, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2021, do giá dầu cọ, đậu nành, hạt hướng dương và hạt cải dầu trên thế giới giảm.
Trong khi đó, tồn kho tại thời điểm cuối quý IV của Vocarimex tăng vọt, xấp xỉ 469 tỷ đồng, gấp khoảng hơn 3 lần các quý trước đây. Đặt cược vào sự đi lên của giá nguyên liệu trong khi xu hướng thực tế trái ngược đã khiến Vocarimex thua lỗ. Đây còn là nguyên nhân chính khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh thâm hụt (âm gần 595 tỷ đồng). Chỉ riêng việc tăng tồn kho đã tăng dòng tiền chi ra 311 tỷ đồng. Dòng tiền từ hoạt động tài chính (chủ yếu do tăng vay nợ) đã bù đắp phần nào. Tỷ lệ nợ tại Vocarimex vẫn duy trì ở mức khá thấp, nhưng cũng ghi nhận mức tăng đáng kể từ 14,5% lên 32,7%.
Chia cổ tức đặc biệt sau khi thoái vốn Calofic
Lượng tiền mặt đến cuối năm giảm còn 66,5 tỷ đồng, từ mức 345 tỷ đồng đầu năm. Tuy nhiên, Vocarimex dự kiến có thể nhận về lượng tiền “khủng” từ thoái vốn khoản đầu tư tại liên doanh Calofic cho cổ đông ngoại của liên doanh là Siteki Investments Pte Ltd thuộc tập đoàn Wilmar International Limited (Singapore). Phương án bán toàn bộ 24% vốn góp tại liên doanh đã được hội đồng quản trị phê duyệt. Cùng đó, đại hội đồng cổ đông cũng đã thông qua phương án tái cấu trúc đầu tư tài chính (thoái vốn Calofic) và chia cổ tức đặc biệt cho cổ đông. Thời gian thực hiện và tỷ lệ trả cổ tức giao HĐQT quyết định.
Đến cuối năm 2022, thương vụ trên vẫn chưa hoàn thành. Calofic được thành lập năm 1996 với số vốn ban đầu 22 triệu USD. Với vai trò cổ đông sáng lập, Vocarimex góp vốn tại Calofic với giá trị sổ sách ghi nhận chỉ hơn 572,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng công ty đã tạm xác định giá trị chuyển nhượng là 2.157,8 tỷ đồng, tương đương mức định giá của Calofic lên tới 8.990 tỷ đồng.
Thương vụ này dự kiến mang về khoản lãi đầu tư tài chính lên tới 1.585,2 tỷ đồng, vượt quy mô vốn điều lệ của Vocarimex ở thời điểm hiện tại (1.218 tỷ đồng). Các hoạt động thoái vốn cổ phần là động lực hỗ trợ Vocarimex trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn. Trước đó, vào quý III/2022, công ty cũng đã nhượng lại phần vốn tại công ty Dầu thực vật Tân Bình.
Việc thực hiện chia cổ tức đặc biệt cho các cổ đông sau thoái vốn có thể mang về lượng tiền mặt lớn cho các cổ đông, nhất là Tập đoàn Kido - đơn vị đang sở hữu 87,3% vốn điều lệ.