Với 1.000 tàu ngầm, 450 tàu chiến, TQ sẽ bá chủ đại dương vào 2030: Thực tế hay ảo tưởng?
Điều đáng lo ngại nhất về Hải quân Trung Quốc là đến năm 2030, họ có thể sẽ phát triển được một lực lượng tàu chiến mặt nước gồm hơn 450 chiếc cùng lực lượng tàu ngầm 1.109 chiếc.
Những kịch bản đầy tham vọng của Hải quân Trung Quốc
Trong một bài viết mới đây đăng tải trên tờ the Sunday Guardian, Thuyền trưởng James E. Fanell, nguyên Giám đốc các Chiến dịch Tình báo và Thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương Hải quân Mỹ đã đưa ra một dự báo khủng khiếp: Đến năm 2030 Hải quân Trung Quốc có thể vươn lên vị trí thống lĩnh, còn tới 2049 lực lượng này sẽ chiếm giữ ưu thế vượt trội trên thế giới.
James Fanell viết: “Sau 20 năm chuyển đổi, Hải quân Trung Quốc (PLAN) hiện đang hoạt động ở khắp nơi trên thế giới, từ Baltic cho tới Nam Thái Bình Dương, từ Bắc Cực cho tới Nam Cực”.
Theo James Fanell, PLAN hiện nay không còn lo ngại về việc thiếu hụt tàu chiến mà tập trung nhiều hơn vào phát triển các tàu sân bay và tàu tấn công đổ bộ trực thăng (LHA) như Type 075.
Điều đáng lo ngại nhất trong dự báo của James Fanell là đến năm 2030, PLAN có thể sẽ phát triển được một lực lượng tàu chiến mặt nước gồm hơn 450 chiếc cùng lực lượng tàu ngầm 1.109 chiếc.
Con số này tăng 10% so với dự báo trước đó của Fanell vào năm 2015. Mục đích của Trung Quốc là tăng cường sự hiện diện hải quân ra phạm vi toàn cầu, trước hết là ở Ấn Độ Dương và sau đó là vươn xa hơn nữa.
Một số mục tiêu mà Trung Quốc đặt ra đã trở thành hiện thực khi PLAN đang không ngừng mở rộng căn cứ quân sự đầu tiên của nước này tại Djibouti bên bờ Biển Đỏ.
Căn cứ này có vị trí ở gần Căn cứ Viễn chinh Hải quân Mỹ, được Trung Quốc đầu tư 590 triệu USD xây dựng năm 2017. Mặc dù Djibouti chỉ là một trong những quốc gia rất nhỏ ở châu Phi nhưng lại trở thành đối tác chiến lược quan trọng của Bắc Kinh.
James Fanell không phải là người duy nhất bày tỏ lo ngại trước tốc độ mở rộng hải quân của Trung Quốc. Tháng trước, một báo cáo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ cho biết, các chương trình hiện đại hóa hải quân của Bắc Kinh là rất đáng quan ngại.
Báo cáo trên đặc biệt nhấn mạnh tới các kế hoạch mà Trung Quốc đang tích cực theo đuổi, trong đó có tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm (ASCM), tàu ngầm, tàu chiến mặt nước, tàu lặn không người lái, và các hệ thống C4ISR (chỉ huy, điều khiển, thông tin, máy tính, tình báo, do thám và trinh sát) hỗ trợ.
Giấc mộng bá chủ đại dương có trở thành hiện thực?
Mặc dù những thông tin đề cập ở trên liên quan tới tham vọng mở rộng hải quân của Trung Quốc ra toàn cầu là đáng quan ngại nhưng theo chuyên gia Peter Suciu của Tạp chí National Interest (Mỹ) thì Bắc Kinh cũng đang phải đối diện với những vấn đề rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, chương trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc phức tạp hơn rất nhiều chứ không đơn giản là sự tăng trưởng thuần túy trong bối cảnh nạn tham nhũng đang hoành hành tại các xưởng đóng tàu của nước này.
Trung Quốc càng rót nhiều tiền cho hoạt động đóng tàu thì cơ hội tham nhũng cho các quan chức càng cao. Liệu Bắc Kinh có giải quyết được vấn đề một cách triệt để?
Thứ hai, lịch sử đã cho thấy một số bài học nhãn tiền. Hải quân Hoàng gia Anh trước đây từng áp dụng chiến lược gọi là “tiêu chuẩn hai cường quốc”, theo đó họ phải duy trì được số lượng chiến hạm ít nhất cũng tương đương với sức mạnh của hai lực lượng hải quân kế cận cộng lại. Thời điểm đó là Pháp và Nga.
Yêu cầu này đã trở thành một vấn đề thực sự khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt tay vào đóng chiến hạm HMS Dreadnought khiến việc đầu tư cho các lớp tàu chiến khác bị xao nhãng. Hậu quả là, nước Anh đã đánh mất lợi thế của mình so với các cường quốc hải quân khác.
Với Trung Quốc, nếu như Bắc Kinh muốn giành được vị thế thống lĩnh hải quân thì họ phải đủ sức hạ thủy và duy trì được số lượng tàu sân bay nhiều hơn con số 11 mà Hải quân Mỹ đang vận hành hiện nay.
Đó là chưa kể tới việc Trung Quốc phải chạy đua với các lực lượng hải quân khác như Anh, Pháp hay Australia. Một khi NATO còn tồn tại thì vấn đề với Trung Quốc không chỉ là 11 tàu sân bay của Mỹ mà còn của cả các nước đồng minh khác.
Như vậy, hãy cứ để Trung Quốc đổ tiền vào phát triển một lực lượng hải quân nếu họ coi đó là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc duy trì nó, kết hợp đối phó với nạn tham nhũng cũng như tham vọng cố gắng tạo ra một “tiêu chuẩn đa cường quốc” thì kết quả có thể không giống như những gì Trung Quốc đặt cược.