Chúng ta đang trở thành loài người mới?

'Với cuộc cách mạng AI này, chúng ta buộc phải trở thành một loài người mới. Loài người đủ tỉnh táo và độc lập để sống cùng AI', dịch giả Nguyễn Quý Tiến nhận định.

AI có tiến bộ đến đâu, vẫn không thể thay thế bản sắc, phẩm giá, tư duy và mối quan hệ giữa người với người. Đó là quan điểm chung của hai chuyên gia tại buổi tọa đàm “Khởi Nguyên cho một thời đại mới - Chúng ta sẽ đi về đâu?”.

“Hằng số bất biến” của con người

Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII), cho biết trong ba năm gần đây, AI đã biến hóa khôn lường, đạt tới những bước tiến ngoài sức tưởng tượng. Từ AI suy luận, AI đa mô hình cho tới các Agent AI có thể tự lập kế hoạch và ra quyết định, thậm chí một số tập đoàn như Palantir đã tích hợp AI vào phát triển vũ khí. Các cường quốc như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đang bước vào cuộc “chạy đua AI” khốc liệt, giống như cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong Chiến tranh lạnh thế kỷ XX.

Nếu cứ nâng cấp con người theo chuẩn AI, bản sắc sẽ mất dần.

Ông Đào Trung Thành

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mối nguy lớn nhất không nằm ở sự cạnh tranh giữa các quốc gia, mà là nguy cơ đánh mất bản sắc con người. Ông Đào Trung Thành nhận định, AI đang khuếch đại kỹ năng của con người nhưng cũng kéo theo nguy cơ khiến con người lười tư duy, lười kiểm chứng và dễ sa vào ảo tưởng về sự chính xác tuyệt đối của máy móc.

“Nếu cứ nâng cấp con người theo chuẩn AI, bản sắc sẽ mất dần. Ngược lại, nếu làm cho AI trở nên gần giống con người thì sẽ hình thành thế hệ Alien AI rất khó kiểm soát”, ông Thành cảnh báo.

 Dịch giả Nguyễn Quý Tiến chia sẻ trong tọa đàm online hôm 27/6.

Dịch giả Nguyễn Quý Tiến chia sẻ trong tọa đàm online hôm 27/6.

Dịch giả Nguyễn Quý Tiến, đồng sáng lập Oddly Normal, người chuyển ngữ cuốn sách Khởi Nguyên - Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại sang tiếng Việt, cũng cho rằng dù AI thông minh đến đâu vẫn chưa thực sự “chạm” vào thế giới thực của con người.

“Trong khi mọi quyết định đều cần dựa trên một hệ giá trị cụ thể để phân biệt đúng - sai, đạo đức - phi đạo đức thì AI chỉ có thể mô phỏng các giá trị này dựa trên dữ liệu do con người thiết lập, chứ không tự tạo ra giá trị mới”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến nhấn mạnh, kể cả chính phủ, Liên Hợp Quốc hay bất kỳ thực thể nào cũng không thể đảm bảo AI sẽ luôn hoạt động vì lợi ích con người. Và không một AI nào có thể thay thế con người trong việc nói lời yêu thương, duy trì sợi dây gắn kết giữa người với người.

Theo các diễn giả, “hằng số bất biến” vẫn là mối quan hệ giữa người với người, tinh thần dân tộc, tinh thần nhân loại, sự yêu thương và phẩm giá là những điều mà AI không thể sao chép hay thay thế.

Đạo đức, tự do và tương lai nhân loại trong kỷ nguyên AI

Trong buổi tọa đàm, các chuyên gia cũng thảo luận về những thông điệp cốt lõi từ cuốn sách Khởi Nguyên - Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại. Đây là công trình tâm huyết của Henry Kissinger - nhà ngoại giao huyền thoại người Mỹ, cùng hai cộng sự Eric Schmidt (cựu CEO Google) và Craig Mundie (cựu Giám đốc nghiên cứu Microsoft).

Cuốn sách chỉ ra tám lĩnh vực mà AI đang tác động sâu sắc đến con người, từ hoạt động của bộ não, khám phá khoa học đến an ninh, chính trị và chiến lược toàn cầu. Sức mạnh xử lý dữ liệu khổng lồ cùng khả năng ra quyết định phi cảm xúc của AI đang làm lung lay nền tảng tri thức và đạo đức truyền thống. Các tác giả cũng đặt ra câu hỏi lớn: “Liệu chúng ta sẽ trở thành một loài người mới, hay sẽ biến AI thành một thực thể gần giống chúng ta?”.

 Sách Khởi Nguyên - Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại. Ảnh: Omega+.

Sách Khởi Nguyên - Trí tuệ nhân tạo, niềm hi vọng và tinh thần nhân loại. Ảnh: Omega+.

AI càng phát triển, chúng ta càng không thể tránh khỏi nguy cơ bị xói mòn khả năng suy nghĩ độc lập, nhất là khi chúng ta bắt đầu tin tưởng vào máy móc hơn chính mình. Tuy nhiên, con người duy trì được phẩm giá và tinh thần nhân loại, chúng ta sẽ kiểm soát được AI thay vì bị AI kiểm soát.

Các tác giả nhấn mạnh, tương lai của loài người phụ thuộc vào việc xây dựng các khuôn khổ đạo đức, pháp lý và trách nhiệm xã hội. Trong đó, bảo vệ tự do ý chí, sự sáng tạo và năng lực phán đoán đạo đức phải được xem là cốt lõi trong tiến trình phát triển nhân loại.

Diễn giả Nguyễn Quý Tiến cho biết: “Ở các cuộc cách mạng công nghiệp trước, loài người vẫn là loài người. Nhưng với cuộc cách mạng AI này, chúng ta buộc phải trở thành một loài người mới. Loài người đủ tỉnh táo và độc lập để sống cùng AI”.

Trong kỷ nguyên AI, điều quan trọng không phải là chạy đua để bắt kịp công nghệ, mà là giữ vững bản sắc, phẩm giá, ý chí tự do và tinh thần nhân loại. Dù AI có thể làm thay đổi thế giới, chỉ con người mới gìn giữ được những giá trị bất biến đã làm nên lịch sử và văn hóa loài người.

Tương lai AI còn nhiều ẩn số, nhưng các chuyên gia đều khẳng định: Để không bị cuốn vào vòng xoáy “phi nhân tính”, mỗi người cần chủ động trau dồi tri thức, kỹ năng, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi của con người. Đó chính là điều mà AI không thể thay thế và cũng là nền tảng để nhân loại bước vào thời đại mới một cách chủ động, tự tin.

Hoàng Yến

Nguồn Znews: https://znews.vn/chung-ta-dang-tro-thanh-loai-nguoi-moi-post1564930.html