Voi ở Đắk Lắk vẫn bị đánh
Hình ảnh những con voi bị quản tượng đánh chảy máu được chia sẻ trên mạng xã hội gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Khi quyền động vật được quan tâm hơn, hoạt động cưỡi voi bị chỉ trích là thiếu nhân văn. Dù vậy, việc chuyển đổi mô hình thân thiện hơn không phải chuyện ngày một, ngày hai.
Trải nghiệm tệ
N.A., du khách từ Hà Nội, tới Đắk Lắk du lịch mùng 3 Tết (3/2). Cô đã có trải nghiệm không mấy tốt đẹp khi chứng kiến những con voi bị đánh đập để phục vụ khách du lịch.
"Là một người trẻ, tôi muốn những hoạt động du lịch lành mạnh hơn. Cảnh những con vật bị bóc lột, làm việc quá sức thực sự không còn phù hợp", cô nói với Zing.
Cô chia sẻ mình tới buôn Jun vào mùng 3 Tết. Tại đó, du khách này nhìn thấy khoảng 3 con voi bị xích phía ngoài. Ai muốn cưỡi voi cần liên hệ với người quản tượng, mức phí khoảng 200.000-300.000 đồng/lượt. Theo nữ du khách, các quản tượng dùng gậy đầu sắt (thường gọi là bullhook) để điều hướng voi. Họ thường đánh voi khi các du khách không chú ý.
Tới mùng 4 Tết (4/2), cô tiếp tục đến khu du lịch Cầu Treo ở Buôn Đôn. Tại đây, cô cho biết 6 con voi ở bên ngoài. Trên người con voi nào cũng có vết máu. Một con trong số này còn có những vết thương chằng chịt trên đầu.
"Tôi từng trải nghiệm du lịch thân thiện với voi ở Phú Quốc (Kiên Giang). Mọi người đến có thể sờ đầu voi, cho voi ăn. Như vậy văn minh hơn rất nhiều và cũng đủ tạo trải nghiệm cho du khách thích thú", N.A. nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ Động vật tỉnh Đắk Lắk, xác nhận thông tin và hình ảnh du khách chia sẻ trên mạng là có thật. Phía trung tâm đã tới làm việc với khu du lịch. Được biết, chủ khu du lịch Cầu Treo đã cam kết không để tình trạng này tái diễn.
Có dễ để du lịch thân thiện?
Khi đọc câu chuyện của N.A., nhiều người chia sẻ nên thay đổi hình thức kinh doanh du lịch cưỡi voi truyền thống sang loại hình thân thiện hơn. Thực tế, từ 15/12/2021, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký kết hợp tác với tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia Foundation) về chuyển đổi xây dựng mô hình du lịch thân thiện với voi. Tuy nhiên, việc triển khai không phải chuyện dễ.
Ông Phước cho biết vấn đề lớn nằm ở nguồn vốn tài trợ cho các hộ nuôi voi để chuyển đổi mô hình du lịch. Hiện nay, việc ký kết mới ở bước đầu. Họ vẫn cần thời gian để vận động các hộ nuôi voi cam kết chuyển đổi mô hình cũng như hỗ trợ nguồn vốn cho các bên này. Kế hoạch có thể kéo dài 5 năm và việc chuyển đổi sớm nhất cũng chỉ có thể diễn ra từ năm nay.
Phóng viên cũng đã liên hệ với đại diện Vườn quốc gia Yok Don, nơi đang thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi.
Theo đó, mô hình thân thiện sẽ loại bỏ việc cưỡi voi truyền thống. Du khách sẽ được xem sinh hoạt của voi, tắm bùn cùng voi trong điều kiện tự nhiên. Những quản tượng cũng được hướng dẫn bài bản để đọc cử chỉ của voi, qua đó nắm bắt cảm xúc vui, buồn, tức giận của chúng. Ông Vũ Đức Giỏi, Phó Giám đốc khu du lịch trên cho biết mô hình này văn minh và phù hợp với xu hướng hiện đại khi giới trẻ ngày càng yêu thương động vật hơn.
Thực tế, trước năm 2018, khu này cũng tổ chức cưỡi voi nhưng không khai thác quá nhiều do voi còn được sử dụng để hỗ trợ tuần tra rừng. Tới tháng 7/2018, vườn quốc gia Yok Don mới ký thỏa thuận với Tổ chức Động vật châu Á để chấm dứt khai thác hoạt động cưỡi voi.
Tuy nhiên, để mọi hộ nuôi voi ở Đắk Lắk cũng chuyển đổi mô hình như vậy không phải chuyện dễ. Theo ông Giỏi, câu chuyện mưu sinh bằng voi đã gắn với các chủ hộ nhiều năm qua. Nếu không có vốn hỗ trợ, họ rất khó để thay đổi dù muốn hay không.
"Quản lý, chăm sóc voi cực kỳ tốn kém. Hiện nay, nguồn hỗ trợ họ chưa có nhiều. Có những gia đình cả nhà phải tập trung chăm sóc một con voi. Một tài sản lớn như vậy lại không sinh ra tiền thì họ sống thế nào. Tôi nghĩ việc chuyển đổi sẽ diễn ra nhưng cần có lộ trình, không thể bắt họ thực hiện ngay được", ông Giỏi nêu ý kiến.
Về câu chuyện đánh đập voi, theo ông Giỏi, đây là điều các quản tượng đều phải làm. Cây gậy sắt là dụng cụ giúp quản tượng thuần dưỡng, điều khiển con vật. Nhiều khi, voi không nghe lời chủ. Kích thước con vật quá to còn con người lại nhỏ. Do đó, việc đánh voi là điều khó tránh. Ngoài ra, cây gậy cũng là vật dụng để họ tự vệ khi gặp tình huống xấu.
Thực chất, các quản tượng thường chỉ phải dùng gậy với những con đực hoặc các con quá dữ, không nghe lời. Việc đánh voi thực tế vẫn diễn ra, ngay cả ở những khu du lịch thân thiện nhằm quản lý chúng. Tuy nhiên, mức độ đánh đập ít hay nhiều còn phụ thuộc vào quản tượng.
"Có những con cũng không cần dùng đến gậy, quản tượng chỉ mang theo phòng thân thôi. Chúng tôi cũng hạn chế dùng gậy. Tôi nghĩ, mô hình thân thiện sẽ tốt hơn về cả mặt giáo dục kiến thức, bảo tồn cho người dân lẫn du khách. Tuy nhiên, chuyển đổi sẽ mất thời gian để du khách quen với việc đó. Khi thu hút được khách, có thu nhập, các hộ sẽ làm theo", ông Giỏi cho biết.
Cưỡi voi có xấu?
Theo Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới, voi có thể trông rất to khỏe nhưng lưng của chúng lại khá yếu. Ghế ngồi và trọng lượng cơ thể của du khách gây tổn hại nghiêm trọng đến lưng voi khi cưỡi chúng liên tục. Ngoài ra, voi cũng không thể đứng bằng 2 chân sau như trong các buổi diễn xiếc. Điều này chỉ được thực hiện khi voi đã trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt, tàn bạo.
Voi vốn là loài động vật hoang dã, bản tính hung dữ. Để thuần hóa chúng, con người phải làm ngay từ nhỏ. Quá trình đó gọi là "phajaan" (phá hủy). Bullhook được dùng để đánh chúng hàng ngày nhằm duy trì nỗi sợ cho con voi từ bé. Sau khi thuần hóa, chúng mới chịu nghe lời con người. Việc thuần hóa từ nhỏ góp phần phá hủy bản năng gốc của con voi.
Một vấn đề lớn khác khi sử dụng voi trong du lịch là gây tổn hại đến tỷ lệ sinh sản của voi. Thống kê cho thấy tỷ lệ sinh sản của voi trong điều kiện nuôi nhốt là rất thấp và không đáp ứng đủ nhu cầu voi mới trong ngành du lịch.
Do đó, voi thường bị săn trộm từ tự nhiên để phục vụ cho hoạt động giải trí du lịch. Đây là mối đe dọa lớn với quần thể voi hoang dã châu Á, vốn đã suy giảm nghiêm trong nhiều năm qua.
Theo Hiệp hội Bảo vệ Động vật Thế giới, voi mẹ thường bị các thợ săn giết chết khi bắt voi con. Hầu hết voi con bị bắt được sinh ra ở Myanmar và buôn lậu qua biên giới tới Thái Lan để sử dụng cho ngành du lịch. Giá mỗi con voi con khoảng 33.000 USD.
Hiện nay, cơ quan này đang làm việc với nhiều khu du lịch trên khắp thế giới để loại bỏ hoạt động cưỡi voi, thay bằng những hoạt động thân thiện, văn minh hơn.
"Du khách cần nâng cao nhận thức và giao lưu, chơi đùa với voi một cách có trách nhiệm, đạo đức hơn", cơ quan này chia sẻ.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/voi-o-dak-lak-van-bi-danh-post1294969.html