Vời vợi những nhớ thương

Lạ lùng, những ngày tháng 5 lịch sử này, tôi lại nhớ bà nội, bà ngoại, nhớ quê tôi, nhớ những kí ức buồn thương của bà nội, bà ngoại tôi đều có con là liệt sĩ, mà mãi đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ phần.

1. Tôi nhớ những trưa tháng 7, quê tôi dội nắng trước ngõ. Thấy có tiếng chim khách khắc khoải kêu trong lùm cây chói nắng, bà nội lại chống gối thở than: "Bao giờ mà tìm được thằng Thiện về cho tau nhắm mắt xuôi tay".

Cái điệp khúc: "Bao giờ tìm cho được thằng Thiện để đưa nó về cho tau yên tâm nhắm mắt" cứ lặp đi lặp lại trong những trưa hè dội nắng ấy. Lặp đi lặp lại trong ký ức tuổi thơ của chúng tôi ngày chị em tôi còn bé tí tẹo. Lạ. Cứ trưa nắng bà lại nhắc tới chú Thiện. Chị em tôi len lén nhìn lên bàn thờ ảnh chú bộ đội mặc bộ quân phục với quân hàm binh nhất đội mũ cối có sao vàng năm cánh và một gương mặt bầu bĩnh, măng tơ với nụ cười sáng rực như thiên thần. Chị em tôi bình phẩm: "Sao chú Thiện nhà mình đẹp trai thế. Sao chú lại chết trẻ thế".

Cả nước hiện còn gần 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính.

Cả nước hiện còn gần 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập nhưng chưa xác định được danh tính.

Nhập ngũ năm 1964, mất năm 1966, hy sinh ở mặt trận phía Nam lúc chú vừa tròn tuổi 20. Giấy báo tử của chú vỏn vẹn mấy dòng: "Lê Khắc Thiện, nhập ngũ năm 1964, hy sinh ngày 20/10/1966 tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định". Cái mảnh giấy bé tí, trên đó mấy dòng đánh máy đã mờ nhoẹt, ố vàng mang lại bao đau khổ, mất mát và lấy đi bao nhiêu nước mắt tuyệt vọng của bà nội. Mấy chục năm qua bà vẫn cất kỹ rồi bọc giấy nilông để trên bàn thờ kèm với di ảnh chú như một bảo vật.

Bà đi xa hơn chục năm nay rồi, đến lượt cha tôi lọ mọ gói ghém cất đặt kỹ lưỡng cái giấy báo tử và 3 cuốn học bạ 10 năm học của chú như cất giữ một báu vật linh thiêng. Ngày còn sống, cha, các chú, các o lại khắc khoải vì chưa tìm được mộ của chú Thiện đưa về quê. Cuộc sống vất vả nghèo đói với bao nỗi toan lo, cha và chú đã già yếu đi trong hành trình tuyệt vọng tìm kiếm mộ phần của chú bằng cả tâm linh lẫn khoa học nhưng vẫn không có kết quả. Chú Thiện là con trai út của ông bà nội, thế nên, một nhúm ruột của gia đình vẫn còn vương vất đâu đó trong đất lạnh tha phương cũng làm cho cả đại gia đình tôi đau đáu một nỗi ngậm ngùi. Cha tôi rồi cũng đi xa, đến lượt con trai cả của ông cũng đi xa…

Mỗi khi tháng 7 về, tôi nhớ bà nội ngồi chống chân trên bậu cửa, nghe gió rít qua khóm tre khô không khốc, nghe tiếng con chim khách kêu thảng thốt ở bờ giậu bà lại bảo "Bọn mày yên, không khéo hồn thằng Thiện lại tìm về". Bà đinh ninh chú Thiện tìm về vào những mùa tháng 7 tâm linh. Hồn chú biến thành con chim khách đậu ở bờ giậu trước ngõ kêu "khách! khách!" rạo rực cả trưa hè. Hồn chú đậu trên khóm tre già cao nhất vườn và đung đưa kẽo kẹt. Với bà, tất cả những thanh âm xao xác của cây cối, chim chóc, vạn vật trong những trưa hè yên tĩnh ấy đích thị chỉ là hồn của chú Thiện mà thôi. Cái điệp khúc "không khéo hồn thằng Thiện lại tìm về" lặp đi lặp lại trong câu nói cửa miệng của bà, cả khi bà còn sắc sảo minh mẫn, cho đến lúc bà lãng quên hết cuộc sống hiện tại. Sống một đời sống alzhheimer lẫn lộn âm - dương thì bà vẫn lặp đi lặp lại ngày một dày đặc hơn cái điệp khúc: "Không khéo hồn thằng Thiện nó lại về đấy".

Chúng tôi, những đứa trẻ bé tí teo bên bà đã mang câu nói đầy buồn thương của bà vào năm tháng cuộc đời cho đến lúc trưởng thành.

Trên bàn thờ gia tiên của cha mẹ tôi, ảnh chú Thiện đẹp rạng ngời nụ cười, bên dưới là học bạ mấy năm học cấp 3 của chú. Bao nhiêu lần con cháu quây quần trong ngày giỗ gia tiên, giỗ chú lại chép miệng, sao một người đẹp như thế, gương mặt rạng sáng đến thế lại có một đời sống quá ngắn ngủi. Đồng đội chú năm xưa từng ghé qua thắp hương cho chú kể chú hy sinh trên đường hành quân, chú bị trúng bom, thân thể thành trăm ngàn mảnh nên gia đình đừng đi tìm mộ nữa mà vô vọng rồi buồn lòng…

Hôm vừa rồi, họp đồng hương Cẩm Vịnh, chúng tôi gặp lại bà H là học sinh cấp 3 cùng một lớp với chú Thiện, giờ sống ở Hà Nội. Nhắc đến chú, bà H rưng rưng nước mắt… Bà có một trời kỷ niệm học trò với chú Thiện, chỉ chờ cuộc gặp này để trao lại cho chúng tôi… Nghe chuyện và những kỷ niệm học trò của chú, tôi ngẫm ra rằng hình như trong mắt người thân, chú Thiện không chết. Đó chỉ là một cuộc đi xa lâu ngày chưa trở về… Tháng 7 ấy, gặp lại những kỷ niệm xa xưa của chú trong lời kể của một người đàn bà tóc đã trắng đầu, tôi có cảm giác, chú chưa bao giờ mất đi trong lòng người thân, bè bạn.

2.80 năm qua, trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước và cuộc chiến bảo vệ biên giới, có lẽ sau những lũy tre xanh kia hiếm có một gia đình người Việt nào không có một liệt sỹ hy sinh vì Tổ quốc. Nếu như bà nội tôi với tâm thế nhìn đâu cũng thấy hồn chú Thiện trở về thì bà ngoại tôi lại có một nỗi đau chôn sâu trong mù lòa và cơ cực.

Bà ngoại tôi có cậu Trần Văn Thủy nhập ngũ năm 1951. Năm 1952, trong một lần đi trinh sát chuẩn bị cho trận đánh mới ở Nà Sản (Sơn La), tổ trinh sát do cậu chỉ huy rơi vào ổ phục kích của giặc Pháp. Nhưng phải tới 6 năm sau, không nhận được tin con trai dẫu Điện Biên Phủ đã chiến thắng lẫy lừng, ông ngoại tôi lặn lội lên đơn vị tìm con thì mới biết con trai đã hy sinh. Chỉ đến lúc ấy, đơn vị mới có giấy báo tử gửi về cho ông bà ngoại. Không biết đích xác ngày giờ hy sinh của cậu Thủy. Gia đình lấy ngày nhận được giấy báo tử và năm cậu hy sinh để làm giỗ cho cậu, đó là ngày 2/10/1952. Ông ngoại khóc con trai cả hy sinh bằng một bài thơ rất dài mà giờ cậu Tư tôi chỉ nhớ được vỏn vẹn 4 câu: "Điện Biên súng nổ vang trời/ Sáu năm chờ đợi ngọt bùi con ơi/ Miếng ngon ngọt em Tư thay thế/ Gánh chung tình con để cho ai...".

Không như chú Thiện, hy sinh khi đời chưa vương vấn tình riêng, cậu Thủy hy sinh đã kịp để lại giọt máu cho bà ngoại. Chị Hương sinh năm 1952, chưa một lần biết mặt cha. Cũng như chú Thiện, cậu Thủy hy sinh tại mặt trận Nà Sản nhưng mộ phần của cậu vẫn là một ẩn số thách thức người thân trong bao nhiêu năm tìm kiếm và mong mỏi. Tại nghĩa trang quê nhà, gia đình lớn của tôi có hai liệt sỹ một bên ngoại một bên nội. Cả hai đều được ghi danh trên bia Tổ quốc ghi công của làng nhưng phía dưới chỉ là những ngôi mộ gió thờ vọng linh hồn của chú Thiện và cậu Thủy mà thôi.

Bà ngoại tôi có một số phận giông bão và nhiều mất mát hơn bà nội, nên khi gánh nỗi đau mất con trai, bà lặng ngắt đi bao nhiêu năm trời trong một nỗi đau chôn sâu. Bà từng cách biệt tình chồng vợ với ông ngoại đúng 15 năm vì bước chân lãng du của ông ngoại. Sau 15 năm nơi đất Lào, ông ngoại về, trong nỗi mừng tủi, bà ngoại sinh thêm hai người con nữa. Niềm vui chưa kịp đong chật thì nhận được tin cậu Thủy hy sinh ở mặt trận Tây Bắc. Cậu Thủy hy sinh, rồi ông mất. Bà khóc con, khóc chồng, khóc từ 15 năm trước đến 15 năm sau… khóc suốt 15 năm lạc chồng, và khóc cho đến khi đứa con trai cả hy sinh nơi chiến trường xa nên mắt bà ngoại không còn nhìn thấy gì nữa…

Bà ngoại tôi không ngồi trước bậu cửa thềm nhà thở than hồn cậu Thủy về trong tiếng chim khách kêu trước ngõ như bà nội. Nhưng suốt ngày, bà ngồi trong góc nhà nơi đặt chiếc giường tre mục nát của bà… Quanh năm suốt tháng, bà hướng mặt vào vách tối và thở dài… Con trai còn lại của bà là cậu Tư, là một giáo viên dạy Lý cấp 3 rất xuất sắc ở Trường PTTH Cẩm Bình nhưng ngặt nỗi gia cảnh riêng lại quá vất vả, nuôi vợ ốm liệt giường một chỗ với đàn con thơ bé dại. Những năm tháng đất nước vừa bước qua chiến tranh, gia đình người Việt nào nơi miền Trung chẳng nghèo đói khó khăn. Bà ngoại tôi sống những năm tháng cuối đời khổ não trong nỗi sầu mất chồng con, gia cảnh khó khăn tận cùng, và cuộc sống chìm đắm vào bóng tối do hai mắt của bà bị mù.

Tôi không bao giờ thấy bà nhắc đến cậu Thủy, nhưng bà lại nhắc đến chị Hương, đứa con gái côi cút của cậu Thủy. Tôi không bao giờ thấy bà thở than vì chưa tìm được mộ cậu Thủy để đưa về an táng nơi nghĩa trang quê nhà. Phần lớn bà sống trong bóng tối, trong nỗi vất vả cay cực của các con và bệnh tật hành hạ. Bà không nhắc tới cậu Thủy, có lúc chúng tôi, những đứa cháu vô tâm của bà đã nghĩ và so sánh với bà nội, thấy bà nội thương con hơn, xót chú Thiện hơn bà ngoại thương nhớ cậu Thủy. Nhưng chỉ đến khi bà mất, trong tay nải cũ kỹ của bà, mẹ và cậu Tư tìm thấy tờ giấy khai sinh của cậu Thủy. Tờ giấy đen, ố vàng, nhàu nát và nhòe nhoẹt chữ do nước mắt bà nhỏ xuống chắc là quá nhiều. Cuối cùng, chúng tôi nhận ra, cả bà nội và bà ngoại đều mất những người con trai do chiến tranh, và họ giữ cuốn học bạ cũ của con trai, giữ giấy khai sinh của con trai như giữ một bằng chứng sống để chờ đợi và hy vọng. Chờ đợi những phép màu và nguyện cầu điều kỳ diệu sẽ xảy ra khi một ngày nào đó, con trai lưu lạc của họ bỗng khoác ba lô trở về.

Tháng 5 này, khi Điện Biên mùa hoa ban vừa tàn, bằng lăng và phượng rực lên màu nhớ. Tháng 5, cũng là dịp người dân khắp cả nước hành hương về Điện Biên một thời hoa lửa. Tự dưng, tôi cồn cào một nỗi nhớ. Tôi nhớ chú Thiện, nhớ cậu Thủy, nỗi nhớ vu vơ trong mênh mông thời gian. Không biết linh hồn của chú và cậu có tìm được đường về quê mẹ để an trú cùng tổ tiên nơi nhà mình. Song tôi tin một điều, trong núi rừng Tây Nguyên và đất trời Tây Bắc, trong đất mẹ Việt Nam anh hùng, có xương thịt của chú tôi, cậu tôi nằm lại hòa lẫn vào trời xanh mây trắng.

* Bài viết này dâng tặng hương hồn chú liệt sĩ Lê Khắc Thiện và cậu liệt sĩ Trần Văn Thủy cùng bà nội và bà ngoại tôi.

Như Bình

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/voi-voi-nhung-nho-thuong-i732488/