Volvo tuyên bố không tiếp tục đầu tư vào hãng xe điện Polestar
Volvo đang tìm cách nhượng lại cổ phần tại Polestar cho Geely và thay vào đó sẽ tập trung vào phát triển các mẫu xe điện thế hệ tiếp theo của riêng mình.
Video: Xem chi tiết xe MPV điện Volvo EM90 mới.
Giữa những thay đổi nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện toàn cầu, mới đây có thêm diễn biến phức tạp khi thương hiệu Volvo Cars tuyên bố đã quyết định ngừng hỗ trợ tài chính cho Polestar. Trong báo cáo tài chính chốt sổ năm 2023, Volvo cho biết hiện đang cân nhắc về việc bán lại hết toàn bộ cổ phần tại Polestar cho chính cổ đông lớn nhất của họ là hãng Geely của Trung Quốc.
Polestar là công ty sản xuất xe điện đặt trụ sở tại Thụy Điển, hiện đang được đồng sở hữu bởi Volvo và Geely. Nguồn gốc công ty này xuất phát từ đội đua xe thể thao Flash Engineering, sau đó đổi tên thành Polestar Racing và phát sinh thêm bộ phận độ xe hiệu năng cao là Polestar Performance AB, có mối quan hệ hợp tác sâu sắc với Volvo. Trong quá khứ, khá nhiều mẫu xe Volvo được gắn thêm nhãn hiệu “Polestar” để biểu thị phiên bản thể thao.
Năm 2015, Volvo mua lại Polestar rồi sau đó đến năm 2017 tách đơn vị này thành một công ty riêng, tập trung sản xuất xe điện dùng khung gầm và công nghệ Volvo. Tuy nhiên, toàn bộ dây chuyền lắp ráp xe Polestar đều diễn ra ở nhà máy tại các thành phố Thái Châu và Thành Đô, Trung Quốc. Do đó, hoàn toàn có thể coi Polestar là nhãn hiệu xe điện Trung Quốc “đội lốt” châu Âu.
Tính đến nay, Polestar đã cho ra mắt được 3 mẫu xe hoàn chỉnh, trong đó mẫu đầu tiên là Polestar 1 xuất hiện năm 2019 dưới dạng xe hybrid sạc điện và đã ngưng sản xuất từ 2022. Các mẫu tiếp theo gồm Polestar 2 (ra mắt 2020) và Polestar 3 (ra mắt 2023) đều là xe thuần điện. Polestar 3 còn là mẫu xe đầu tiên của thương hiệu này được sản xuất ở một địa điểm ngoài phạm vi Trung Quốc, đó là tại nhà máy Ridgeville, bang South Carolina, Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, thực tế thị trường xe điện đang cạnh tranh gay gắt và Polestar đã phải vật lộn để tạo ra dấu ấn, nhưng chưa thực sự thành công. Nhãn hiệu này từng thông báo rằng họ đã không đạt được mục tiêu doanh số năm 2023, vốn đã được điều chỉnh giảm xuống so với kỳ vọng ban đầu.
Điều này dẫn đến quyết định của Volvo nhằm bán lại hết toàn bộ 48% lượng cổ phần tại Polestar cho Geely. Khi đó, tập đoàn sản xuất xe Trung Quốc sẽ nằm quyền chi phối chủ đạo đối với Polestar, còn Volvo sẽ không phải chịu trách nhiệm nữa. Tuy nhiên, hãng xe Thụy Điển vẫn bày tỏ hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác với Polestar ở các khía cạnh như nghiên cứu & phát triển, sản xuất và cả hậu mãi – tức là xe Polestar vẫn có thể đến các đại lý Volvo để bảo dưỡng.
Động thái này đã nhận được phản ứng tích cực từ các nhà đầu tư, khi giá cổ phiếu của Volvo đã tăng thêm 40% ngay sau khi thông báo được đưa ra. Về phần Polestar, mặc dù tương lai chưa thể nhận định rõ, nhưng giới phân tích cho rằng đây cũng là điều tốt. Polestar từng được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2022 nhưng giá cổ phiếu đã giảm tới 83% kể từ thời điểm đó đến nay. Việc Volvo đóng vai trò là cổ đông chính của Polestar dường như lại là lực cản đối với nhãn hiệu non trẻ này.
Polestar bày tỏ sự hào hứng với triển vọng Geely Holding Sweden trở thành cổ đông trực tiếp mới. Thomas Ingenlath, Giám đốc điều hành của Polestar, nhận xét: “Chúng tôi đang ở trong một thời khắc chuyển giao vô cùng đặc biệt. Danh mục sản phẩm xe hiệu năng cao độc quyền của Polestar vẫn đang liên tục mở rộng, Polestar 3 sẽ bắt đầu giao hàng cho khách hàng vào mùa hè này còn mẫu tiếp theo là Polestar 4 có thể sớm bán ra tại Trung Quốc, Châu Âu và Úc. Chúng tôi háo hức mong đợi sự gắn kết tốt hơn với Geely, cũng như tiếp tục duy trì hợp tác với Volvo Cars để hướng tới tương lai.”
Trong khi đó, Volvo coi như sẽ không sử dụng Polestar như một phương thức thử nghiệm các sản phẩm xe điện nữa, mà sẽ tự phát triển xe điện dưới nhãn hiệu của riêng mình. Hãng Thụy Điển này sẽ đầu tư vào công nghệ pin xe điện và mô-tơ điện tốt hơn, cũng như “học hỏi” công nghệ đúc khuôn tiên tiến giống như Giga-press của Tesla.