Vòm nhiệt, lửa dữ và cuộc chiến chống nghịch cảnh
Bầu trời châu Âu những ngày này không còn là màu xanh hy vọng, mà phủ một lớp mờ đục của khói lửa và hơi nóng bốc lên ngột ngạt. Một đợt nắng nóng chưa từng có trong lịch sử đang thiêu đốt lục địa già, biến những vùng đất trù phú thành 'chảo lửa', đẩy hàng nghìn người vào cảnh ly tán, cướp đi sinh mạng và để lại những vết thương sâu hoắm trên thân thể thiên nhiên.
Nhưng ẩn sau thảm họa hiện hữu này là một câu chuyện sâu sắc hơn về mối liên hệ nhân quả không thể chối bỏ và một nghịch lý đau đớn: Con người đang phải đối mặt với chính những hậu quả do mình gây ra, trong một cuộc chiến mà kẻ thù lớn nhất có lẽ nằm ở bên trong.
Hiện trường thảm họa hiện lên khắp lục địa trong sự hỗn loạn và đau thương. Tại Hy Lạp, hình ảnh người dân trên đảo Crete hoảng loạn di tản trong đêm, dưới ánh lửa rừng cháy dữ dội chiếu rọi những gương mặt như phủ đầy tro bụi và tuyệt vọng, là minh chứng cho sức tàn phá của ngọn lửa. Tiếng trực thăng gầm rú trên bầu trời Athens như những con chim lửa vô vọng trước biển lửa ở Koropi, nơi hàng trăm người phải bỏ nhà cửa. Càng thê lương hơn là cảnh tượng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi tỉnh Izmir được báo chí địa phương ví như “địa ngục đỏ rực giữa mùa Hè”.

Một du khách giải nhiệt tại đài phun nước Trocadero bên cạnh tháp Eiffel khi đợt nắng nóng đầu hè tràn qua Paris, Pháp, ngày 1/7. Ảnh: Reuters
Hơn 10.000ha rừng thành tro tàn chỉ trong chớp mắt, hàng chục ngôi làng biến mất, hàng chục nghìn người mất nhà cửa trong tích tắc. Khói mù từ những đám cháy rừng này bao trùm Địa Trung Hải, vẽ nên một bức tranh ảm đạm về sự tàn phá. Lửa dữ đang hoành hành, nhưng nó chỉ là một phần của bi kịch. Không dừng lại ở hỏa hoạn, sức nóng ngột ngạt - sản phẩm trực tiếp của hiện tượng khí tượng đáng sợ đằng sau - còn trực tiếp giáng xuống cuộc sống đô thị, trở thành bản án tử với những người dễ tổn thương. Nhiệt kế tại Tây Ban Nha, đặc biệt là Badajoz và Sevilla, đã chạm ngưỡng kinh hoàng 45,8°C, trong khi vùng nội địa Alentejo của Bồ Đào Nha ghi nhận mức 46°C. Con số 341 ca tử vong liên quan đến nhiệt chỉ riêng tại Tây Ban Nha kể từ đầu tháng 6 là minh chứng đau lòng cho sự khắc nghiệt này. Hậu quả là các thành phố lớn buộc phải áp dụng biện pháp quyết liệt. Đường phố Pháp và Italy chìm trong sự im lặng đáng sợ trong khung giờ cao điểm từ 11h-17h, khi lệnh cảnh báo đỏ buộc mọi người phải trốn chạy cái nóng như trốn một kẻ thù vô hình. Hơn 2.000 trường học ở Pháp đóng cửa im lìm, trở thành biểu tượng cho sự gián đoạn của cuộc sống thường nhật. Tại Italy, 20/27 thành phố được xếp vào vùng “rất nguy hiểm”. Tác động của cái nóngcòn lan xa, gây đứt gãy kinh tế một cách bất ngờ. Điển hình là, tại Hungary, mực nước sông Danube, huyết mạch giao thương, cạn kiệt đến mức các tàu chở hàng chỉ còn hoạt động 30-40% công suất, buộc phải bỏ lại hơn nửa hàng hóa trên bến. Hậu quả tất yếu là chi phí vận chuyển tăng vọt tới 100%, một cú đánh trực diện vào giá cả tiêu dùng và chuỗi cung ứng vốn đã mong manh. Rõ ràng, sức nóng không chỉ đốt cháy rừng, mà còn “đốt” cả nền kinh tế.
Vậy đâu là thủ phạm đằng sau thảm họa kép khủng khiếp và kéo dài này? Câu trả lời nằm ở một hiện tượng khoa học đáng sợ: Vòm nhiệt (heat dome). Hãy hình dung một cái nắp nồi khổng lồ, vô hình, đang chụp chặt lên Tây và Nam Âu. Cái nắp đó được tạo ra từ chính sự nóng lên dị thường của nước biển Địa Trung Hải, cao hơn tới 6°C so với bình thường. Luồng hơi nóng bốc lên từ mặt biển ấm này tạo thành một mái vòm khổng lồ trong khí quyển, như một bức tường thành vô hình. Điều nguy hiểm là bức tường này không chỉ tỏa nhiệt, mà còn ngăn chặn hoàn toàn những luồng gió mát từ Đại Tây Dương thổi vào. Không khí nóng bị mắc kẹt bên dưới, liên tục bị nén và hâm nóng thêm, giống như trong một lò nướng khổng lồ bị đóng kín cửa. Đó chính là lý do tại sao đợt nắng nóng này không những khủng khiếp về cường độ mà còn kéo dài bất thường. Quan trọng hơn, các nhà khoa học khẳng định mối liên hê không thể chối cãi giữa hiện tượng này và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Như bà Kirsty McCabe, nhà khí tượng học tại Hiệp hội Khí tượng Hoàng gia, phân tích rõ: “Nếu bạn xem xét nhiệt độ trong nhiều thập niên trước, chúng ta có thể thấy rằng khả năng xảy ra đợt nắng nóng khủng khiếp và kéo dài như hiện nay đã cao gấp ba đến năm lần do tác động của biến đổi khí hậu... Chúng ta đang hứng chịu hậu quả trực tiếp từ những hành động của chính mình”. Điều này có nghĩa, những kỷ lục nhiệt độ đang bị phá vỡ không đơn thuần là “thời tiết xấu”, mà chính là “triệu chứng sốt cao” của một hành tinh đang lâm bệnh nặng vì hoạt động của con người. Vòm nhiệt này, vì thế, không phải là sự trừng phạt của tự nhiên, mà là tấm gương phản chiếu hậu quả từ cách chúng ta vận hành thế giới.
Do đó, thông điệp từ thảm họa này vang lên đanh thép và rõ ràng: Những gì châu Âu đang trải qua là hiện thân không thể chối cãi của khủng hoảng khí hậu. Nó không còn là viễn cảnh xa vời, mà là bản án hiện hữu với sức hủy diệt khủng khiếp và không chừa một ai. Đối mặt với thực tế này, hành động khẩn cấp của chính phủ các nước - từ ứng phó thảm họa, đầu tư vào hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng chống chịu, đến đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng sạch - là không thể trì hoãn. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Cuộc khủng hoảng có gốc rễ sâu xa từ cách chúng ta sống, tiêu dùng và vận hành xã hội.Vì vậy, sự thay đổi cơ bản trong nhận thức, thói quen và lựa chọn tiêu dùng của mỗi người dân - từ việc tiết kiệm năng lượng, giảm lãng phí thực phẩm, lựa chọn phương tiện di chuyển, đến tiếng nói ủng hộ các chính sách xanh - mới là chìa khóa căn cơ để chuyển hướng tương lai. Và đây chính là nơi cuộc chiến chống lại chính mình trở nên rõ nét và đau đớn nhất. Trớ trêu thay, ngay khi hậu quả của biến đổi khí hậu hiển hiện rõ ràng và khắc nghiệt nhất trên da thịt người dân, làn sóng hoài nghi và phản đối các chính sách khí hậu lại đang gia tăng tại chính lục địa tiên phong này. Nghịch lý ở chỗ, các đảng cực hữu ở Pháp, Đức, Bỉ đang khéo léo lợi dụng nỗi lo về chi phí sinh hoạt leo thang, đặc biệt là giá năng lượng (vốn cũng có nguyên nhân sâu xa từ khủng hoảng địa chính trị và sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch), để gieo rắc sự hoài nghi về khoa học khí hậu và công kích các chương trình chuyển đổi xanh như Thỏa thuận Xanh châu Âu. Họ biến những giải pháp cấp thiết cho sự sống còn lâu dài thành gánh nặng tài chính không đáng có trong mắt một bộ phận người dân đang mệt mỏi vì khủng hoảng chồng chất. Đúng như tờ The Guardian nhận định, một “cuộc chiến tranh về sự thật” đang diễn ra quyết liệt - giữa thực tế phũ phàng mà người dân đang phải gánh chịu (nắng nóng, cháy rừng, mất mùa, giá cả tăng cao) và những luận điệu dối trá, xuyên tạc mà họ bị dẫn dắt để tin theo. Khoảng cách giữa trải nghiệm thực tế và niềm tin bị định hướng sai lệch này chính là rào cản nguy hiểm nhất cho hành động tập thể cần thiết. Chúng ta đang tự cản đường cứu lấy chính mình.
Tro tàn từ những cánh rừng Địa Trung Hải vẫn còn nóng hổi. Hơi thở ngột ngạt trên những đường phố châu Âu vẫn chưa tan. Những con số tử vong vẫn là vết thương nhức nhối. Đợt nắng nóng kỷ lục năm 2025 sẽ đi vào lịch sử như một lời cảnh báo thép. Nó đặt châu Âu, và rộng hơn là cả nhân loại, trước một lựa chọn không khoan nhượng: Tiếp tục cuộc chiến chống lại chính những định kiến, lợi ích ngắn hạn và hệ thống đã tạo ra thảm họa, hay buông xuôi để nhận lấy những mùa hè “thiêu đốt” ngày càng khốc liệt, nơi vòm nhiệt ngày một dày đặc và lửa dữ ngày một hung tàn? Câu trả lời phụ thuộc vào việc chúng ta có đủ dũng khí để thực sự thay đổi, cả bên ngoài lẫn bên trong, trước khi quá muộn.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/vom-nhiet-lua-du-va-cuoc-chien-chong-nghich-canh-i773859/