Vòm Vàng: Nỗ lực khổng lồ bảo vệ nước Mỹ và tác động nguy hiểm - Kỳ cuối

Lá chắn tên lửa Vòm Vàng (Golden Dome) là một kế hoạch vô cùng tham vọng và tốn kém, có thể mang lại những tác động sâu rộng vượt xa mục tiêu bảo vệ bầu trời nước Mỹ.

Cuộc chạy đua vũ trang khiến không gian ngày càng nguy hiểm

Đồ họa về phạm vi bao phủ của các thành phần hiện có trong kiến trúc phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ, cả bên trong lãnh thổ Mỹ và tại các vị trí triển khai tiền phương trên khắp thế giới. Nguồn: Quân đội Mỹ

Đồ họa về phạm vi bao phủ của các thành phần hiện có trong kiến trúc phòng thủ tên lửa của quân đội Mỹ, cả bên trong lãnh thổ Mỹ và tại các vị trí triển khai tiền phương trên khắp thế giới. Nguồn: Quân đội Mỹ

Theo tuyên bố của ông Trump, Canada muốn tham gia sáng kiến Vòm Vàng với tư cách là đối tác trong Bộ Chỉ huy Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD) Mỹ - Canada. “Canada đã gọi cho chúng tôi và họ muốn tham gia”, ông Trump nói, đồng thời nhấn mạnh rằng: “Vì vậy chúng tôi sẽ đàm phán với họ. Họ cũng muốn được bảo vệ. Và như thường lệ, chúng tôi sẽ giúp Canada hết sức có thể”.

Như tin đã đưa tin, Tướng Không quân Mỹ Gregory Guillot, sĩ quan quân sự hàng đầu giám sát các hoạt động tại Bắc Mỹ, từng nói rằng ông hoan nghênh sự tham gia của Canada trong việc mở rộng nỗ lực phòng thủ tên lửa lục địa, bao gồm cả trong không gian.

Vòm Vàng không phải là nỗ lực đầu tiên của quân đội Mỹ nhằm phát triển và triển khai năng lực đánh chặn tên lửa từ không gian. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực trước đó đã bị từ bỏ do những phức tạp kỹ thuật và chi phí cao. Vũ khí không gian từng là yếu tố then chốt trong Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược (SDI) thời Tổng thống Reagan – nổi tiếng với cái tên “Chiến tranh giữa các vì sao”, nhưng chưa bao giờ đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của nó. Hồi tháng 3/2025, Tướng Saltzman thừa nhận những thách thức đó, nhưng cũng khẳng định ông tin rằng chúng có thể vượt qua.

“Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều thách thức kỹ thuật”, Tướng Saltzman và bày tỏ rằng ông “rất ấn tượng với tinh thần đổi mới của ngành công nghiệp không gian Mỹ” và “khá tin tưởng rằng chúng ta sẽ có thể giải quyết được các vấn đề kỹ thuật đó”.

Tướng Saltzman gần đây gợi ý rằng chi phí của Vòm Vàng có thể vượt quá nửa nghìn tỷ USD.

Tướng Saltzman đã đưa ra dự đoán này trong một sự kiện của POLITICO vào tuần trước khi được hỏi liệu con số ước tính 542 tỷ USD của Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) cho hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không chủ yếu dựa vào không gian có phải là quá cao không.

“Tôi đã làm việc trong lĩnh vực này 34 năm rồi; tôi chưa từng thấy một ước tính ban đầu nào là quá cao,” Saltzman đáp. “Cảm giác của tôi là sẽ cần thêm nguồn tài trợ”.

Trước đó, theo CNN. Lầu Năm Góc đã gửi lên Nhà Trắng ba phương án tài chính – nhỏ, trung bình và lớn – để phát triển hệ thống Vòm Vàng.

“Bộ Quốc phòng đã phát triển một kiến trúc dự thảo và kế hoạch triển khai hệ thống Vòm Vàng nhằm bảo vệ người dân Mỹ và lãnh thổ nước ta khỏi một loạt các mối đe dọa tên lửa toàn cầu”, người phát ngôn chính và Cố vấn cao cấp của Lầu Năm Góc Sean Parnell cho biết trong một tuyên bố với CNN. “Bộ trưởng Quốc phòng và các lãnh đạo khác của Bộ đã trao đổi với Tổng thống để trình bày các phương án và sẽ sớm công bố con đường phía trước”.

Như đã đưa tin trước đó, một trong những hành động chính thức đầu tiên của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ hai là yêu cầu quân đội Mỹ tiến hành các kế hoạch mở rộng đáng kể kiến trúc phòng thủ tên lửa. Hệ thống này ban đầu được đặt tên là “Iron Dome” (Vòm Sắt), đáng chú ý với lời kêu gọi phát triển các bộ đánh chặn tên lửa từ không gian. Ý tưởng này được ông Trump đề cập trong chiến dịch tranh cử và chính thức hóa bằng sắc lệnh hành pháp ký ngày 27/1.

Sắc lệnh kêu gọi xây dựng một “lá chắn phòng thủ tên lửa thế hệ tiếp theo” bao gồm, tối thiểu, kế hoạch cho tám thành phần sau:

- Phòng thủ Mỹ trước các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm, tên lửa hành trình tiên tiến và các loại tấn công đường không thế hệ mới từ các đối thủ ngang hàng, cận ngang hàng và các quốc gia bất hảo;

- Đẩy nhanh việc triển khai lớp Cảm biến Không gian theo dõi tên lửa siêu vượt âm và đạn đạo;

- Phát triển và triển khai các bộ đánh chặn đặt trong không gian với khả năng đánh chặn trong giai đoạn tăng tốc;

- Triển khai năng lực đánh chặn ở giai đoạn cuối và tầng dưới để đối phó với các cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu dân sự;

- Phát triển và triển khai tầng kiểm soát trong Kiến trúc Không gian tác chiến phổ cập;

- Phát triển và triển khai năng lực đánh bại các cuộc tấn công tên lửa ngay từ trước khi phóng và trong giai đoạn tăng tốc;

- Phát triển và triển khai chuỗi cung ứng an toàn cho tất cả các thành phần với các tính năng an ninh và khả năng chống chịu thế hệ mới;

- Phát triển và triển khai năng lực phi động năng để hỗ trợ tiêu diệt các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa siêu vượt âm, tên lửa hành trình tiên tiến và các loại tấn công đường không thế hệ tiếp theo.

Tóm lại, Vòm Vàng sẽ là một nỗ lực khổng lồ với nhiều rủi ro về công nghệ và trong quá trình triển khai. Bất kể những tuyên bố trong buổi giới thiệu thì việc tích hợp hệ thống này sẽ mất rất nhiều thời gian, và tất cả các thành phần của nó sẽ cần được cập nhật liên tục và phát triển không ngừng để đảm bảo vẫn giữ được hiệu quả, chứ chưa nói đến việc vận hành cơ bản.

Chi phí phát triển, mua sắm và triển khai Vòm Vàng chỉ là một phần trong bức tranh tài chính tổng thể lớn hơn. Khi đã được triển khai, hệ thống sẽ cần được bảo trì, vận hành, và liên tục nâng cấp trong bối cảnh công nghệ và mối đe dọa không ngừng phát triển.

Điều này xảy ra vào thời điểm quân đội Mỹ đang đối mặt với các ưu tiên cạnh tranh và không có đủ ngân sách để chi trả cho tất cả, kể cả những chương trình quan trọng. Việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân là một trong những chi phí lớn mà quân đội đang vật lộn để chi trả hiện nay.

Vì vậy, dù có khoản kích thích ban đầu 25 tỷ USD cho năm tài khóa 2026 để khởi động Vòm Vàng – cùng với kinh phí cho các chương trình cạnh tranh khác – việc duy trì dòng tiền ổn định trong nhiều năm sau đó là điều không chắc chắn, đặc biệt trong bối cảnh thâm hụt ngân sách ngày càng tăng.

Tác động chiến lược của Vòm Vàng cũng đáng được xem xét.

Phòng thủ tên lửa chiến lược, đặc biệt ở quy mô lớn, đặt ra câu hỏi về khả năng răn đe của các đối thủ. Dù điều đó nghe có vẻ tích cực, nhưng thực tế, đối thủ sẽ làm mọi cách để vượt qua kiến trúc phòng thủ này. Điều đó có thể bao gồm việc sản xuất nhiều tên lửa hơn và nhiều đầu đạn hạt nhân hơn nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ.

Nói cách khác, sự tồn tại của một lá chắn phòng thủ tên lửa chiến lược quy mô lớn có thể dẫn đến sự phổ biến vũ khí mất kiểm soát. Thông thường, việc sản xuất thêm nhiều vũ khí để tấn công nhanh hơn sẽ rẻ hơn nhiều so với việc xây dựng và triển khai các bộ đánh chặn để ngăn chặn chúng.

Phương trình này có thể thay đổi nếu sử dụng các hệ thống năng lượng định hướng trong không gian hoặc các công nghệ đặc biệt khác không dựa vào bộ đánh chặn truyền thống, nhưng những công nghệ đó rất tốn kém, đầy rủi ro (hoặc hiện vẫn bất khả thi), và đòi hỏi chi phí lớn để duy trì trên quỹ đạo.

Việc vượt qua các hệ thống phòng thủ chiến lược hiện nay đã trở thành một nỗ lực rất thực tế đối với Liên bang Nga và, ở mức độ thấp hơn, Trung Quốc. Điều này đang diễn ra trong bối cảnh lá chắn tên lửa chiến lược hiện tại của Mỹ còn tương đối yếu, chỉ phù hợp để chống lại các cuộc tấn công quy mô nhỏ từ các quốc gia phi truyền thống.

Việc vũ khí hóa không gian, bao gồm cả việc đặt vũ khí động năng vào quỹ đạo, cũng là điều cần được cân nhắc. Tiền lệ này sẽ thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang vốn đã gia tăng mạnh mẽ trên quỹ đạo và sẽ làm tăng tốc độ phát triển các năng lực đối kháng không gian từ các đối thủ hàng đầu của Mỹ.

Trong khi không gian với tư cách là một chiến trường ngày càng trở thành hiện thực, thì dự án Golden Dome có thể khiến nơi đây trở nên nguy hiểm hơn nhiều so với hiện tại.

Nỗi lo sợ và sự nghi ngờ mà các hệ thống phòng thủ tên lửa này gây ra cho các đối thủ đã từng dẫn đến những phản ứng thái quá trong quá khứ. Việc xây dựng các loại vũ khí chiến lược nhằm vượt qua các năng lực phòng thủ đã được thiết lập là một hình thức phổ biến vũ khí mới rất khó đối phó.

Ngư lôi không người lái hạt nhân Status-6 và tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân của Liên bang Nga là hai ví dụ, cũng như các khái niệm oanh tạc quỹ đạo phân đoạn (FOBS), trong số những thứ khác.

Việc thực sự bố trí đầu đạn hạt nhân trong quỹ đạo là một khả năng khác mà Liên bang Nga có vẻ đang tích cực theo đuổi. Nếu một phương thức truyền thống để phóng đầu đạn hạt nhân bị ngăn chặn hoặc bị đe dọa nghiêm trọng, một phương thức khác sẽ được tìm kiếm – điều này làm rối loạn khả năng dự đoán chiến lược và khiến việc phòng thủ chống lại một cuộc tấn công hạt nhân trở nên tốn kém hơn nhiều.

Đầu tháng này, Trung Quốc và Liên bang Nga đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó có phần lên án dự án Golden Dome, cho rằng dự án này “tạo thêm động lực cho việc phát triển các phương tiện động năng và phi động năng nhằm đánh chặn tên lửa ngay trước khi chúng được phóng và cả hạ tầng hỗ trợ việc sử dụng các loại vũ khí này.

Tình hình “còn trở nên trầm trọng hơn bởi thực tế rằng chương trình ‘Golden (Iron) Dome for America’ cũng trực tiếp dự kiến việc tăng cường đáng kể kho vũ khí để tiến hành các hoạt động chiến đấu trong không gian, bao gồm phát triển và triển khai trên quỹ đạo các hệ thống đánh chặn, biến không gian vũ trụ thành một môi trường đặt vũ khí và một đấu trường cho các cuộc đối đầu vũ trang”.

Một số người cũng sẽ cho rằng việc chi hàng trăm tỷ USD để triển khai hệ thống này lẽ ra nên được sử dụng cho các năng lực chiến lược và thông thường khác, điều có thể hiệu quả hơn nhiều trong việc răn đe các cuộc tấn công ngay từ đầu, thay vì tạo ra một lá chắn phòng thủ tên lửa khổng lồ và cố định.

Tuy nhiên, thế giới rõ ràng đang trong một thời kỳ đầy biến động khi các đối thủ cũ trỗi dậy trở lại và một siêu cường mới đang tăng tốc phổ biến hạt nhân một cách chóng mặt.

Nếu có bất kỳ bên nào thực sự được hưởng lợi từ Golden Dome, thì đó chính là ngành công nghiệp quốc phòng. Đây là một dự án khổng lồ, đòi hỏi một lượng lớn ngân sách mới để thậm chí bắt đầu hiện thực hóa. Kế hoạch này không hề có trong nghị trình trước khi ông Trump nhậm chức, do đó chúng ta đang nói đến hàng loạt chương trình hoàn toàn mới sẽ tiêu tốn hàng chục tỷ USD cả cho nghiên cứu, phát triển và mua sắm – những chương trình vốn không hề tồn tại trước đó.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thuộc bang Alaska Dan Sullivan đã đưa ra cái nhìn sơ bộ về các nhà thầu có thể quan tâm đến Golden Dome.

“Khi nhìn vào hệ thống mà ngài đã đề ra, ý tưởng về sắc lệnh hành pháp của ngài về một hệ thống phòng thủ nhiều tầng”, ông nói trong buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm thứ Ba (20/5). “Ngài có các hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất ban đầu – được sản xuất bởi một số công ty quốc phòng lớn như Lockheed Martin, Raytheon – nhưng điểm nổi bật trong tầm nhìn của ngài, thưa ngài Tổng thống, là hệ thống này có kiến trúc mở, đa tầng và mở rộng ra cả không gian. Vì vậy, điều này sẽ thu hút các công ty công nghệ quốc phòng mới, những công ty rất quan tâm và có thể đưa ra các giải pháp phòng thủ tên lửa với chi phí thấp đến mức khó tin như ngài đã đề cập”.

Cụ thể hơn, theo Reuters, “SpaceX của Elon Musk và hai đối tác đã nổi lên là các ứng cử viên hàng đầu để giành phần then chốt trong dự án Golden Dome”. “Công ty tên lửa và vệ tinh của Musk đang hợp tác với công ty phần mềm Palantir và nhà sản xuất UAV Anduril để tham gia đấu thầu xây dựng các bộ phận quan trọng của dự án này”.

Cuối cùng, cũng có khả năng rằng chỉ riêng việc Mỹ tuyên bố sẽ cố gắng xây dựng một hệ sinh thái phòng thủ chiến lược tinh vi như vậy cũng có thể thúc đẩy các đối thủ bước vào bàn đàm phán cắt giảm vũ khí chiến lược. Chúng ta đã chứng kiến sự suy giảm đều đặn của các hiệp ước hiện có – vốn từng giúp hạn chế phổ biến vũ khí hạt nhân giữa các cường quốc lớn. Mối đe dọa rằng Golden Dome sẽ trở thành hiện thực có thể thúc đẩy không chỉ Liên bang Nga mà đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia cho đến nay vẫn thiếu vắng trong các thỏa thuận chiến lược tiềm năng trong tương lai – tham gia. Cũng cần lưu ý rằng ông Trump luôn nhấn mạnh mối lo ngại của mình về vũ khí hạt nhân và mong muốn giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra tận thế hạt nhân thông qua một thỏa thuận cắt giảm vũ khí chiến lược mang tính toàn diện.

Ít nhất vào thời điểm hiện tại, chúng ta đã biết thêm về những gì đang được giới thiệu như là kế hoạch Golden Dome của chính quyền Trump. Việc liệu nó có trở thành hiện thực hay không sẽ cần nhiều năm nữa mới có thể thấy rõ.

Thành Nam/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/vom-vang-no-luc-khong-lo-bao-ve-nuoc-my-va-tac-dong-nguy-hiem-ky-cuoi-20250525122228485.htm