Vốn chính sách mang lại sinh kế bền vững cho người dân

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long, huyện Châu Phú cho biết, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện để người dân địa phương phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm.

Chị Phạm Thị Thanh Tú (43 tuổi, xã Bình Long, huyện Châu Phú) mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH mở xưởng may gia công, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Chị Phạm Thị Thanh Tú (43 tuổi, xã Bình Long, huyện Châu Phú) mạnh dạn vay 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH mở xưởng may gia công, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Nhờ tiếp cận hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nghèo, cận nghèo tại An Giang đã mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chương trình tín dụng chính sách đã mở ra cơ hội "đổi đời" cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Nhiều năm trước, gia đình chị Phạm Thị Thanh Tú (43 tuổi, ngụ ấp Bình Thắng, xã Bình Long, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) thuộc diện hộ cận nghèo. Cuộc sống gia đình chị Tú chỉ trông chờ vào vài công ruộng và công việc may vá thuê không ổn định. Cuối năm 2024, chị Tú quyết định khởi nghiệp vay 100 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Châu Phú để mở xưởng may gia công.

Chị Tú cho biết, với vốn ưu đãi trong 5 năm, lãi suất 0,66%/tháng, chị mạnh dạn đầu tư mua 8 máy may, máy vắt sổ. Sau đó chị cùng chồng lên thị xã Tịnh Biên (An Giang) nhận chân váy về may gia công, giao cho xưởng xuất khẩu sang thị trường Campuchia.

Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, chỉ sau vài tháng, cơ sở may của chị Tú liên tục mở rộng sản xuất. Hiện gia đình chị Tú đã thoát nghèo với thu nhập ổn định từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Không chỉ cải thiện kinh tế gia đình, xưởng may của chị Tú còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Ông Trương Thái Huy, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Long, huyện Châu Phú cho biết, nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện để người dân địa phương phát triển kinh tế, mở rộng sản xuất, tạo việc làm. Hiện trên địa bàn xã Bình Long có 267 hội viên tiếp cận nguồn vốn vay; trong đó, 23 hộ nghèo và cận nghèo sử dụng vốn để chăn nuôi, may gia công, kinh doanh, làm vườn… Nhờ nguồn vốn chính sách, trên 90% hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đã vươn lên thoát nghèo.

Tương tự chị Tú, trước đây ông Lý Văn Sang (44 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Tiến, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) là thợ mộc làm thuê khắp nơi với thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2024, ông Sang mạnh dạn vay hai đợt vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng số tiền 120 triệu đồng (50 triệu đồng đợt đầu và 70 triệu đồng đợt sau). Có được nguồn vốn vay ưu đãi, ông Sang trở về địa phương làm ăn, mở rộng xưởng mộc.

Với số tiền vay được, ông Sang mua máy móc, nhập nguyên vật liệu như: gỗ thao lao, trắc, căm xe… để sản xuất các sản phẩm nội thất như: giường, tủ, bàn, ghế… bán ở địa phương. Từ một cơ sở nhỏ lẻ, đến nay xưởng mộc của ông Sang phát triển ổn định, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Ông Lý Văn Sang (44 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) vay vốn từ Ngân hàng CSXH để mở rộng xưởng mộc, vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Ông Lý Văn Sang (44 tuổi, ngụ thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) vay vốn từ Ngân hàng CSXH để mở rộng xưởng mộc, vươn lên thoát nghèo hiệu quả. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN

Ông Sang cho biết, mỗi tháng, xưởng mộc mang lại doanh thu từ 40 đến 50 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, ông còn lãi từ 10 đến 15 triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí ăn uống sinh hoạt số tiền còn lại tôi tiếp tục tái đầu tư mua gỗ, máy móc. Hiện các sản phẩm từ xưởng mộc của tôi không chỉ tiêu thụ tại địa phương mà còn bán sang từ các tỉnh lân cận như: Cần Thơ, Đồng Tháp... Hiện đơn hàng liên tục, xưởng tôi làm không kịp để giao cho khách. Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi mới có cơ hội mở rộng quy mô sản xuất, có thu nhập ổn định và có điều kiện cho hai con ăn học đến nơi đến chốn.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh An Giang, năm 2024 ngân hàng đã giải ngân hơn 1.687 tỷ đồng cho gần 35.100 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn An Giang vay vốn. Nhiều hộ dân đã tận dụng vốn vay để mở rộng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, qua đó không chỉ thoát nghèo mà còn tích lũy được vốn, phát triển kinh tế gia đình.

Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cho người dân An Giang; trong đó, nguồn vốn đã tạo việc làm cho gần 5.500 lao động; hỗ trợ 4.540 lượt học sinh, sinh viên khó khăn tiếp tục học tập, giúp 190 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và giải ngân cho gần 13.900 lượt hộ vay vốn để xây dựng, sửa chữa công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn.

Tính đến hết 30/4/2025, tổng dư nợ nguồn vốn cho vay tại An Giang đạt 6.104 tỷ đồng, tăng 559 tỷ đồng so với năm 2024; trong đó, năm 2025 nguồn vốn được trung ương giao tăng trưởng là 616 tỷ đồng, nguồn vốn ủy thác từ địa phương giao tăng trưởng là 169 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang đã nhanh chóng tham mưu phân bổ cho các địa phương để giải ngân kịp thời. Từ nguồn vốn ủy thác từ địa phương hỗ trợ lao động tự tạo việc làm tại chỗ chiếm tới 31,53% tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Ông Trần Thế Loan, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh An Giang cho biết, các chương trình tín dụng chính sách tiếp tục là công cụ quan trọng trong giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, đẩy lùi tín dụng đen và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại An Giang. Nhờ nguồn tín dụng chính sách đã có hơn 2.800 hộ dân tại An Giang thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 2,07% năm 2023 xuống còn 1,52% năm 2024.

"Nguồn vốn chính sách đã và đang góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội tại An Giang. Đây thực sự là "đòn bẩy" giúp người dân nghèo có cơ hội vươn lên, ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương", ông Loan cho biết.

Không chỉ giúp người dân phát triển sinh kế, nguồn vốn vay ưu đãi góp phần tích cực giúp An Giang thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Nhiều huyện biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú… ghi nhận tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống người dân ngày càng được cải thiện. Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách tiếp tục là điểm tựa vững chắc, là động lực quan trọng giúp người dân An Giang vượt khó vươn lên, hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Thanh Sang/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/von-chinh-sach-mang-lai-sinh-ke-ben-vung-cho-nguoi-dan/373761.html