Vốn đầu tư toàn cầu tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số
Thị trường vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu tiếp tục chứng kiến những biến động đáng kể, phản ánh sự chuyển dịch trong chiến lược đầu tư của các quốc gia và doanh nghiệp trước bối cảnh kinh tế, địa chính trị và công nghệ phức tạp.
Theo báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), dòng vốn FDI toàn cầu năm 2023 đạt 1.300 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước đó và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp suy giảm. Tuy nhiên, năm 2024 ghi nhận sự phục hồi nhẹ, với tổng vốn FDI toàn cầu đạt 1.370 tỷ USD. Trong nửa đầu năm 2025, xu hướng phục hồi tiếp tục được duy trì, với tổng vốn FDI đăng ký tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2024, chủ yếu nhờ sự phục hồi ở các thị trường mới nổi tại châu Á và một số khu vực ở châu Phi.
Năm 2025, dòng vốn FDI toàn cầu tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, kinh tế số và năng lượng tái tạo, phản ánh xu hướng chuyển đổi số và phát triển bền vững. Theo báo cáo của UNCTAD, vốn FDI vào các dự án tăng trưởng xanh tại các nước đang phát triển tăng mạnh trong mấy năm qua và xu hướng này được dự báo tiếp tục trong năm 2025. Các dự án lớn, như dự án hydro xanh trị giá 34 tỷ USD tại Mauritania là minh chứng cho sự chuyển hướng sang các lĩnh vực thân thiện với môi trường.
Các ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) và năng lượng tái tạo đang trở thành tâm điểm thu hút vốn. Các quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ và Singapore đang tận dụng lợi thế về nguồn nhân lực trẻ và chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn công nghệ lớn từ Mỹ, Nhật Bản và EU. Ví dụ, Việt Nam ghi nhận tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 21,52 tỷ USD, với 55,6% dòng vốn chảy vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, cùng với căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, đã thúc đẩy các doanh nghiệp đa quốc gia tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Các công ty Mỹ và châu Âu đang giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, với tỷ lệ dự án FDI của Mỹ tại Trung Quốc giảm từ 5,2% năm 2019 còn 1,8% năm 2023. Thay vào đó, các điểm đến như Việt Nam, Ấn Độ và Mexico đang nổi lên như những trung tâm sản xuất mới.
Một xu hướng đáng chú ý trong năm 2025 là việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT), được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thúc đẩy nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá và đảm bảo công bằng trong cạnh tranh thuế. Điều này đặt ra thách thức cho các quốc gia phụ thuộc vào ưu đãi thuế để thu hút FDI, nhưng đồng thời mở ra cơ hội để cải thiện tính minh bạch và bền vững của môi trường đầu tư.
Dòng vốn FDI từ các nước đang phát triển đang tăng nhanh hơn so với các nước phát triển, chiếm 6% tổng FDI toàn cầu vào năm 2023. Các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore đang mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt vào các thị trường Đông Nam Á và châu Phi. Điều này phản ánh sự chuyển dịch trong đầu tư toàn cầu, với các nền kinh tế mới nổi đóng vai trò ngày càng quan trọng.
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song dòng vốn FDI toàn cầu cũng đối mặt với một số thách thức lớn.
Thứ nhất, chất lượng kết cấu hạ tầng ở nhiều quốc gia đang phát triển vẫn là trở ngại.
Thứ hai, khoảng cách kỹ năng lao động là một vấn đề. Chẳng hạn, tại Việt Nam, chỉ 40% lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của công nghiệp 4.0.
Thứ ba, các bất cập trong môi trường pháp lý, mức độ minh bạch chưa cao.
Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị, như xung đột Nga-Ukraine và căng thẳng Mỹ-Trung, cũng tiếp tục ảnh hưởng đến dòng vốn FDI, khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến.