Vốn FDI chuyển dịch sang lĩnh vực bán lẻ

Thời gian gần đây, dòng tiền FDI vào Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ, đặc biệt là vào lĩnh vực bán lẻ.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới với quy mô và tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua.

Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới với quy mô và tốc độ tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua.

Thông tin từ ngân hàng Citibank Việt Nam, hiện dòng tiền đầu tư FDI vào Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ. Trong đó lĩnh vực bán lẻ đang nổi lên, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp từ Nhật Bản và Hàn Quốc, Thái Lan…

Theo đó, trước đây 68% doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam hướng tới lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên hiện tại con số này chỉ còn 50%. Điều này cho thấy thị trường nội địa đang được nhà đầu tư quan tâm hơn bao giờ hết.

Đơn cử như Matsukiyo đã liên doanh với Công ty CP Chế biến Thực phẩm Hoa Sen để thành lập Matsukiyo Việt Nam, mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM vào tháng 10/2020. Tính đến năm 2023, Matsukiyo đã có gần 10 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM, dự kiến mở thêm 15 cơ sở mới trong năm 2024.

Hay như AEON Mall, từ khi khai trương trung tâm thương mại đầu tiên tại TP.HCM vào năm 2014, đã mở rộng lên 8 đại siêu thị cùng hàng trăm điểm bán lẻ nhỏ lẻ. Nhờ chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, AEON Mall đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.

Không chỉ doanh nghiệp Nhật Bản mà các doanh nghiệp từ Hàn Quốc cũng đang có xu hướng đầu tư vào mảng bán lẻ tại thị trường nội địa. Điển hỉnh là sự phát triển của Lotte hay sự mở rộng của chuỗi bán lẻ GS25 trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Quỹ đầu tư quốc gia Singapore GIC và một số nhà đầu tư Thailand đang muốn mua 20% cổ phần của chuỗi cửa hàng bán lẻ lớn thứ ba Việt Nam - chuỗi Bách Hóa Xanh với định giá khoảng 1,5 - 1,7 tỷ USD. Central Retail, nhà bán lẻ Thái Lan đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỷ đồng vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong 5 năm tới, đặt mục tiêu nhân rộng điểm bán từ 40 tỉnh, thành phố hiện nay lên 55 tỉnh, thành phố cả nước, với khoảng 600 cửa hàng

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022, GDP của Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người ước đạt 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021.

Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt khoảng 6,6 nghìn USD, tăng gần 300 USD so với 2023, xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN-6 (Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan) và xếp thứ 124 trên toàn thế giới.

Số liệu của Bộ Công Thương cũng cho thấy tổng quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam đang ở mức 140 tỷ USD tại năm 2022. Tiềm năng của thị trường vẫn còn nhiều dư địa phát triển, dự kiến đạt 350 tỷ USD vào cuối năm 2025.

Dự báo về thị trường bán lẻ trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa là mảnh đất “màu mỡ” cho các nhà bán lẻ khi thu nhập bình quân của người dân ngày càng cao, tầng lớp trung lưu đang tăng rất nhanh, tỷ lệ tiêu dùng so với GDP của Việt Nam cũng thuộc loại cao so với các nước trong khu vực, trên 70%.

Vì vậy kỳ vọng ngành bán lẻ với tốc độ tăng trưởng cao sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP. Đồng thời chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ.

Hà An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/von-fdi-chuyen-dich-sang-linh-vuc-ban-le-153982.html