Vốn hóa Samsung Electronics tăng gấp 500 lần dưới thời ông Lee Kun Hee
Trong 27 năm dưới thời cố chủ tịch Lee Kun Hee, vốn hóa của Samsung Electronics tăng gấp 500 lần, còn lợi nhuận ròng tăng gấp 678 lần...
Theo hãng tin Yonhap, trong suốt 27 năm dưới sự lãnh đạo của cố chủ tịch Lee Kun Hee, vốn hóa của Samsung Electronics - tập đoàn lớn nhất hàn Quốc - đã tăng gấp 500 lần. Ông là người đã đưa Samsung từ một hãng sản xuất gia dụng nhỏ trở thành đế chế công nghệ hàng đầu thế giới.
Khi ông Lee Kun Hee tiếp quản Tập đoàn Samsung vào năm 1987, giá cổ phiếu Samsung Electronics giao dịch quanh mức 12.000 Won (10,6 USD) với vốn hóa khoảng 400 tỷ Won, kém xa nhiều các hãng công nghiệp hàng đầu Hàn Quốc thời đó như nhà sản xuất thép nay là POSCO, theo dữ liệu từ Sàn Chứng khoán Hàn Quốc. Năm đó, doanh thu của công ty đạt 2.300 tỷ Won với lợi nhuận ròng 34,5 tỷ Won.
Thời điểm ông Lee rời vị trí điều hành vì phải nhập viện sau cơn đau tim vào tháng 5/2014, vốn hóa của công ty này đạt 196.600 tỷ Won, còn giá cổ phiếu là 1,33 triệu Won. Doanh thu năm 2014 của Samsung Electronics đạt 206.200 tỷ Won, tăng gấp 87 lần so với năm 1987, còn lợi nhuận ròng tăng gấp 678 lần lên 23.400 tỷ Won trong cùng kỳ.
Từ đó đến nay, giá cổ phiếu Samsung Electronics tiếp tục tăng mạnh và có đợt chia tách cổ phiếu với tỷ lệ 50:1 vào năm 2018. Phiên giao dịch chiều 26/10, giá cổ phiếu này tăng nhẹ lên 60.400 Won/cổ phiếu, đạt vốn hóa hơn 360.000 tỷ Won (tương đương hơn 404 tỷ USD).
Sự trỗi dậy trở thành một trong những hãng công nghệ hàng đầu thế giới của Samsung Electronics có công lớn của cố chủ tịch Lee Kun Hee khi ông quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực sản xuất thiết bị bán dẫn.
Năm 1988, ông Lee sáp nhập Samsung Semiconductor & Telecommunications với Samsung Electronics để đẩy mạnh tập trung vào lĩnh vực này. Quyết định này sớm mang lại "trái ngọt" khi chỉ 4 năm sau đó, công ty cho ra mắt chíp nhớ DRAM 64M đầu tiên trên thế giới. Năm 1993, Samsung Electronics trở thành nhà sản xuất chíp hàng đầu thế giới.
Những thành công của Samsung Electronics trên thị trường chíp nhớ toàn cầu đã giúp giá cổ phiếu công ty lần đầu chạm mốc 100.000 Won/cổ phiếu vào năm 1995.
Cũng trong năm đó, Samsung Electronics giành được thị phần lớn nhất trên thị trường điện thoại di động Hàn Quốc.
Hoạt động kinh doanh chíp nhớ và điện thoại di động bùng nổ đã đưa Samsung Electronics trở thành công ty có vốn hóa lớn nhất Hàn Quốc vào năm 1999. Năm 2004, giá cổ phiếu công ty này vượt mốc 500.000 Won.
Khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007, đe dọa vị thế của Samsung Electronics trên thị trường diện thoại di động toàn cầu, công ty Hàn Quốc lập tức phản ứng với việc ra mắt dòng diện thoại di động thông minh (smartphone) Galaxy S vào năm 2010. Động thái này đẩy giá cổ phiếu của công ty lên 1 triệu Won vào tháng 1/2011. Quý 3/2011, Samsung Electronics vượt qua Apple trở thành công ty có thị phần smartphone lớn nhất thế giới khi trình làng Galaxy S2.
Ông Lee Kun Hee vừa qua đời ngày 25/10 sau thời gian dài bệnh tật, hưởng thọ 78 tuổi. Con trai của ông - Lee Jae Yong - được coi là người thừa kế đế chế Samsung kể từ năm 2014, chính thức tiếp quản vị trí điều hành tập đoàn.
Tuy nhiên, ông Lee Jae Yong phải đối mặt với nhiều thách thức khi giờ đây Samsung đang chật vật tìm cách thúc đẩy tăng trưởng. Trọng tâm của mảng phần cứng công nghệ mà Samsung từng thống trị dưới thời ông Lee Kun Hee giờ đây đã chuyển từ sản phẩm sang các phần mềm điều khiển chúng, như trí tuệ nhân tạo, ứng dụng di động hay dữ liệu người dùng.
Bên cạnh đó, Samsung cũng đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc khi các công ty này dần bắt kịp về tính năng và tạo đột phá với giá rẻ. Nhiều đối thủ có kinh nghiệm về dịch vụ hơn Samsung cũng bắt đầu lấn sân vào các mảng mà Samsung có vị thế dẫn đầu như smartphone.
Đó là chưa kể đến những rắc rối pháp lý xoay quanh ông Lee Jae Yong. Năm 2017, ông bị kết tội hối lộ cựu Tổng thống Hàn Quốc và bị tạm giữ gần một năm. Tháng trước, các công tố viên Hàn Quốc lại truy tố ông vì thao túng cổ phiếu và gian lận chứng toán. Đến nay, Phó chủ tịch Samsung Electronics phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc này.