Vốn ngân hàng tiếp sức người dân Giao Thủy phát triển kinh tế

Những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng hành của các tổ chức tín dụng, nhiều hộ dân khu vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện Giao Thủy đã được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn vốn vay của Agribank Giao Thủy đã giúp gia đình ông Lưu Công Luân ở xóm 1, xã Giao Tiến phát triển sản xuất kim khí đem lại thu nhập khá.

Nguồn vốn vay của Agribank Giao Thủy đã giúp gia đình ông Lưu Công Luân ở xóm 1, xã Giao Tiến phát triển sản xuất kim khí đem lại thu nhập khá.

Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh huyện Giao Thủy (Agribank huyện Giao Thủy) cho biết: “Năm 2024, mặc dù gặp không ít khó khăn của nền kinh tế, thị trường tài chính tiền tệ có nhiều biến động. Đặc biệt những tháng đầu năm nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đều giảm sút, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm, các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như thủy sản, du lịch nghỉ dưỡng trầm lắng... ảnh hưởng đến công tác tín dụng và dịch vụ của ngân hàng. Song dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp nên hoạt động của hệ thống mạng lưới tín dụng Agribank huyện đã đạt kết quả đáng khích lệ”. Đến hết năm 2024, tổng nguồn vốn nội tệ tại Agribank Giao Thủy đạt gần 4.800 tỷ đồng, tăng so với đầu năm gần 300 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng 6,6%, đạt 181% kế hoạch năm. Dư nợ cho vay gần 3.300 tỷ đồng cho hơn 8.500 hộ vay, trong đó cho vay hộ sản xuất hơn 7.800 hộ với số tiền gần 3.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 98%; cho vay doanh nghiệp 12 tỷ đồng; cho vay tiêu dùng qua thấu chi 54 tỷ đồng. Dịch vụ thẻ ATM đã phát hành trong năm hơn 5.400 thẻ; lũy kế đến nay đã phát hành hơn 60 nghìn thẻ. Các dịch vụ bảo hiểm tín dụng, thu hộ tiền điện, trả lương qua tài khoản, thu hộ học phí triển khai hiệu quả. Hoạt động mạng lưới tín dụng năm 2024 với 164 tổ vay vốn, dư nợ qua tổ đến hết năm 2024 hơn 8.500 hộ số tiền gần 3.200 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ vay chiếm 13,6% so với hộ trên địa bàn.

Nguồn vốn của Agribank Giao Thủy đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn của huyện với dư nợ cho vay nông, lâm nghiệp 266 tỷ đồng của hơn 2.000 khách hàng, cho vay nuôi trồng, đánh bắt hải sản đạt gần 400 tỷ đồng với hơn 1.000 khách hàng… Ngoài ra, các ngành nghề khác như cho vay chế biến chế tạo, xây dựng gần 900 tỷ đồng với 2.248 khách hàng, cho vay thương mại, dịch vụ hơn 1.100 tỷ đồng với 1.789 khách hàng; cho vay tiêu dùng 54 tỷ đồng với 711 khách hàng… Kết thúc năm 2024 hầu hết các xã đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ, trong đó nhiều xã có số dư nợ tăng trưởng cao như: thị trấn Giao Thủy, Giao Lạc, Hồng Thuận, Giao Phong, Giao Xuân, Giao Thiện…

Cùng cán bộ tín dụng chúng tôi đến thăm gia đình ông Đỗ Văn Toát, hộ kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở tổ dân phố Sơn Hòa (thị trấn Giao Thủy). Ông Toát cho biết: “Đại lý thức ăn chăn nuôi cấp I Hi-Gro của gia đình tôi đã có hơn 30 năm quan hệ tín dụng với Agribank Giao Thủy. Gia đình tôi cũng thường xuyên được Agribank tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận các gói vay ưu đãi, thủ tục giải ngân nhanh chóng chỉ trong 1-2 ngày giúp giảm áp lực về vốn, tâm lý thoải mái yên tâm đầu tư, bởi kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải quay vòng vốn thường xuyên nhằm đảm bảo có nguồn hàng phục vụ bà con sản xuất dịp cuối năm”. Hiện tại, đại lý của ông Toát cung cấp cám chăn nuôi cho địa bàn toàn huyện với sản lượng từ 50-60 tấn/tháng. Còn với ông Lưu Công Luân, chủ xưởng cán tôn Luân Vân, cơ nghiệp của gia đình ông luôn lớn mạnh từng ngày cùng đồng vốn của Agribank. Từ xưởng kinh doanh kim khí nhỏ của gia đình, đến nay, ông đã xây dựng được 1 xưởng dập, cán tôn định hình, ống thép rộng hơn 100m2 với nhiều máy móc hiện đại. Ông Luân vui vẻ cho biết: “Được tiếp vốn đầu tư kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện nên việc kinh doanh của gia đình tôi rất trôi chảy, doanh thu hàng năm của xưởng đạt hơn 10 tỷ đồng”.

Cùng với tiếp vốn làm giàu, người nghèo và các đối tượng chính sách khác cũng được huyện quan tâm, chỉ đạo hỗ trợ vay vốn tạo sinh kế lâu dài, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2024, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã đồng hành cùng với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện xây dựng, giám sát, củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng chính sách. Trong năm qua, trên địa bàn huyện triển khai 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn trên 550 tỷ đồng, tăng 54,7 tỷ đồng so với năm 2023. Ngoài ra, NHCSXH huyện đã nhận nguồn 700 triệu đồng từ ngân sách huyện chuyển sang bổ sung tạo điều kiện cho các đối tượng có nhu cầu được vay vốn. Từ các nguồn vốn huy động, đến hết năm 2024, NHCSXH huyện đã giải ngân cho 4.750 lượt khách hàng vay với số tiền gần 188 tỷ đồng, dư nợ trên 550 tỷ đồng với hơn 12,9 nghìn khách hàng còn dư nợ. Cùng với đó, NHCSXH huyện tích cực phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là với những địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên, tổ có tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%. Hàng tháng, phân tích nguyên nhân nợ quá hạn của từng món vay, thông báo cho các hội, đoàn thể các cấp phối hợp chỉ đạo đôn đốc thu hồi. Nhờ đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,126% tổng dư nợ, giảm 0,01% so với năm 2023.

Với động lực từ vốn ngân hàng, kinh tế - xã hội huyện Giao Thủy tiếp tục khởi sắc phát triển mạnh mẽ trong năm 2024. Thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 1.800 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên đầu người đạt 98 triệu đồng/năm. Đến nay toàn huyện có 16/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 13/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Toàn huyện đã có 121 sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao.

Để giữ vững mức độ tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế của huyện ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, thời gian tới UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng với nòng cốt là Agribank Giao Thủy và NHCSXH huyện Giao Thủy thực hiện tốt các chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế của huyện. Trên cơ sở vừa huy động vốn vừa đầu tư tín dụng, đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn, tăng trưởng dư nợ an toàn, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền huy động nguồn vốn từ các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt nguồn vốn của nhân dân. Đổi mới phong cách giao dịch, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới tín dụng thu hút khách hàng từ mọi thành phần kinh tế, mở rộng thị phần đầu tư, ưu tiên cho các hộ sản xuất nông nghiệp, khai thác thủy, hải sản, ngành nghề nông thôn. NHCSXH huyện Giao Thủy tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi, đảm bảo cho vay đúng người, đúng đối tượng; củng cố, kiện toàn tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động kém hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng. Tăng cường lực lượng Công an tham gia ban đại diện tại địa phương để nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Bài và ảnh: Đức Toàn

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/kinh-te/202502/von-ngan-hang-tiep-sucnguoi-dan-giao-thuy-phat-trien-kinh-te-49c621d/