Vốn Nhật Bản tiếp tục đổ vào hạ tầng cứng
Khớp với chủ trương thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ Việt Nam, phía Nhật Bản tập trung hỗ trợ Việt Nam trong các dự án đầu tư công, trong đó phát triển hạ tầng là then chốt.
Cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam.
Hạ tầng đi trước
Hạ tầng là lĩnh vực then chốt trong 12 văn kiện hợp tác kinh tế Việt - Nhật được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide trong hai ngày 19-20/10. Phía Nhật Bản khẳng định, cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt các dự án quan trọng như cải thiện môi trường nước và đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Đối với dự án đường sắt đô thị TP.HCM, vài ngày trước chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Suga, TP.HCM đã chính thức đón nhận đoàn tàu đầu tiên (sản xuất tại Nhật Bản) của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Dự án có chiều dài toàn tuyến 19,7 km, được UBND TP.HCM phê duyệt năm 2007, với tổng mức đầu tư 17.400 tỷ đồng. Sau đó, trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, Quốc hội cho phép Thành phố duyệt tổng mức đầu tư mới là 43.600 tỷ đồng.
Còn tuyến metro số 3A (Bến Thành - Ga Tân Kiên) có chiều dài gần 20 km, gồm 18 nhà ga đi qua 8 quận, huyện. Theo nghiên cứu do tư vấn của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện, Dự án được đề xuất phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư của Dự án là 2,82 tỷ USD. Tháng 5/2020, UBND TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đề xuất Dự án để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định, dưới tác động tiêu cực của Covid-19, các dự án hạ tầng đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản vẫn triển khai đúng tiến độ. Song hành với chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam về việc không để ngưng trệ thi công các công trình công cộng, JICA vẫn tiếp tục triển khai các dự án xây dựng thuộc nguồn vốn ODA, duy trì việc làm cho các kỹ sư Việt Nam, góp sức vào phục hồi nền kinh tế.
Tác động lan tỏa lớn hơn
Việc cộng đồng những người dễ bị tổn thương trong xã hội chịu tác động nặng nề hơn bởi Covid-19 là một trong những động lực khiến JICA thúc đẩy các dự án nhằm giảm thiểu chênh lệch giàu nghèo, thông qua phát triển hạ tầng không chỉ ở khu vực thành thị, mà còn ở khu vực nông thôn.
Cả Chính phủ và doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của Việt Nam, đặc biệt các Dự án cải thiện môi trường nước và đường sắt đô thị tại TP.HCM.
Đơn cử, Dự án Tín dụng ngành giao thông - vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia lần thứ hai do Nhật Bản hỗ trợ đã hoàn tất tiến hành cải tạo, xây dựng lại 98 cây cầu yếu trên nhiều tuyến quốc lộ thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc (tính đến tháng 7/2020). Các cây cầu tuy nhỏ, nhưng đã tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đi lại và góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.
Một dự án hạ tầng khác mang lại tác động xã hội lớn là Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản. Phía JICA cho biết, mới đây nhất, gói thầu lớn nhất (thi công khu xử lý nước thải) thuộc dự án này đã chính thức được khởi công.
Đến nay, cả 4 gói thầu của Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, TP. Hà Nội, trong đó 3 gói thầu xây dựng tuyến cống và gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải với công suất 270.000 m3/ngày đêm, đều được triển khai thi công. Sau khi Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động, nước thải sinh hoạt sẽ được thu gom và xử lý trước khi xả vào sông Tô Lịch và sông Lừ, giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại lưu vực hai con sông này, cải thiện môi trường sống của người dân tại khu vực lân cận.
“Các công trình dự án công cộng trên phù hợp với danh mục ưu tiên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Bên cạnh các dự án đã ký kết và đang triển khai ổn định, JICA sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ Việt Nam thực hiện các dự án mới đem lại hiệu quả phát triển cao hơn nữa”, Trưởng đại diện JICA tại Việt Nam khẳng định.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/von-nhat-ban-tiep-tuc-do-vao-ha-tang-cung-d131888.html