'Vòng kim cô' khiến doanh nghiệp tư nhân chậm lớn

Nhiều doanh nghiệp chân chính muốn lớn và trưởng thành bài bản, nhưng bị vướng cơ chế, thiếu chính sách dài hạn, theo đại diện doanh nghiệp.

Trước đánh giá doanh nghiệp tư nhân Việt Nam giỏi chống chịu nhưng “mãi không lớn”, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Lê Hồng Thủy Tiên, khẳng định: “Không phải doanh nghiệp muốn “chậm lớn”.

Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Lê Hồng Thủy Tiên. Ảnh: Quochoi.vn.

Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) Lê Hồng Thủy Tiên. Ảnh: Quochoi.vn.

Bà nhấn mạnh, ngoài những doanh nghiệp liều lĩnh, còn rất nhiều doanh nghiệp chân chính, chịu khó đầu tư, tìm tòi, học hỏi, muốn lớn và trưởng thành một cách bài bản.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở tình trạng bị vướng cơ chế, thiếu chính sách mang tính chiến lược bền vững, bà cho biết tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 mới đây.

Vị nữ lãnh đạo của IPPG kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ cùng các chuyên gia, các doanh nghiệp để tạo hành lang pháp lý hợp lý, thông thoáng giúp doanh nghiệp có thể làm được nhanh những gì luật cho phép, thúc đẩy phát triển, đổi mới.

Trước đó, tại Diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cũng nhấn mạnh, một yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, và sự hấp dẫn của môi trường đầu tư, là chất lượng các quy định pháp luật.

Khảo sát doanh nghiệp hàng năm PCI cho thấy, tính ổn định và khả năng dự đoán được pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, trong cả giai đoạn ban hành pháp luật và thực thi pháp luật. Doanh nghiệp càng nhỏ, khả năng dự đoán sự thay đổi pháp luật càng thấp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, khả năng dự đoán việc áp dụng pháp luật của cơ quan chính quyền cũng thấp.

Tham luận của đại diện VCCI còn cho biết, các doanh nghiệp phản ánh tình trạng chất lượng các quy chuẩn kỹ thuật tương đối thấp, thể hiện ở một số vấn đề như quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều doanh nghiệp như Quy chuẩn 06 về phòng cháy chữa cháy.

Không chỉ vậy, có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng rồi mà chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực. Điều này khiến hàng hóa bị tắc nghẽn như một số quy chuẩn về thiết bị 5G.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. Ảnh: Quochoi.vn.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI. Ảnh: Quochoi.vn.

Ngoài vấn đề về chất lượng quy định pháp luật và thực thi pháp luật, ông Tuấn cho biết, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khác, như chất lượng cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế; việc tiếp cận các nguồn lực sản xuất kinh doanh cơ bản (vốn, nhân lực, đất đai) chưa thực sự thuận lợi.

Cùng với đó, chi phí sản xuất kinh doanh cao làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp; các doanh nghiệp sản xuất nội địa chưa phát triển mạnh mẽ, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả; và doanh nghiệp tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với doanh nghiệp xuyên biên giới.

Giải pháp cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá

Theo ông Tuấn, những khó khăn trên đòi hỏi các biện pháp tương ứng.

Trong đó, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới là tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đơn hàng suy giảm, tổng cầu trong nước giảm mạnh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đề nghị một số giải pháp cần làm để nâng cao chất lượng pháp luật và tính dự đoán của pháp luật, như tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch.

Doanh nghiệp mong muốn, nguyên tắc không hồi tố phải được áp dụng rộng rãi hơn, đặc biệt là với dự án đầu tư và công trình xây dựng đã được bắt đầu trước khi có quy định mới.

Doanh nghiệp cũng đề xuất, bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp để giảm sự tùy tiện khi thi hành pháp luật.

Ngoài ra, các quy định theo hướng tăng nặng nghĩa vụ của doanh nghiệp cần có lộ trình thực hiện kéo dài hơn, thay vì mức chỉ 45 ngày như quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phương Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/vong-kim-co-khien-doanh-nghiep-tu-nhan-cham-lon-1695283324799.htm