'Vòng kim cô' trong dạy học hiện đại

Giáo dục góp phần khai tâm và khai trí để xây dựng con người tự do.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Khi người học được khai phóng sẽ thấu hiểu và biết cần làm gì để sống và cống hiến. Để giáo dục thực sự có sức mạnh, rất cần người thầy truyền cảm hứng. Và muốn vậy, thầy cô phải thật sự hạnh phúc với nghề!

Dạy con viết văn không theo khuôn mẫu

Hai vợ chồng tôi có quy định với nhau trong việc kèm cô con gái đang học tiểu học, nếu con hỏi vấn đề gì về môn Toán thì mẹ giải đáp và thắc mắc vấn đề gì về Văn thì hỏi bố. Quy định được ban hành bằng… miệng nhưng người lớn phải tuyệt đối chấp hành. Thành thử, dù bận bịu mấy, tối nào, tôi cũng dành ra một ít thời gian để chờ đợi xem con có chất vấn gì không.

Thực lòng, cháu thường hỏi về các bài toán nhiều hơn nên có hôm tôi thành kẻ “thất nghiệp”… hạnh phúc. Nhưng cũng thi thoảng, cháu hỏi về các bài văn miêu tả. Hôm thì miêu tả ông bà, cha mẹ. Hôm lại miêu tả con vật này, con vật kia. Cũng có hôm, cháu cặm cụi miêu tả về cảnh đẹp nào đó. Thường cháu viết xong cả bài văn rồi mới đem lại cho tôi đọc và nhận xét.

Tối nay, cháu lại đưa tôi một bài văn miêu tả về con vật yêu thích là con chó. Bài văn ngắn như sau: “Nhà em có nuôi một con chó. Nó có bộ lông rất mượt. Nó sủa gâu gâu khi có người lạ vào nhà. Nó canh trộm cho cả nhà em ngủ. Em thường cho nó ăn no nê. Mỗi lần đi học về nó lại ngoáy tít cái đuôi chạy ra tận ngõ đón em. Em rất yêu con chó nhà em”.

Tôi đọc xong lấy làm ngạc nhiên lắm vì nhà tôi có nuôi con chó nào đâu. Một trong những nguyên nhân chính khiến nhà tôi không nuôi là cháu rất sợ chó. Nó sợ từ hồi còn nhỏ. Cứ hễ thấy bóng dáng con chó nào đó là nó thét lên sợ hãi. Tôi hỏi vì sao nhà không nuôi chó mà con tả được như thế. Nó cười, giải thích một cách chân thật rằng, cô giáo hướng dẫn cho cả lớp viết nhưng con có thêm mấy câu, mấy từ khác chứ không như nhiều bạn chép y nguyên.

Tôi nghe nó nói xong, hỏi thêm, nhưng con ghét chó nhất sao lại bảo rất yêu. Nó tỏ ra khó chịu, còn vùng vằng lại rằng, cô bảo viết thế thì viết thế chứ sao. Rồi bỗng nhiên, tôi chợt nhớ ra, bài văn nào câu cuối nó chả viết thế. Có lần tôi đã góp ý, nó sửa lại câu cuối của một bài văn tả về quê hương.

Lần đó, nó viết câu cuối là: “Em rất thích quê hương Nghi Long”, tôi bảo nên sửa từ “thích” thành “yêu”. Giảng giải mãi nó mới miễn cưỡng chịu sửa và còn “dọa” tôi rằng, cô mà phê bình là bố phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Không ép trò vào bất kỳ “khuôn” nào cả

Thật ra, trong quá trình dạy học, nếu thầy cô ép học trò vào khuôn nào đó, nhất là học trò còn nhỏ tuổi rất nguy hiểm. Chuyện dạy học văn theo những bài văn mẫu là chuyện cũ, hậu quả như thế nào nhiều người đã phân tích. Cứ tưởng câu chuyện cũ ấy được thay đổi, làm mới nhưng bao năm nay vẫn vậy.

Dường như cái gì đã ăn sâu vào tiềm thức đều thật khó thay đổi. Nhưng chẳng lẽ vì khó mà cứ để một phương pháp dạy học lạc hậu ấy mãi tồn tại? Tại sao không để các cháu viết thật tự nhiên về suy nghĩ, miêu tả chân thực một hành động rồi mới hướng dẫn các cháu viết một đoạn văn, bài văn?

Bỗng nhớ đến cách đây mấy năm, bài thơ “Cô bắt làm văn tả bà” đã phê phán một cách hài hước mà không kém phần sâu sắc về thực trạng dạy học văn một cách khuôn mẫu. Bà trong thực tế biết “cưỡi xe ga ra đường, tóc nhuộm ánh tím” chứ không phải là hình ảnh bà “tóc bạc, răng rụng hay ăn trầu”. Tuy nhiên, người bà ấy vẫn hết lòng yêu thương con cháu với “công việc bà vẫn ôm đồm, chăm lo con cháu sớm hôm không hề”. Tuy nhiên, hình ảnh người bà trong thực tế nếu phản ánh vào bài văn như thế sẽ không được các giáo viên chấp nhận bởi tư duy rập khuôn, cứng nhắc.

Bài thơ cũng là một cách nhìn hài hước của chính tác giả về cách dạy và học văn đang tồn tại cho đến tận hôm nay. Điều này khiến cho những bài văn của các em mất dần sự sáng tạo và không còn cảm xúc, mà gốc rễ của văn chương là những cảm xúc chân thành.

Mặt khác, dùng văn mẫu làm phương tiện dạy và học, thầy và trò sẽ không thể phát triển được năng lực hay hình thành nhân cách cá nhân. Không có ai thấy xúc động khi dùng văn mẫu của người khác để dạy hay học. Văn mẫu mài mòn xúc cảm của con người. Không phải động não tư duy, văn mẫu khiến thầy trò mất thói quen quan sát, khám phá thế giới, cuộc sống, con người...

Thầy cô cần thoát khỏi khuôn mẫu

Mặc dù trong những năm gần đây, nhiều thầy cô chủ động, tích cực đổi mới phương pháp dạy học nhưng vẫn còn không ít giáo viên lên lớp theo lối mòn quen thuộc. Muốn học trò học tập sáng tạo, thầy cô phải là người đầu tiên thoát khỏi khuôn mẫu khi lên lớp.

Có lần, tôi tổ chức cho các em giới thiệu về những quyển sách hay đã được đọc. Cả lớp đang hào hứng thì một bạn đặt câu hỏi với tôi rằng, đọc sách hay thì có ý nghĩa gì. Nếu như thường lệ, tôi sẽ mời một bạn trả lời thay và tôi chốt lại ý thứ nhất là…, ý thứ hai là… Nhưng tôi không làm thế. Không trả lời thẳng vào câu hỏi của trò, tôi chậm rãi kể cho lớp câu chuyện sau:

Chuyện kể rằng, tại miền núi thuộc bang Kentucky có hai ông cháu sống cùng nhau. Vào mỗi buổi sáng, người ông đều thức dậy sớm ngồi vào bàn để đọc sách - dù những cuốn sách này đã cũ kỹ. Cậu cháu trai thấy vậy, cũng cố gắng bắt chước ông mình đọc sách.

Một ngày cậu hỏi ông mình: “Ông ơi, cháu đã cố gắng đọc những quyển sách như ông nhưng vẫn không thể hiểu nó. Có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại thì quên nó ngay. Vậy đọc sách có lợi ích gì đâu?”.

Người ông liền đứng dậy, lấy hết than trong giỏ đặt vào lò và nói: “Cháu hãy mang giỏ đựng than này ra ngoài sông và mang nước về giúp ông nhé!”.

Cậu bé làm theo lời ông, nhưng toàn bộ nước chảy ra hết trước khi cậu quay về đến nhà. Người ông liền cười và nói: “Lần sau cháu cần đi nhanh hơn nữa”. Rồi người ông đưa lại cho cậu bé cái giỏ khác để đi lấy nước.

Lần này, cậu bé chạy nhanh hơn, nhưng cái giỏ đã trống rỗng khi cậu về đến nhà. Thở không ra hơi, cậu nói với ông: “Chúng ta không thể đựng nước trong cái giỏ này được”, và cậu định đi lấy cái xô để chứa nước.

Người ông liền nói: “Ông không muốn đựng nước trong chiếc xô mà là trong chiếc giỏ kia. Cháu có thể làm được điều này, do cháu chưa cố gắng hết sức đấy thôi”. Người ông lại đưa cái giỏ và bảo cậu bé ra ngoài sông lấy nước lần nữa. Mặc dù, cậu biết điều đó không thể nhưng không muốn cãi lời ông mình, cậu cố chạy nhanh hết sức, nước vẫn chảy hết ra ngoài giỏ trước khi cậu về đến nhà. Cậu bé nói: “Ông nhìn này, thật là vô ích!”.

“Con nghĩ nó vô ích? Hãy nhìn vào chiếc giỏ kia!”, người ông nói.

Cậu bé nhìn vào chiếc giỏ và lần đầu tiên cậu nhận thấy rằng chiếc giỏ trông thật khác. Thay vì một chiếc giỏ đựng than cũ kỹ và bẩn, nó lại trông sạch sẽ.

“Đó là tất cả những gì xảy ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ mọi thứ, nhưng khi đọc, sách sẽ làm thay đổi bên trong tâm hồn của cháu, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy”.

Kết thúc câu chuyện, tôi nhận thấy, không chỉ học trò hỏi, mà cả lớp đều rất tâm đắc với ý nghĩa của câu chuyện mang lại. Bằng chứng là tất cả đã trật tự nghe tôi kể và có nhiều ánh nhìn thấu hiểu, hài lòng khi câu chuyện vừa kết thúc. Tiết học sau đó diễn ra rất sôi nổi, nhiều quyển sách hay được các em chia sẻ.

Trong đời sống, chúng ta có thể bắt gặp một số khuôn mẫu cần thiết phải làm theo. Đó có thể là công văn giấy tờ in sẵn theo mẫu. Cũng có thể cái khuôn làm nên viên phấn, viên gạch hay những sản phẩm khác. Nhưng văn chương thì khác, theo nhà văn Nam Cao, nó “không cần đến những người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho.

Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”... Và không riêng gì văn chương, với mọi lĩnh vực và ngành nghề, sáng tạo luôn là yếu tố căn bản nhất tạo nên sự khác biệt. Có khác biệt mới có thành công. Hẳn nhiên, những giá trị chân lý đó không đổi theo thời gian…

Nguyễn Đình Ánh (Giáo viên Trường THPT Nghi Lộc 2 - Nghệ An)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/vong-kim-co-trong-day-hoc-hien-dai-post656895.html