Vòng luẩn quẩn không lối thoát ở đại học Hàn Quốc

Bộ Giáo dục Hàn Quốc ghi nhận hàng chục nghìn sinh viên tại nhiều đại học địa phương bỏ học trong 5 năm qua. Điều này tạo ra vòng luẩn quẩn khó tìm lời giải cho các nhà trường.

 Hàn Quốc ghi nhận gần 90.000 sinh viên bỏ học trong 5 năm qua. Ảnh minh họa: Jung Yeon-je.

Hàn Quốc ghi nhận gần 90.000 sinh viên bỏ học trong 5 năm qua. Ảnh minh họa: Jung Yeon-je.

Korea Times đưa tin các trường đại học ở những khu vực không thuộc thành phố lớn tại Hàn Quốc đang chứng kiến lượng lớn sinh viên bỏ học. Ước tính trong 5 năm qua, gần 90.000 sinh viên nước này tự nguyện bỏ học.

Dù các đại học quốc gia nỗ lực mở trường thành viên ở các tỉnh để thúc đẩy phát triển cân bằng, tình trạng sinh viên tập trung ở các đô thị lớn như Seoul, Incheon và Gyeonggi vẫn tiếp diễn.

Sinh viên đại học tỉnh đồng loạt bỏ học

Theo dữ liệu mà Bộ Giáo dục Hàn Quốc công bố hôm 18/9, trong số 37 trường đại học quốc gia, 5 trường ở Seoul và Gyeonggi ghi nhận gần 5.500 sinh viên bỏ học trong vòng 5 năm qua.

Nhưng tại các trường nằm ở tỉnh, thành nhỏ hơn, số sinh viên bỏ học lên đến hơn 84.000 người, cao hơn gần 15,3 lần khu vực đô thị lớn.

Ước tính trung bình các đại học quốc gia ở vùng đô thị mất khoảng 1.100 sinh viên/trường, trong khi trung bình các trường ở vùng xa hơn mất khoảng 2.600 sinh viên.

Đại học Quốc gia Kangwon ở Chuncheon (tỉnh Gangwong) là nơi ghi nhận số lượng sinh viên bỏ học cao nhất với 7.196 người, tiếp đó là Đại học Quốc gia Kyungpook ở Daegu với 5.602 sinh viên và Đại học Quốc gia Chonnam ở Gwangju với 5.295 người bỏ học.

Khoảng cách về tỷ lệ bỏ học giữa các đại học đa ngành và đại học sư phạm cũng khá đáng kể. Trong 5 năm qua, sinh viên sư phạm bỏ học chỉ khoảng 1.100 người, tương đương mức trung bình 161 sinh viên/trường.

Trong khi đó, hơn 88.000 sinh viên đã bỏ học tại 26 trường đại học đa ngành, tương đương mức trung bình là gần 3.400 sinh viên/trường.

Số lượng sinh viên bỏ học cũng có sự khác biệt giữa các khoa, ngành. Cụ thể, sinh viên ngành nghệ thuật bỏ học là khoảng 721 người/năm, còn các ngành liên quan khoa học tự nhiên lại ghi nhận 880 người rời trường mỗi năm.

 Đại học địa phương ở Hàn Quốc gặp khó khăn vì quá nhiều sinh viên bỏ học. Ảnh: Korea Public News.

Đại học địa phương ở Hàn Quốc gặp khó khăn vì quá nhiều sinh viên bỏ học. Ảnh: Korea Public News.

Loay hoay tìm giải pháp

Bàn về con số sinh viên bỏ học cao kỷ lục, các nhà giáo dục Hàn Quốc cho rằng nguyên nhân chính khiến các sinh viên không còn mặn mà với đại học ở địa phương chính là sự suy giảm về mức độ hài lòng đối với môi trường giáo dục và đời sống sinh viên.

Nếu học ở đại học địa phương, sinh viên chắc chắn sẽ gặp phải những bất tiện ngoài việc học như vị trí địa lý, phương tiện đi lại bất tiện, thiếu đa dạng văn hóa và không được tiếp cận các chương trình liên quan ngành học.

Những vấn đề này có thể "mở rộng" thành một mối lo lớn đối với toàn bộ cộng đồng sinh viên đại học ở tỉnh, thành phố nhỏ chứ không chỉ đơn giản là vấn đề của một trường duy nhất.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng khiến các nhà giáo dục quan tâm chính là áp lực tài chính do Hàn Quốc đóng băng học phí. Trong nhiều năm qua, nước này vẫn giữ nguyên mức học phí, trong khi chi phí hoạt động của trường đại học vẫn tiếp tục tăng.

Khi số sinh viên bỏ học tăng lên, nhà trường thiếu nguồn thu để đầu tư cho giáo dục. Điều này dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục đại học bị giảm sút.

Nhìn chung, các trường đại học ở Hàn Quốc đang gặp "khó khăn kép" trong việc cung cấp nền giáo dục chất lượng vì đang bị thiếu hụt tài chính nghiêm trọng. Hơn nữa, do các đại học địa phương ít được hỗ trợ tài chính so với đại học ở đô thị nên tình trạng sinh viên bỏ học cũng nhiều hơn.

Sinh viên bỏ học dẫn đến chất lượng giáo dục đại học bị suy giảm, cuối cùng lại tạo ra một vòng luẩn quẩn khiến ngày càng nhiều sinh viên chọn bỏ học.

Trước tình trạng này, các nhà giáo dục đề xuất rằng thay vì chỉ tăng hỗ trợ tài chính, ngành giáo dục cần thực hiện thêm những chính sách phù hợp với đặc điểm của các trường đại học địa phương, ví dụ như cải thiện môi trường sống của sinh viên, mở rộng chương trình việc làm...

Các nhà giáo dục tin rằng những chính sách như vậy có thể góp phần giảm tỷ lệ bỏ học trong thời gian trước mắt, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của các đại học địa phương nếu tính về lâu về dài.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/vong-luan-quan-khong-loi-thoat-o-dai-hoc-han-quoc-post1499176.html