Vọng mãi tiếng chuông Đồng Lộc
Mỗi ngày, tiếng chuông Đồng Lộc ở Hà Tĩnh lại vang lên hòa vào linh khí đất trời trong niềm thành kính, biết ơn, tự hào về những đóng góp của các anh hùng liệt sĩ nơi đây. Đã có biết bao trang sách, lời ca về cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh ở mảnh đất này.
Tham gia chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc có nhiều lực lượng. Đó là các đại đội TNXP, các đơn vị pháo cao xạ, công nhân giao thông, các lực lượng dân quân, công an, y tế, bưu điện... và Nhân dân 6 xã vùng lân cận thuộc huyện Can Lộc. Đã có nhiều người của các lực lượng ngã xuống trên chiến trường Ngã ba Đồng Lộc, trong đó có sự hy sinh oanh liệt của 10 nữ TNXP anh hùng thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh.
Để ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, ở Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, nhiều công trình đã được xây dựng, trong đó có công trình tháp chuông Đồng Lộc được xây dựng bằng nguồn vốn công đức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm do “Quỹ tấm lòng vàng” của Báo Lao động, Báo Đầu tư và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phát động. Công trình tháp chuông do Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thiết kế đã được các chuyên gia về kiến trúc, văn hóa, lịch sử, nghiên cứu tâm linh khắp cả nước đóng góp ý kiến.
Quả chuông được đúc tại làng nghề Ngũ Xá (Hà Nội) từ bàn tay của những người thợ lành nghề, tài hoa. Công trình tháp chuông cao 7 tầng (36,6m), hình bát giác đều, kết hợp khai thác theo hình thức đài tháp và lầu vọng cảnh truyền thống, được cách tân ở phần thân tháp. Trên đỉnh tháp có treo quả chuông nặng 5,7 tấn, cao 3,6m. Năm 2011, công trình có tổng kinh phí gần 24 tỷ đồng đã hoàn thành.
Ông Hà Văn Thạch - nguyên Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng tháp chuông Đồng Lộc chia sẻ: “Tháp chuông có 7 tầng, 8 mái, thông tâm. 7 tầng thể hiện kết cấu bền vững của vật chất, một kết cấu hoàn thiện của vũ trụ như là: Đông, Tây, Nam, Bắc; thiên, địa, nhân hoặc là Đông, Tây, Nam, Bắc; quá khứ, hiện tại, tương lai. Còn bát giác (8 mái) là âm dương hòa hợp, luân hồi phát triển, thông tâm đắc địa; kết nối giá trị truyền thống văn hóa, tâm linh của dân tộc ta. Nhìn vào tháp chuông cao vút, ta thấy được công đức cao dày của tổ tiên ta suốt cả thời kỳ lịch sử dựng nước, giữ nước; thấy được tinh thần chiến đấu, hy sinh cao cả của Nhân dân ta, của thế hệ trẻ”.
Tháp chuông là công trình văn hóa tâm linh để lại giá trị lâu dài, trường tồn với quê hương, đất nước, có ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của thế hệ hôm nay. ""Nay đất nước thanh bình rạng rỡ non sông/ Muôn triệu trái tim lại hướng về Đồng Lộc/ Thành kính tri ân đồng lòng chung sức/ Đúc linh chuông treo giữa trời cao"(1); “Chuông vọng mãi ngàn năm oanh liệt/ Vọng tiếng lòng muôn thế hệ tri ân/ Hàng triệu người vì nước quên thân/ Cho Tổ quốc vinh quang ngày thống nhất”(2).
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự kiêm Trưởng ban Hoằng pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội đã nói về ý nghĩa tiếng chuông Đồng Lộc: “Tiếng chuông đó là tiếng chuông ngàn đời khát vọng cầu nguyện hòa bình; tiếng chuông tỏ lòng tri ân đối với những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do; nghe tiếng chuông được siêu thoát. Tiếng chuông cảnh tỉnh cho những ai còn u mê gây hận thù chiến tranh trên thế giới thì hãy chấm dứt”.
Nhà nghiên cứu di sản văn hóa, Phó Giáo sư Trần Lâm Biền khẳng định: “Khi tiếng chuông vang lên thì gieo vào lòng người một cái gì đó về tâm linh, nhắc nhở con người nghĩ tới những chiến công, trước hết là của các cô gái Đồng Lộc. Tiếng chuông nói lên sự vinh quang của mảnh đất này, của dân tộc này”.
Chiến tranh đã lùi xa, trên hố bom xưa hoa mua vẫn tím màu thương nhớ; ngọn cây, vạt cỏ đầm đìa giọt sương và những con người ra đi đã thành bất tử. Những tượng đài hóa đá với thời gian, nhưng lòng người thì mãi khắc ghi. “Vàng lửa đúc chuông kết tình Nam Bắc/ Tụ khí hùng thiêng trời đất ngân vang/ Thỉnh nguyện anh linh siêu thoát niết bàn/ Cầu quốc phú, dân an, đời hưng thịnh”(3). Tiếng chuông dìu dặt khoan thai vọng đến ngàn đời sau. Rằng đừng bao giờ quên quá khứ, bởi cuộc sống thanh bình có khởi nguồn từ những ngày sinh tử đã qua. “Chuông gióng ngân nga/ Thanh âm vọng mãi/ Nhớ người đi xa/ Cho đời thắm lại/ Cây cỏ nở hoa/ Mùa màng gặt hái”(4).
Những thế hệ công dân mới ở Đồng Lộc hôm nay trong trang sách lịch sử đất nước, quê hương như còn phảng phất khói bụi của chiến tranh. Lịch sử không lặp lại, nhưng bài học về lịch sử luôn thấm đẫm máu và hoa.
Trong khói hương, trong niềm cảm phục về sự hy sinh của thế hệ đi trước, được lắng lại hồn mình thương các anh chị “Ngã trước bình minh, chẳng còn được vui cùng hạnh phúc/ Tiếng thông reo bát ngát hồn thiêng/ Dòng suối chảy nghẹn ngào lệ khóc”(5).
“Tháp lòng dân vươn bảy tầng, tám mái/ Cửa tám phương tỏa công đức cao dày/ Chuông thức tỉnh, muôn người về hội tụ/ Đất nước Lạc Hồng hợp sức dựng xây"(6). Như mạch nguồn từ đây lan tỏa, chốn linh thiêng vời vợi tầng cao, phù hộ độ trì cho muôn nhà an thái. Cánh đồng xưa lồi lõm hố bom sâu bây giờ mùa lúa vàng trĩu hạt. Người dân Đồng Lộc hôm nay dù còn nhiều toan lo, nhưng cuộc sống đủ đầy hơn. Tạo hóa có đổi thay, nhưng chiến thắng Đồng Lộc vang mãi đến mai sau “Một thời anh dũng muôn thuở vinh quang/ ... Muôn dặm giang sơn lẫy lừng danh vị”(7).
Cố Giáo sư Vũ Khiêu (1916-2021) đã nói về sự vĩnh hằng Đồng Lộc, đó là “Đồng Lộc sẽ tồn tại vĩnh viễn trên mảnh đất này. Tổ quốc còn, sông núi Việt Nam còn thì còn Ngã ba Đồng Lộc”.
Tiếng chuông vọng lên từ Đồng Lộc chính là bức thông điệp của lịch sử tạc vào không gian vĩnh hằng về sự hy sinh to lớn của bao thế hệ người Việt Nam và sự thất bại của chiến tranh xâm lược. Tiếng chuông luôn nhắc nhở mọi người phải làm tất cả những gì để bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Để tiếng chuông mãi reo vang trong cuộc sống yên bình.
Đất và trời Đồng Lộc hôm nay đã đổi thay trong hồng tươi sắc mới để ai đó trở về chốn này, dưới trời xanh, bên ngàn thông reo, được lắng hồn mình với tiếng chuông Đồng Lộc của hôm nay và mai sau.
(1) “Minh chuông Đồng Lộc” - Đặng Quốc Vinh
(2), (3), (6) theo “Linh chuông Đồng Lộc” - Lê Cảnh Nhạc
(4) “Minh chuông Đồng Lộc” - GS. Nguyễn Huệ Chi
(5) “Chuông nguyện hồn thiêng từ 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” - GS Vũ Khiêu
(7) “Văn bia Anh hùng liệt sỹ Đồng Lộc” - GS. Vũ Khiêu.
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/vong-mai-tieng-chuong-dong-loc/251827.htm