'Vòng sinh tử' của Phạm Trần Việt Nam đến Huế
HNN.VN - 'Vòng Sinh Tử' là một vọng gác siêu hình. Họa sĩ trở thành chứng nhân của những hình hài và mảnh vỡ hiện lên ám ảnh từ những hư không, trầm tích, trong vòng sinh tử, vọng chúng sinh…

Họa sĩ Phạm Trần Việt Nam bên tác phẩm của mình. Ảnh: BTC
Triển lãm cá nhân của họa sĩ Phạm Trần Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 10/5 tại Không gian lưu niệm Lê Bá Đảng (đồi Kim Sơn, phường Thủy Bằng, quận Thuận Hóa). Đây là họa sĩ trẻ đầu tiên được chọn triển lãm tại không gian này.
Với 22 tác phẩm, Phạm Trần Việt Nam đưa người xem đến với cuộc “tái sinh” trong những năm gầy đây, đó như là tái cấu trúc tranh cũ, cắt xé, ghép nối… để mang lại những hình hài mới. Tranh không mô tả, không diễn dịch, mà kêu gọi linh cảm. Đó là cái mà Phạm Trần Việt Nam gọi là “siêu trực giác”, trạng thái sáng tạo vượt qua logic và hình tướng, nơi hình ảnh được kiến tạo không theo quy tắc thị giác thông thường, mà như được triệu hồi từ một dòng chảy vô thức sâu thẳm.
Phạm Trần Việt Nam chia sẻ: “Tôi vẽ bộ tranh này như một kẻ mộng du. Ở trạng thái đó cảm xúc và năng lượng tuôn ra một cách tự nhiên. Việc vẽ giống như sự diễn dịch tinh thần và ngôn ngữ từ một tồn tại khác. Dần dần, qua quá trình làm việc liên tục, tôi bắt đầu hiểu sâu hơn tinh thần và ngôn ngữ của những hình mình vẽ ra. Đã đồng cảm và hòa nhập một cách tự nhiên với cái tồn tại khác kia…”
Phạm Trần Việt Nam, 40 tuổi, nghệ sĩ thị giác đương đại, sinh ra ở Đà Nẵng và hiện đang làm việc tại TP. Hồ Chí Minh. Anh tốt nghiệp chuyên ngành Điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh vào năm 2010, nhưng lại chọn hội họa, đặc biệt là tranh sơn dầu, làm phương tiện biểu đạt chính trong hành trình sáng tác nghệ thuật của mình.
Phạm Trần Việt Nam là Finalist (số ít các ứng cử viên cuối cùng cạnh tranh) của giải thưởng “APB Foundation Signature Art Prize 2018” do Bảo tàng Quốc gia Singapore tổ chức, và giành Giải Vàng (Gold Award) cuộc thi UOB Painting of the Year Vietnam năm 2023, một trong những giải thưởng uy tín nhất trong giới hội họa khu vực. Tác phẩm của anh có mặt trong nhiều bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân và tổ chức, bao gồm: Le Thai Son Collection, Lavelle Collection, The Outpost Art Collection, và The UOB Art Collection.