Vòng tái sinh của đất, nước, lửa…

Thành quả sau chuỗi ngày dài tham dự trại sáng tác gốm của các nghệ sĩ chính là triển lãm mang tên: Phồn 3, vừa khai mạc chiều 19/1 tại Phạm Hà Hải art studio (An Dương Vương, Tây Hồ, Hà Nội) để chào đón xuân mới Ất Tỵ… Cận Tết, mẻ nung cuối cùng cũng tắt lửa, những tác phẩm được dỡ ra, rỡ ràng dưới cái hanh hao tháng Chạp. Từ lâu, gốm đã trở thành một chất liệu giàu biến ảo, là phương tiện để các nghệ sĩ biểu đạt ý tưởng sáng tạo của mình, thông qua sự giao hòa của đất, nước, men, lửa…

Các họa sĩ, nhà điêu khắc tham dự Phồn 3.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc tham dự Phồn 3.

Thành lệ, cứ dịp cuối năm, nhóm các nghệ sỹ lấy tên Phồn lại hẹn nhau ở xưởng gốm của nhà điêu khắc Lê Anh Vũ tại địa chỉ đặc biệt: Giang Cao, Bát Tràng để cùng “vầy” đất. Lê Anh Vũ vốn con trai nhà điêu khắc - nghệ nhân Lê Quang Chiến, nên tiếp nối nghề truyền thống là lựa chọn tất yếu của anh.

Nhưng không dừng lại với việc làm một nghệ nhân “cha truyền con nối”, Lê Anh Vũ vẫn muốn theo đuổi nghệ thuật một cách bài bản. Thi đỗ Đại học mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ra trường được giữ lại làm giảng viên, những năm qua Lê Anh Vũ cũng kịp gây dựng tên tuổi như một người trẻ dám chơi dám chịu.

Không gian Triển lãm Phồn 3.

Không gian Triển lãm Phồn 3.

Nhà điêu khắc Lê Lạng Lương bạo liệt; Trần Trọng Tri kìm nén; Hoàng Mai Thiệp suy tư…, cả ba nhà điêu khắc đều là giảng viên Mỹ thuật Yết Kiêu, đều dồn tâm huyết vào cuộc chơi với gốm. Họa sĩ Phạm Hà Hải thấm được những tích tụ thời gian; Mai Đại Lưu mộng mơ, đa sắc; Khổng Đỗ Tuyền mạnh mẽ và trẻ nhất trong nhóm, Đào Đình Tân (sinh năm 1991)… dồi dào năng lượng; nhóm 8 họa sĩ và nhà điêu khắc hiện diện trong Phồn 3, mỗi người một cá tính, nhưng đều trải qua những giây phút thăng hoa và chứng thực cho sự thăng hoa ấy là những tác phẩm đang trưng bày trong triển lãm…

Gốm Hỏa biển - Tác phẩm của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Gốm Hỏa biển - Tác phẩm của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Đã đi qua bao mùa “Gốm Tết” để tạo nên “một thế giới”, với Phạm Hà Hải: “Mỗi tác giả đến với gốm bằng cách của mình, lấy gốm làm chất liệu sáng tác, từng tác phẩm hàm chứa những suy nghĩ về nghệ thuật của cá nhân mình. Cuối cùng, công việc tạo tác của người nghệ sĩ với đất, màu, men dù chủ động đến bao nhiêu thì còn nguyên sự huyền diệu của lửa để tác thành thẩm mỹ, và cả tình yêu của từng cá nhân với gốm”.

Tác phẩm của họa sĩ Mai Đại Lưu.

Tác phẩm của họa sĩ Mai Đại Lưu.

Thuộc lứa 8X, sống chậm, không ngại tìm tòi, họa sĩ Mai Đại Lưu lại quan niệm: “Đất là một chất liệu kì lạ và lôi cuốn trong sáng tác nghệ thuật, rất khó nắm bắt và hiểu được đất. Đến với gốm như một sự tự nhiên và đất trở thành chất liệu trong sáng tác nghệ thuật nhiều năm qua. Từ những trải nghiệm đầu tiên khi chạm vào những khối đất ướt thô ráp nhưng lại rất mềm mại, chạm vào đất mọi giác quan trên tay cảm nhận được khí - đất - nước - lửa - con người”.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Hoàng Mai Thiệp.

Mỗi nghệ sĩ, sau công việc thường nhật, vượt thoát khỏi sự ồn ã của Hà Nội những ngày cuối năm, tới Bát Tràng làng cổ, ngồi hàng giờ trước bàn xoay, xoay nặn, miết đi miết lại, vuốt đi vuốt lại ngày này sang ngày khác cho lên được màu men thuần khiết tự nhiên mà vẫn nhuốm dấu vết thời gian, để gửi gắm vào đó những ngẫm ngợi của mỗi cá nhân trong cõi “tương sinh”.

Có lẽ vậy, 30 tác phẩm ở Phồn 3 đều hiển hiện vẻ đẹp thấm đẫm sức sống của tạo hóa, đất trời; vẻ đẹp của sự sinh sôi nẩy nở trao truyền đời này sang đời khác. “Sự gợi mở, liên tưởng là thuộc tính của nghệ thuật, vì thế Phồn dễ dàng gắn kết các nghệ sỹ bên nhau trong nhiều kì”, như tự sự của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Trọng Tri.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Trần Trọng Tri.

Đất, nước… qua bàn tay được điều khiển bởi tâm thức của mỗi nghệ sĩ, dưới ngọn lửa hàng nghìn độ, dường như đã đi qua những vòng luân hồi để rồi tái sinh trong hình hài đầy sức quyến rũ. Cũng tương tự tâm trạng của các nghệ sĩ: “sẽ luôn phấp phỏng trong mỗi lần nung bởi còn chờ sự tác duyên của lửa”, đủ đầy các yếu tố được tự nhiên ban tặng: đất, nước, lửa…, thông qua cái tinh (thần) của người nghệ sĩ, tác phẩm đã đường hoàng đi vào đời sống thực.

NGÔ HƯƠNG SEN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/vong-tai-sinh-cua-dat-nuoc-lua-post857152.html