Vòng tay học trò
Đọc Buồn ơi chào mi trên Bình Thuận cuối tuần số 7126, một giáo viên nhắn tin chia sẻ, nói rằng trước đây cô(1) có viết một tiểu luận đề cập đến chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975 qua tác phẩm Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng và chuyển cho tôi xem.
Nhà văn Ngô Thảo nghẹn ngào khi phát biểu cảm nghĩ về sự tái xuất của Nguyễn Thị Hoàng trên văn đàn.
Tôi đồng thuận với nhận xét, thời gian 20 năm trên bình diện văn hóa, hệ thống triết học cũng như văn học phương Tây du nhập vào miền Nam bằng nhiều con đường, từ dịch thuật đến giáo dục, sáng tác, in ấn, phát hành rất phong phú. Sự du nhập hệ thống triết học và văn học chủ nghĩa hiện sinh đã tác động rất lớn đến tình hình sáng tác và cả lối sống của thanh niên học sinh, sinh viên, trí thức đô thị miền Nam. Trong bối cảnh phát triển văn học đa dạng, phức tạp đó, nổi lên tiểu thuyết Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng – được viết vào năm 1964, nhưng đến năm 1966 mới xuất bản. Tác phẩm tạo ra dư luận xôn xao.
Vòng tay học trò có 11 chương. Câu chuyện diễn ra chưa tròn một năm học, nhưng qua ký ức nhân vật hiện lên khá rõ quãng đời thanh niên của Trâm từ quá khứ đến hiện tại. Trâm học tập và sống trong không khí xô bồ ở Sài Gòn, tắm mình trong những cuộc chơi hoan lạc phù phiếm thâu đêm với tha nhân, như với “Văn tỷ phú, Marc giáo sư đại học, Jonh sĩ quan Mỹ, Tuấn phi công, Francois ký giả, Hồng nhà văn, Linh thằng con nhà giàu bị phá sản và khối thằng sinh viên khác”… Khi thấy mệt mỏi chán ngán, Trâm quyết định từ bỏ để về Đà Lạt, tìm nơi bình yên, bắt đầu cuộc sống mới bằng nghề dạy học, thuê một ngôi biệt thự bỏ hoang nơi ngoại ô sửa lại để ở, muốn lánh xa cảnh ồn ào. Nhưng khi đi dạy, Trâm bắt đầu biết quan tâm tới người khác. Trước tiên là những học trò đang gặp khó khăn, việc làm từ trước cô chưa hề nghĩ tới. Là cô giáo 19 tuổi, nhưng quyết định cho học trò nam đến ở trọ, bất kể dư luận của những con mắt soi mói. Khi học trò tên Minh vào trọ, mọi nhận thức và cách sống của Trâm lần nữa bắt đầu thay đổi. Lúc đầu, Trâm nhìn Minh với thái độ ban ơn, giúp đỡ, như bao học trò khác. Nhưng từ dửng dưng chuyển sang quan tâm. Tình cảm lứa đôi tưởng đã chôn vùi bỗng dưng nhen nhóm. Trâm là con người hành động theo chính kiến riêng biệt để tạo nên mình: “Ở Sài Gòn là nỗi kiêu hãnh liều lĩnh bất chấp thiên hạ để dám sống, để phá đời, để hưởng đời. Ở đây là sự kiêu hãnh liều lĩnh bất chấp để gây dựng cho mình, để vạch lối riêng không cần đến những đường mòn của thiên hạ” (chương 1). Trâm là một nhân vật “nổi loạn”, chống lại các quy ước về khuôn phép lễ giáo đương thời, thách thức với cộng đồng: “Không muốn phấn đấu nữa, trên mọi bình diện, nhất là cho một tiếng tốt hão huyền. (…) Tôi đối lập. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả.” (chương 5).
Trâm muốn sống một cách tự do và chân thật, không muốn đánh lừa với chính tình cảm của mình. Trong tình yêu, Trâm đã vượt qua khuôn phép quy ước về luân lý xã hội đương thời – là mối tình cô giáo với học trò. Nhưng tình yêu có tiếng nói riêng, tự do rung động chân thành theo quy luật tình cảm, vượt qua giới hạn can thiệp ý thức, thuộc phạm trù phi luân lý chứ không phải sự vô luân, như quan niệm của Sartre, không có luân lý chung mà chỉ có luân lý hoàn cảnh. Tính chất nổi loạn là một đặc điểm trong quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh. Sartre coi con người là các thực thể, tạo nên thế giới của riêng bằng cách nổi loạn chống lại giới quyền lực, chấp nhận trách nhiệm cá nhân về các hành động của họ, không cần sự giúp đỡ của xã hội, của niềm tin tôn giáo hay đạo đức cổ truyền, cho rằng sự hiện hữu của con người mang đặc tính hư vô do khả năng chối bỏ và nổi loạn. Sự phản kháng của Trâm như nhân vật Cécile trong Buồn ơi chào mi của F. Sagan, yêu đương với khí chất mạnh mẽ. Nhưng Nguyễn Thị Hoàng để nhân vật Trâm “nổi loạn” cũng chừng mực của người phụ nữ Á Đông trong mối quan hệ tình cảm lứa đôi đầy chất lãng mạn trong sáng về tinh thần, chứ không dữ dội nghiêng về thể xác như Cécile của F. Sagan, hay như trong Người nổi loạn (1951) của Albert Camus tuyên chiến với tất cả các hệ tư tưởng ngăn cản tự do của con người. Nên khi Vòng tay học trò ra mắt bạn đọc, tức khắc bắt gặp hai luồng phản ứng khác nhau. Những bậc cha mẹ và không ít trí thức – nhà giáo, kịch liệt phản ứng, đả kích, lên án, xem Vòng tay học trò là một tiểu thuyết vô luân (chứ không phải phi luân lý); ngược lại, cũng trong tầng lớp trí thức, cả nhà giáo, không thiếu người im lặng chấp nhận hoặc lên tiếng ủng hộ. Riêng thanh niên học sinh – sinh viên, họ lặng lẽ tìm đọc và lặng lẽ đồng tình.
Cuối cùng, Trâm nhận ra và tự trả lời một mình trong hư không vắng lặng: “Tôi muốn chết, không phải chán đời, nhưng vì tôi yêu đời vô cùng mà cuộc đời đã phản bội không bao giờ như ý tôi.” (chương 10). Từ đó, Trâm chia tay Minh, không trở lại Đà Lạt nữa. Kết thúc một mối tình êm đềm mà cũng hết sức chông chênh, lắm ngọt ngào mà cũng lắm mùi cay đắng. Nguyễn Thị Hoàng cũng giống như Francois Sagan, 19 tuổi viết tiểu thuyết đầu tay gây dư luận xôn xao. Ở một bình diện nhất định, từ sau 1955 đến 1975, Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng cũng góp thêm tiếng nói làm đa dạng cho 20 năm Văn học đô thị miền Nam.
(1) Người chuyển tiểu luận yêu cầu không nêu tên.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/vong-tay-hoc-tro-100452.html