Vòng tranh luận bầu cử Mỹ đầu tiên: Ông Trump khó lật ngược thế cờ

Liên tục ngắt lời và đấu khẩu với đối thủ Joe Biden, vị tổng thống của đảng Cộng hòa cố hạ gục vị cựu phó tổng thống của đảng Dân chủ trong đêm đối đầu 29/9 nhằm thay đổi cục diện.

Hai đối thủ Donald Trump và Joe Biden trong vòng đối đầu thứ nhất ảnh: AP

Hai đối thủ Donald Trump và Joe Biden trong vòng đối đầu thứ nhất ảnh: AP

Nhiều đánh giá cho rằng khó có khả năng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thành công, không chỉ vì lối tranh luận hiếu chiến và rối loạn mà cả vì những ngôn từ mang tính xúc phạm và không đúng thực tế có thể khiến nhóm cử tri chưa quyết định bỏ phiếu cho ai cảm thấy thất vọng hơn.

“Tôi nghi ngờ cuộc tranh luận gây mệt mỏi về tinh thần này có thể thay đổi bất kỳ suy nghĩ nào. Mỗi bên đều bỏ lỡ gì đó, nhưng kiểu họ tấn công cá nhân lẫn nhau gây sốc và khiến nhiều người chán nản”, Ron Bonjean, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa từng cố vấn cho nhóm của ông Trump năm 2016, nói với Reuters.

Cuộc tranh luận đầu tiên diễn ra ở Ohio, nơi ông Biden sẽ có một cuộc vận động vào ngày 30/9 và một nhóm bang ở vùng Trung Tây nơi hai người dự kiến vẫn phải giành giật nhau. Khi ông Biden đi đến những bang chiến địa có ảnh hưởng quyết định lên kết quả bầu cử, ông Trump có thể đã lỡ cơ hội thuyết phục những cử tri mình cần.

Cuộc khảo sát do hãng Reuters/Ipsos thực hiện trong tháng này cho thấy 4 trong 10 cử tri da trắng không có trình độ đại học ở Florida, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin cho biết năm nay họ ủng hộ ông Biden. Tỷ lệ này cao hơn năm 2016 vì ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton hồi đó chỉ nhận được ủng hộ của 3/10 cử tri thuộc nhóm này. Cuộc khảo sát cũng cho thấy ông Biden dẫn trước đáng kể trên phạm vi cả nước, nhưng chênh không nhiều ở các bang chủ chốt.

“Những cuộc tranh luận thường ảnh hưởng rất ít đến cách bỏ phiếu của cử tri. Càng khó hơn để đánh giá cuộc tranh luận lần này có thể thuyết phục các cử tri theo cách này hay cách khác hay không vì thông qua nó chúng ta không biết thêm mấy về các ứng viên và kế hoạch của họ”, ông Christopher Devine, một chuyên gia về vận động tranh cử tổng thống Mỹ tại ĐH Dayton ở Ohio, nói.

Trong cuộc tranh luận hôm qua, ông Trump nhiều lúc khiến đối thủ không giữ được bình tĩnh đến mức chế giễu tổng thống là “anh hề” và “tổng thống tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ” dù trước đó ông Biden hứa sẽ kiểm soát cảm xúc.

Ông Biden cố gắng đáp trả những tấn công của ông Trump về sự ủng hộ đối với các cuộc biểu tình nổ ra trên cả nước vì mâu thuẫn sắc tộc và vấn đề bạo lực của cảnh sát.

Cựu phó tổng thống ủng hộ một số mục tiêu của phong trào biểu tình hòa bình, nhưng không chủ trương ngừng cấp tiền cho các sở cảnh sát như ông Trump gợi ý. Ông Biden cũng từ chối trả lời câu hỏi trực tiếp của ông Trump rằng nếu đắc cử, ông có tìm cách bổ sung thẩm phán vào tòa án tối cao để chống lại xu hướng nghiêng về cánh hữu không.

Ông Biden nhấn mạnh các chủ đề chính trong chương trình hành động của mình, rằng ông Trump không phù hợp cho nhiệm kỳ 2 vì cách xử lý đại dịch COVID-19 và phong cách lãnh đạo gây chia rẽ. Nhưng ông Trump thường nói chen đối thủ và người điều phối Chris Wallace của Fox News, khiến hai người không có cơ hội để nói nhiều. Khi có cơ hội, ông Biden nhìn thẳng vào camera để nhắn nhủ đến các cử tri đang theo dõi qua truyền hình.

“Đó là một kế hoạch mà ông Biden đã có từ trước và ông ấy đã thực hiện nó”, ông Aaron Kall, một chuyên gia về tranh luận bầu cử tại ĐH Michigan, đánh giá.

Vấn đề Trung Quốc

Dù không được hỏi trực tiếp về Trung Quốc, hai ứng viên chủ động nêu chủ đề này khi họ tấn công nhau trong các vấn đề như chính sách kinh tế và COVID-19.

Nhưng kết quả là ông Trump bị đối thủ tấn công liên tục về chính sách Trung Quốc.

Khi cái tên Trung Quốc bắt đầu được nhắc đến, ông Biden chớp ngay cơ hội cáo buộc ông Trump xu nịnh Chủ tịch Tập Cận Bình và theo đuổi thỏa thuận thương mại thất bại với Bắc Kinh.

“Ông ta nói về nghệ thuật đàm phán - Trung Quốc hoàn thiện nghệ thuật đánh cắp. Chúng ta đang có thâm hụt với Trung Quốc lớn hơn trước đây”, ông Biden nói.

Ông Trump từng nói thâm hụt thương mại là một chỉ số của sự yếu kém kinh tế, bất chấp ý kiến ngược lại của các nhà kinh tế học. Nhưng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 12 năm. Trung Quốc đang đẩy mạnh mua hàng hóa Mỹ theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, nhưng vẫn còn xa mới thực hiện được như cam kết.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/vong-tranh-luan-bau-cu-my-dau-tien-ong-trump-kho-lat-nguoc-the-co-1729040.tpo