VPBank cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông
Trong 5 năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã định hướng tăng trưởng vượt trội thông qua việc thực hiện những thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) kỷ lục. Bên cạnh đó, VPBank cũng xây dựng hệ sinh thái toàn diện và khác biệt, phục vụ nhu cầu của 30 triệu khách hàng và chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tương lai.
Mới đây, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của VPBank đã xem xét, thông qua tờ trình, báo cáo quan trọng, bao gồm: Báo cáo của Tổng giám đốc; báo cáo của Hội đồng quản trị (HĐQT), thành viên HĐQT độc lập; báo cáo của Ban Kiểm soát; báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất cho năm tài chính 2024 của VPBank; phương án phân phối lợi nhuận năm 2024; phương án đầu tư, góp vốn thành lập công ty con, hợp tác, liên doanh, liên kết và các tài liệu khác.
Nhằm tiếp tục kiện toàn bộ máy quản trị, sẵn sàng cho giai đoạn vươn tầm bứt phá của ngân hàng, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay của VPBank đã bầu 8 thành viên HĐQT và 5 thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025-2030.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của VPBank. Ảnh: SAO MAI
Đánh giá về hoạt động của ngân hàng trong năm 2024, HĐQT VPBank cho rằng, trước những biến động, khó khăn của nền kinh tế, ngân hàng đã kiên định với chiến lược chủ động và thận trọng: Nỗ lực tìm kiếm cơ hội, mở rộng khai thác phân khúc khách hàng mới và tiềm năng, song song với đó là triển khai các giải pháp kiểm soát chất lượng tài sản.
Kết thúc năm 2024, VPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 20.013 tỷ đồng, quy mô tổng tài sản đạt 923.848 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng hợp nhất 709.986 tỷ đồng, huy động khách hàng và giấy tờ có giá 552.642 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư số 31/2024/TT-NHNN của ngân hàng mẹ ở mức 2,47%, hoàn thành kế hoạch. VPBank cũng đã chi trả gần 8.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%.
Từ những nền tảng được củng cố và bồi đắp trong năm 2024, HĐQT đã trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với điểm nhấn là lợi nhuận 25.270 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD), tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó ngân hàng mẹ đóng góp 22.219 tỷ đồng, tăng 22%.
Bên cạnh mục tiêu lợi nhuận, VPBank hướng đến quy mô tổng tài sản hợp nhất tăng trưởng 23%, đạt 1,13 triệu tỷ đồng. Ngân hàng xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh doanh khác nhau, phù hợp điều kiện thực tế với mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 25%, huy động tăng 34%; kiểm soát, cải thiện chất lượng danh mục cho vay và đầu tư; đẩy mạnh thu hồi và xử lý nợ. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, VPBank xác định 5 chiến lược kinh doanh chủ đạo trong năm 2025, bao gồm: Tăng trưởng đồng bộ, huy động hiệu quả, nâng cao chất lượng tài sản, hệ sinh thái mở rộng khác biệt và kiện toàn nền tảng vững chắc.
Tại Đại hội đồng cổ đông, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ: “Ban lãnh đạo hoàn toàn tin tưởng rằng năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm vừa củng cố hệ thống nền tảng, vừa phát triển tập đoàn. Tăng trưởng, đặc biệt về quy mô là ưu tiên của năm nay, tạo tiền đề để VPBank đứng vào hàng ngũ các ngân hàng lớn nhất thị trường. Năm 2025, VPBank duy trì tăng trưởng 25% và chuẩn bị nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng 30-35% vào những năm tiếp theo”.
Các cổ đông cũng thông qua việc sử dụng gần 4.000 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 5% (mỗi cổ phiếu nhận 500 đồng cổ tức) trong quý II hoặc quý III năm nay. Đây là năm thứ ba liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông. Ngoài ra, Đại hội đồng cổ đông đã thống nhất phương án góp vốn để thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ dự kiến là 2.000 tỷ đồng và góp vốn, nhận chuyển nhượng phần vốn góp/mua cổ phần để một công ty quản lý quỹ trở thành công ty con của VPBank.