VPBank kỳ vọng nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức dự đoán trong năm 2020

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đến thời điểm này về cơ bản dịch Covid-19 đã được khống chế, kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trở lại; cùng với đó là diễn biến tích cực trong hoạt động của ngành ngân hàng nói chung và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) nói riêng.

Kết quả khả quan 9 tháng năm 2020 là minh chứng cụ thể nhất cho chiến lược điều hành đúng đắn của ban lãnh đạo VPBank trong bối cảnh dịch bệnh đã hai lần bùng phát ở Việt Nam.

Kiểm soát hiệu quả nợ xấu và rủi ro tín dụng

Kết thúc quý III năm 2020, mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại VPBank đạt 16,5%, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%, ở mức tốt so với trung bình ngành, tạo nền tảng sẵn sàng cho cú bật tăng trưởng ở các phân khúc bán lẻ trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất được duy trì ở mức dưới 3% trong bối cảnh cả thị trường chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó tỷ lệ này tại ngân hàng riêng lẻ giảm từ mức 2,18% cuối 2019 xuống còn 2,01% cuối quý III-2020. Song song với việc giảm dần tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng cũng gia tăng chi phí dự phòng hợp nhất thêm 14,4% so với cùng kỳ (sau khi đã loại trừ khoản chi phí dự phòng cho Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam-VAMC), tỷ lệ này ở ngân hàng riêng lẻ đạt gần 30%, cho thấy ngân hàng luôn sẵn sàng với “bộ đệm” dự phòng nợ xấu để ứng phó với các tác động của dịch bệnh.

 VPBank luôn nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

VPBank luôn nỗ lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ tốt nhất cho khách hàng.

Tuân thủ theo chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, đồng thời tận dụng lợi thế thanh khoản tốt trong quý III-2020, VPBank đã chủ động cấu trúc bảng cân đối kế toán, giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ở mức từ 1-2%, giúp cải thiện đáng kể chi phí vốn. Bên cạnh đó, VPBank tiếp tục hợp tác với IFC (Tổ chức tài chính Quốc tế), gần đây nhất là khoản vay trị giá 100 triệu USD với giá hợp lý, tạo thuận lợi cho việc tối ưu chi phí vốn trung hạn, dài hạn. Tiền gửi không kỳ hạn cũng đạt mức ấn tượng là 15,6%, tăng mạnh so với mức trung bình 12-13% đạt được hồi cuối năm 2019 và cuối quý II vừa qua. Kết quả này phản ánh VPBank đã có những bước tiến đáng ghi nhận trong việc đa dạng hóa nguồn vốn huy động dài hạn với mức giá hợp lý, góp phần tối ưu hóa bảng cân đối.

Các tỷ lệ an toàn của nhà băng đều được duy trì ở mức tốt. Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên tổng vốn huy động đạt mức 67% (giới hạn của NHNN Việt Nam là 85%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn được kiểm soát ở mức tốt là 27,8%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa NHNN Việt Nam cho phép là 40%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tại ngân hàng hợp nhất tiếp tục được duy trì ở mức hơn 11%, mức khá cao so với yêu cầu tối thiểu 8% theo Basel II, bảo đảm “mức đệm vốn” được duy trì đủ tốt cho ngay cả trường hợp kịch bản xấu nhất của dịch bệnh có thể xảy ra. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) vẫn ở tốp cao nhất thị trường, lần lượt đạt mức 21,8% và 2,5%.

Lợi nhuận vượt kế hoạch nhờ kiểm soát hiệu quả chi phí vận hành

Tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý III, tổng doanh thu của ngân hàng riêng lẻ đã đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 8% so với quý II), thể hiện nỗ lực của ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát lần thứ hai tại Việt Nam. Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng; tỷ trọng thu nhập từ phí trên tổng thu nhập hoạt động tăng từ 13,2% lên 15,1% so với cùng kỳ, tiếp tục chỉ ra chỉ tiêu này là động lực tăng trưởng của VPBank. Cùng góp phần vào tăng trưởng doanh thu là thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24%) và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit (công ty con 100% vốn của VPBank) với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ.

Với hàng loạt sản phẩm đa dạng hóa doanh thu được triển khai đồng bộ, kết hợp với chính sách kiểm soát và tối ưu hóa chi phí hoạt động một cách hợp lý, lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng của VPBank đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất. Tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ, từ 34,7% xuống còn 30,4%. Kết quả kinh doanh khả quan đạt được sau 9 tháng hoạt động đã một lần nữa khẳng định VPBank tiếp tục là ngân hàng cổ phần thuộc tốp đầu thị trường, cả về mặt quy mô lẫn hiệu quả hoạt động. Với việc dịch Covid-19 tiếp tục được Chính phủ kiểm soát tốt như hiện nay và các dấu hiệu chuyển biến tích cực từ thị trường, ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng hoạt động kinh doanh cả năm 2020 của VPBank sẽ đạt kết quả khả quan và nhiều mục tiêu chính sẽ vượt mức dự đoán đặt ra từ đầu năm.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/vpbank-ky-vong-nhieu-muc-tieu-chinh-se-vuot-muc-du-doan-trong-nam-2020-643555