IMF hạ triển vọng kinh tế toàn cầu vì cú sốc thuế quan
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu và cảnh báo nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang tăng nhanh do tác động tiêu cực từ cú sốc thuế quan của Tổng thống Donald Trump.

Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas phát biểu về triển vọng kinh tế thế giới tại cuộc họp báo ở Washington, Mỹ hôm 22-4. Ảnh: AFP
Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mông bố hôm 22-4, IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu nửa điểm phần trăm, xuống 2,8% trong năm nay và 3% vào năm 2026, thấp hơn mức 3,3% của 2024. IFM gọi đây là “cú sốc tiêu cực lớn” từ các rào cản thương mại.
IMF cũng “gọt” gần một điểm phần trăm dự báo tăng trưởng của Mỹ năm nay, từ 2,7% xuống 1,8% trong năm 2025 đồng thời hạ triển vọng của tất cả các nền kinh tế công nghiệp G7 cũng như các nền kinh tế lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi.
Tổ chức này ước tính, tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt 4% trong năm nay và năm tới, thấp hơn mức 5% trong năm 2024 do tác động từ mức thuế 145% tăng thêm của Mỹ trong năm nay. Trong khối các nền kinh tế lơn G20, chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Nga được nâng dự báo tăng trưởng.
Dự báo trên có tính đến các thông báo thuế quan của Mỹ và biện pháp trả đũa các nước từ ngày 1-2 đến 4-4 trước khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn thực thi thuế đối ứng trong 90 ngày nhưng tăng mạnh thuế với Trung Quốc.
“Chúng tôi dự kiến mức tăng mạnh về cả thuế quan và sự bất ổn vào ngày 2-4 sẽ dẫn đến sự suy giảm đáng kể trong tăng trưởng toàn cầu trong thời gian tới”, báo cáo của IMF nhấn mạnh khi đề cập đến mức thuế đối ứng mà Mỹ công bố đầu tháng này.
IMF kêu gọi các quốc gia khẩn cấp giải quyết căng thẳng thương mại để tránh “vết thương” kinh tế thêm sâu.
Chứng khoán Mỹ và các thị trường lớn lao đao trong suốt tháng này khi nhà đầu tư vật lộn với làn sóng thuế quan mới của Mỹ và sự khó lường từ các động thái tiếp theo của ông Trump.
Chứng khoán Mỹ cùng đồng đô la Mỹ bị bán tháo hôm 21-4 giữa lo ngại Tổng thống Trump sẽ tìm cách cách chức Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Jerome Powell Jay Powell vì chậm giảm lãi suất, đe dọa tính độc lập của Fed.
Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng IMF, lạc quan rằng kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ tránh được suy thoái năm nay nhờ đà tăng trưởng mạnh mẽ đầu 2025. Tuy nhiên, ông cảnh báo, xác suất suy thoái ở Mỹ đã nhảy vọt lên gần 40%, từ mức 25% trong báo cáo trước.
“Rủi ro lớn nhất là thuế quan và căng thẳng thương mại có thể leo thang. Thêm vào đó, các điều kiện tài chính có thể siết chặt hơn nhiều so với hiện tại”, ông nói.
Thuế quan cũng sẽ “thổi bùng” lạm phát ở Mỹ, với chỉ số giá tiêu dùng dự kiến tăng 3% trong năm nay, cao hơn 1 điểm phần trăm so với dự báo trước. Gourinchas bảo vệ Fed, cho rằng việc cơ quan này giữ lãi suất ổn định là “hợp lý” để quan sát tác động của thuế quan. IMF dự đoán Fed sẽ cắt lãi suất hai lần trong năm nay.
“Fed đang ở thế chờ xem mọi thứ diễn ra thế nào và đó là cách tiếp cận đúng đắn,” ông nói và nhấn mạnh tầm quan trọng của tính độc lập của Fed để kiềm chế lạm phát.
Báo cáo của IMF được công bố đúng lúc các nhà hoạch định kinh tế toàn cầu đổ về Washington dự hội nghị mùa xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới. Cuộc chiến thương mại toàn cầu chắc chắn sẽ là tâm điểm của hội nghị này.
IMF cảnh báo, các rào cản thương mại có thể gây bất ổn tài chính rộng hơn thậm chí làm tổn hại hệ thống tiền tệ quốc tế. Thuế quan sẽ làm giảm cạnh tranh, kìm hãm đổi mới, gây áp lực lên nền kinh tế của các nước.
Tuy nhiên, IMF vẫn để ngỏ tia hy vọng cho nền kinh tế toàn cầu. “Triển vọng tăng trưởng có thể cải thiện ngay lập tức nếu các nước nới lỏng chính sách thương mại và ký kết thỏa thuận mới”, báo cáo của IMF cho biết.
Tuy nhiên, với quy mô rào cản thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay cả việc hoãn thuế quan cũng khó thay đổi bức tranh ảm đạm.
Hôm qua, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt, tiết lộ cho đến nay, có 18 quốc gia khác đưa ra đề xuất nhượng bộ thương mại với Mỹ. Nhóm đàm phán của ông Trump sẽ họp với 34 quốc gia trong tuần này để thảo luận về thuế quan. Bản thân ông Trump cũng bày tỏ sự lạc quan rằng một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc có thể cắt giảm đáng kể thuế quan đang áp vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Reuters dẫn lời một nguồn thạo tin cho biết, Mỹ và Nhật Bản đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận tạm thời về thương mại, nhưng nhiều vấn đề lớn nhất bị gác lại. Một thỏa thuận tạm thời như vậy sẽ không giải quyết được những bất đồng sâu sắc nhất trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước
Theo Financial Times, Bloomberg, Reuters