Vụ 11 giảng viên khoa Hàn Quốc nghỉ việc: ĐHQG TPHCM lên tiếng
Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân kết luận việc bổ nhiệm Trưởng khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐHKHXH&NV) đã thực hiện theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, theo đúng quy định của pháp luật và đơn vị. Tuy nhiên, Trưởng khoa cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc để có những cải tiến tốt hơn trong quản lý và điều hành công việc của khoa…
Trường ĐHKHXH&NV TPHCM nơi xảy ra vụ việc
Đó là một trong những nội dung trong kết luận về việc giải quyết đơn kiến nghị của 11 giảng viên Khoa Hàn Quốc học, Trường ĐHKHXH&NV mà Giám đốc ĐHQG TPHCM Vũ Hải Quân đã ký. Vụ việc này đã gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo đó, 11 giảng viên này kiến nghị những nội dung gồm: Bà Nguyễn Thị Mai Phương được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Hàn Quốc học chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và các quy định của pháp luật hiện hành; Trưởng khoa thiếu dân chủ trong điều hành quản lý, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo dẫn đến việc điều hành khoa một cách độc đoán, tùy tiện, duy ý chí…; Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch tài chính.
Sau khi lập tổ xác minh, ĐHQG TPHCM đã có thông báo kết luận vụ việc. Theo đó, Giám đốc ĐHQG TPHCM kết luận Trường ĐHKHXH&NV bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương Mai làm Trưởng khoa Hàn Quốc học đã thực hiện theo đúng quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và của đơn vị.
Căn cứ và các xác minh và biên bản làm việc, ĐHQG TPHCM nhận thấy, 11 giảng viên ký tên trong đơn kiến nghị và Trưởng khoa Hàn Quốc học đều là những giảng viên có tâm huyết với trường, với khoa, luôn mong muốn xây dựng một khoa Hàn Quốc học vững mạnh và ngày càng có uy tín. Trưởng khoa Hàn Quốc học thể hiện là một người tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định, quy trình của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên, chính những yếu tố “tuân thủ nghiêm ngặt theo các quy định của trường, lấy tôn chỉ “hoàn thành công việc” làm mục tiêu hàng đầu” đã khiến Trưởng khoa đôi khi bị cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong xử lý một số tình huống, đặc biệt trong một số giao tiếp, làm việc với các nhân sự.
"Trưởng khoa đã có quan tâm đến việc lắng nghe nhưng cách thể hiện lại chưa đủ tinh tế, chưa tạo được một không gian phù hợp để các bên thoải mái chia sẻ, và đôi khi chưa thể kiểm soát được những cảm xúc bộc phát không phù hợp"- kết luận nêu.
ĐHQG TPHCM nhận thấy chưa có đủ cơ sở để kết luận Trưởng khoa thiếu dân chủ trong quản lý điều hành đơn vị, yếu về năng lực quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, Trưởng khoa cần rút kinh nghiệm một cách sâu sắc từ sự việc này để có những cải tiến tốt hơn trong quản lý và điều hành công việc của khoa.
Đối với kiến nghị về việc Trưởng khoa có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tư lợi, không minh bạch trong việc quản lý tài chính của khoa Hàn Quốc học, ĐHQG TPHCM xét thấy không đủ cơ sở như kiến nghị của 11 giảng viên. Tuy nhiên, với vai trò là Trưởng khoa, bà Nguyễn Thị Phương Mai cần xem xét, nghiên cứu kĩ các quy định hiện hành để ban hành các văn bản cụ thể hóa cách thức điều hành, quản lý và công khai tài chính tại đơn vị.
Về phía Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TPHCM đề nghị Trường tăng cường công tác nắm bắt tâm tư nguyện vọng của viên chức, người lao động tại đơn vị, có giải pháp thông tin để không xảy ra việc kiến nghị, phản ánh vượt cấp; đồng thời, giám sát, đôn đốc Trưởng khoa Hàn Quốc học trong việc thực hiện kết luận của ĐHQG TPHCM.
Trước đó, như Tiền Phong đã đưa tin, một nhóm giảng viên gồm 11 người do thuộc khoa Hàn Quốc học, Trường ĐH KHXH&NV cho rằng trưởng khoa không đủ năng lực, bổ nhiệm không “thần tốc” nên đã phản ánh đến trường. Sau nhiều lần họp với kết quả không như mong đợi, họ làm đơn kiến nghị gửi Thanh tra Chính phủ. Sau khi nhận được đơn, Thanh tra Chính phủ chuyển đơn về Trường ĐH KHXH&NV yêu cầu giải quyết.
Trường ĐHKHXH&NV TPHCM ngay sau đó thành lập tổ xác minh và kết luận Trường không làm trái pháp luật khi bổ nhiệm trưởng khoa đối với bà Mai Phương. Tuy nhiên, Trưởng khoa Hàn Quốc học bà Phương Mai bị đề nghị phê bình vì đã có những hạn chế nhất định trong quản lý chuyên môn, quản lý hành chính của khoa, cách ứng xử thiếu linh hoạt trong một số trường hợp dẫn đến bức xúc của nhiều giảng viên.
Tuy nhiên, nhóm giảng viên này không đồng ý và tiếp tục kiến nghị Thanh tra Chính phủ lần 2, kiến nghị lên Giám đốc ĐHQG TPHCM đồng thời nộp đơn nghỉ việc tập thể.