Vụ 359 ha cao su vô chủ ở Gia Lai: Công an tỉnh phục hồi điều tra vụ án hủy hoại rừng

Cơ quan chức năng ở Gia Lai vẫn chưa xác định ai đã phá 359 ha rừng để trồng cao su, trong khi diện tích cao su này vẫn đang được khai thác.

Trao đổi với PLO, đại diện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị đã phục hồi điều tra vụ hủy hoại 359 ha rừng để trồng cao su tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch ở huyện Chư Prông, Gia Lai).

Trước đó, năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.200 ha rừng. Sau đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; VKSND cùng cấp truy tố hai cựu trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch.

Riêng vụ việc hủy hoại hơn 359 ha rừng để trồng cao su được tách thành một vụ án riêng để điều tra.

 Diện tích cao su "vô chủ" thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch. Ảnh: Lê Kiến

Diện tích cao su "vô chủ" thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch. Ảnh: Lê Kiến

Quản lý rừng nhưng không biết ai đang khai thác mủ cao su

Ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, xác nhận đơn vị đang quản lý hơn 359 ha cao su nằm trong lâm phần của ban. Tuy nhiên, ông Vũ nói không biết ai là chủ của diện tích cao su này.

Theo ông Vũ, diện tích này cao su đang "vô chủ” vì không có ai nhận là chủ sở hữu. Ông Vũ nói ông mới được điều động từ địa phương khác đến nên không nắm rõ quá trình hình thành diện tích cao su này. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đang chờ kết luận từ cơ quan thẩm quyền.

Trong khi đó, hiện nay diện tích cao su này vẫn đang được khai thác mủ bình thường! Dù đang được giao quản lý nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch lại không biết ai là chủ của diện tích cao su; doanh nghiệp nào đang khai thác; mủ cao su sau khi khai thác đi về đâu...

Năm 2019, Thanh tra tỉnh Gia Lai kết luận hơn 359 ha rừng bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cây cao su. Tuy nhiên, kết luận không nêu rõ đơn vị nào phá rừng, trồng cao su.

Theo ghi nhận của PV, hơn 359 ha cao su trên nằm liền kề với diện tích cao su của nhiều doanh nghiệp và đan xen trong diện tích rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch quản lý. Theo người dân địa phương, diện tích cao su này trồng đã hơn 10 năm, phần lớn cây cao su có đường kính 20- 40 cm và được khai thác, cạo mủ nhiều năm nay.

 Cao su được khai thác mủ thường xuyên nhưng lại không xác định chủ sở hữu. Ảnh: LK.

Cao su được khai thác mủ thường xuyên nhưng lại không xác định chủ sở hữu. Ảnh: LK.

Theo ông Lê Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Ia Puch, UBND xã chỉ quản lý về mặt hành chính, còn diện tích cao su này của đơn vị nào thì chính quyền địa phương không rõ. Hiện trên địa bàn xã Ia Puch có hơn 9.000 ha cao su của năm công ty là Hoàng Anh Gia Lai (đã chuyển giao cho Công ty TNHH Cao su Trung Nguyên), Bình Dương (thuộc Binh đoàn 15), Quang Đức Gia Lai, Quốc Cường Gia Lai, Cao su Chư Prông.

“Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch được giao quản lý rừng mà họ còn không biết diện tích cao su này của ai thì chính quyền địa phương làm sao biết được! Chúng tôi chỉ biết cơ quan công an đang điều tra”- ông Tuấn nói.

Những công ty nào đã phá gần 400 ha rừng để trồng cao su?

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2008, tỉnh Gia Lai thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng 50.000 ha cao su; trong đó có việc thu hồi nhiều diện tích rừng giao cho 17 doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án, nhiều đơn vị được giao quản lý rừng đã thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều diện tích rừng bị phá ngoài quy hoạch.

Riêng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch đã để các doanh nghiệp hủy hoại, phá gần 1.000 ha rừng để trồng cao su. Trong đó, có hơn 600 ha rừng bị Công ty Bình Dương thuộc Bình đoàn 15 hủy hoại. Tòa án Quân sự Quân khu 5 tại Đà Nẵng tuyên phạt ông Trần Văn Khanh, cựu giám đốc công ty này sáu năm tù về tội hủy hoại rừng.

 359 ha rừng bị phá để trồng cao su trái phép. Ảnh: LK.

359 ha rừng bị phá để trồng cao su trái phép. Ảnh: LK.

Tuy nhiên, 359 ha rừng trên do nhiều doanh nghiệp khác hủy hoại, trồng cao su hơn 10 năm nay vẫn chưa bị truy cứu trách nhiệm, xử lý. Hiện nay, cả cơ quan quản lý rừng, các đơn vị liên quan không hề biết ai là chủ sở hữu của diện tích cao su này, trong khi cao su vẫn được khai thác mủ bình thường.

Giải thích cho sự việc lạ lùng này, ông Nguyễn Anh Vũ, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Puch, nói ông mới về phụ trách đơn vị gần đây nên không biết diện tích cao su này của đơn vị nào. Thậm chí, ông Vũ nói ông cũng không biết công nhân cạo mủ cao su hàng ngày trên diện tích này của đơn vị nào, do ai thuê (!?)

"Vụ việc đang được cơ quan công an điều tra nên chưa thể trả lời cụ thể được”- ông Vũ nói.

PV nhiều lần liên hệ qua điện thoại để đăng ký làm việc với ông Vũ Đình Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Chư Prông, để tìm hiểu thêm sự việc nhưng không nhận được phản hồi. Khi PV trực tiếp đến trụ sở UBND huyện Chư Prông để đăng ký làm việc thì ông Nguyễn Văn Lợi, Phó chánh Văn phòng UBND huyện, từ chối với lý do hai lãnh đạo UBND huyện đều bận họp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, nói hồ sơ vụ việc đang được cơ quan công an tiếp nhận, điều tra nên sở chưa thể cung cấp thông tin.

Còn đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai nói đơn vị không có thông tin về vụ việc này (!?).

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-359-ha-cao-su-vo-chu-o-gia-lai-cong-an-tinh-phuc-hoi-dieu-tra-vu-an-huy-hoai-rung-post797506.html