Vụ Agribank Cần Thơ: Cần dứt điểm bằng một phán quyết công tâm
Sau khi Tòa án nhân dân TP. Cần Thơ tuyên 6 bị cáo vô tội và nhận được sự đồng tình của dư luận, Viện kiểm sát nhân dân thành phố này đã kháng nghị nhưng không có lập luận và tình tiết nào mới so với Cáo trạng từ năm 2018 đã từng bị trả lại.
Từ năm 2018, VOV đã có loạt bài phân tích dấu hiệu oan sai vì đã hình sự hóa quan hệ kinh tế- dân sự trong vụ án Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và 5 bị cáo xảy ra tại Agribank Cần Thơ. Cả 6 bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ truy tố về tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo điều 179 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Cáo trạng của VKSND Thành phố Cần Thơ và Kết luận điều tra của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an TP. Cần Thơ cho rằng, trong những năm 2012 -2015, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cùng 5 bị cáo đã cấu kết, nâng khống giá trị tài sản thế chấp để vay vốn tại Agribank làm Dự án nhà máy nông thủy sản, vi phạm các quy định về cho vay, làm thiệt hại của ngân hàng này hơn 303, 6 tỉ đồng.
Nhưng các tài liệu và thực tế cho thấy, giá trị tài sản thế chấp của bên đi vay được đánh giá là cao hơn rất nhiều so với số tiền vay. Cơ quan an ninh Điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Cần Thơ đã cộng số tiền gốc và tiền lãi trừ đi giá trị tài sản thế chấp (được định giá rất thấp so với thực tế) rồi coi số tiền chênh lệch này là thiệt hại. Trong khi đó, Agribank ngay từ trước khi khởi tố vụ án đều khẳng định, ngân hàng này chưa hề có thiệt hại. Mặt khác, các hợp đồng tín dụng giữa các bên vẫn đang còn hiệu lực và đang được thực hiện theo các quy định của pháp luật dân sự.
Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ nhận định: Các Kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự do Cơ quan điều tra trưng cầu có giá trị thấp hơn Kết luận định giá của các công ty thẩm định giá độc lập, giá chuyển nhượng đất do luật sư cung cấp, đặc biệt có trường hợp Thanh tra Chính phủ kết luận định giá cao hơn Kết luận định giá trong tố tụng hình sự.
Trường hợp xét xử đối với các bị cáo theo quy định tại Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015 thì phải xác định được thiệt hại và cho rằng chỉ xác định được sau khi xử lý tài sản đảm bảo, tài sản hình thành từ vốn vay, từ tài sản riêng của các cá nhân, công ty có liên quan. Do đó, Hội đồng xét xử không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội đối với các bị cáo nên cần áp dụng nguyên tắc “suy đoán vô tội” theo quy định tại điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự, cần tuyên bố các bị cáo vô tội” – Bản án nêu rõ.
Bản án khẳng định “Quan điểm kết tội của đại diện viện kiểm sát không phù hợp với nhận định của hội đồng xét xử nên không được chấp nhận”. Đồng thời, tuyên bố 6 bị cáo gồm Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (Giám đốc Công ty Tây Nam); Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh (cán bộ ngân hàng Agribank Cần Thơ) và Phạm Trường Thi, Nguyễn Văn Đạt (Giám đốc và nhân viên công ty TNHH Tân Tiến) không phạm tội “Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Ngày 16/6/2022, Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo kháng nghị số 03/QĐ-VKSCT ngày 20/01/2022 của Viện Kiểm sát nhân dân TP. Cần Thơ.
Dư luận đang chờ đợi một bản án công tâm, thấu tình đạt lý từ các cơ quan tố tụng để dứt điểm vụ án đã kéo dài hơn 6 năm qua./.
“Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội” - Điều 13, Bộ luật tố tụng hình sự 2015).