Vụ ám sát bằng vũ khí điều khiển từ xa gây tò mò ở Ukraine
Được liên kết với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, sát thủ có thể điều khiển vũ khí từ xa, sau đó tự hủy, trong khi thủ phạm nhanh chóng tẩu thoát. Các băng nhóm xã hội đen có thể thực hiện hành động tương tự với vũ khí tự tạo, đặt ra thách thức mới cho các cơ quan an ninh.
Ngày 8/12/2021, một vụ ám sát nhằm vào một chính trị gia Ukraine đã được thực hiện giữa ban ngay, bên ngoài Văn phòng của người này trên Đại lộ Yavornytsky ở Dnipro. Vũ khí là một khẩu súng tiểu liên AK-74 được điều khiển từ xa, đặt trong một chiếc Opel Astra đang đỗ.
Những người xung quanh nghe thấy nhiều tiếng nổ lớn khi đạn được bắn ra và sau đó chiếc xe bốc cháy. Mục tiêu vụ ám sát không hề hấn gì. Theo Robert Bunker, một chuyên gia chống khủng bố và Giám đốc Nghiên cứu & Phân tích tại C/O Futures, có thể vũ khí bị kẹt và thủ phạm đang ở ngay gần nơi xảy ra vụ án nên đã bị bắt giữ ngay sau đó. Bunker nghi ngờ cuộc tấn công thất bại do thiết bị này được kích hoạt quá sớm, đánh gục vũ khí điều khiển từ xa.
Sự kiện này gợi nhớ đến vụ ám sát “cha đẻ” chương trình hạt nhân Iran Mohsen Fakhrizadeh năm 2020. Nhà khoa học này đã bị ám sát bởi một loạt đạn từ vũ khí điều khiển từ xa bố trí trong một chiếc ô tô đang đỗ. Chiếc ô tô sau đó bị phá hủy bằng một khối thuốc nổ cài sẵn. Cuộc tấn công được cho là do các đặc vụ Mossad thực hiện, sát thủ đã điều khiển vũ khí thông qua liên kết vệ tinh, mặc dù vấn đề đang có nhiều tranh cãi.
Trong sự việc ở Ukraine, thiết bị được cho là tự chế. Một động cơ chạy bằng pin giúp hướng nòng khẩu súng tấn công được trang bị một con trỏ laser (hỗ trợ ngắm) vào mục tiêu. Sát thủ giấu mặt đã điều khiển khẩu AK thông qua điện thoại thông minh từ khoảng cách gần nhằm giám sát cuộc tấn công. Chiếc xe chứa một thiết bị nổ tự chế, cũng được kích hoạt bằng điện thoại, có lẽ nhằm mục đích tiêu hủy bằng chứng.
Năm 2016, Bunker đã nghiên cứu cách hoạt động từ xa của súng trường và súng máy đã được những kẻ khủng bố và quân nổi dậy sử dụng ở Trung Đông chống lại Quân đội Mỹ. Các loại vũ khí này lần đầu tiên được Quân đội Syria Tự do sử dụng tại và xung quanh Aleppo, nhưng sau đó đã mở rộng sang các lực lượng dân quân Shia và các chiến binh người Kurd ở Iraq và các nhóm khác bao gồm cả Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Chúng bao gồm từ các thiết bị thô sơ, vận hành bằng dây cáp đến các vũ khí tinh vi trên robot, nhưng trước đây, nhánh vũ khí này được ít người biết đến. Theo Bunker, mặc dù đã tồn tại một thời gian, vũ khí được điều khiển từ xa thường không được biết đến rộng rãi trước khi nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát. Từ sau vụ đó, giới truyền thông tập trung vào những khẩu súng robot được điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo.
Trong khi tranh cãi về việc liệu một loại vũ khí tương tự được sử dụng trong vụ ám sát Fakhrizadeh hay không, Bunker coi đó là một sự kiện mang tính bước ngoặt khiến những người khác, có thể bao gồm cả những thủ phạm ở Ukraine, nảy sinh ý tưởng áp dụng. Bunker chắc rằng vụ việc ở Iran đã truyền cảm hứng cho phương pháp tấn công trong vụ mới đây ở Ukraine. Một nghi phạm đã bị lực lượng phản ứng nhanh của cảnh sát Ukraine bắt giữ hai ngày sau sự kiện này.
Khám xét căn hộ của nghi phạm,cảnh sát đã tìm thấy thiết bị chế tạo bom, một khẩu súng ngắn, đạn AK-74 và các thiết bị điện tử. Nghi phạm giấu tên đã bị giam giữ với cáo buộc “Chuẩn bị cho hành vi giết người được tính toán trước”. Mục tiêu ám sát được cho là Yuriy Simonov – cấp phó và lãnh đạo chi nhánh địa phương của đảng "Liên minh Dân chủ vì Cải cách" (UDAR). Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, vụ ám sát có thể sẽ khiến tình hình thêm hỗn loạn.
Tuy nhiên, theo các bản tin địa phương, văn phòng công tố tin rằng "lý do của vụ ám sát là các món nợ của đối tượng”. Nói cách khác, ông ta trở thành mục tiêu của bọn côn đồ vì mắc nợ chúng. Simonov đã cảm ơn cảnh sát nhưng nhấn mạnh, “Tôi muốn làm rõ rằng tôi loại trừ bất kỳ động cơ nào liên quan đến các hoạt động tài chính, bởi vì tôi không có bất kỳ khoản nợ nào với bên thứ ba. Tôi cho rằng nỗ lực đó được thực hiện vì các hoạt động xã hội và chính trị của tôi”.
UDAR có lập trường chống tham nhũng mạnh mẽ ở Ukraine, nơi tội phạm có tổ chức đang lan tràn và dường như phổ biến khắp mọi nơi. Nó không chỉ kiểm soát các doanh nghiệp tội phạm béo bở như buôn bán ma túy, vũ khí bất hợp pháp và người, mà còn nhiều doanh nghiệp hợp pháp. Các nhóm tội phạm cũng có quan hệ chặt chẽ với các tầng lớp chính trị. Theo chỉ số tội phạm có tổ chức toàn cầu, “Các nhóm theo kiểu mafia ở Ukraine nắm giữ ảnh hưởng chính trị sâu rộng và được cho là thâm nhập vào nhiều cấp nhà nước”.
Năm 2017, Cục Chống Tham nhũng Quốc gia của Ukraine đã truy tố quan chức thuế hàng đầu, cáo buộc ông này đã biển thủ khoảng 75 triệu USD. Một báo cáo năm 2019 về tội phạm ở Ukraine lưu ý "các cơ quan nhà nước đáng lẽ phải “thượng tôn pháp luật” thì lại thường cấu kết với bọn tội phạm để lách luật". Vì vậy, không chỉ có người Nga mà các chính trị gia Ukraine cũng lo sợ bị ám sát.
Chuyên gia Bunker tin việc sử dụng vũ khí điều khiển từ xa của các nhóm phi nhà nước cũng như các tổ chức nhà nước trên toàn thế giới có nhiều khả năng gia tăng. Những vũ khí như vậy có thể dễ dàng thực hiện bước nhảy vọt từ điều khiển từ xa sang tự động. Được liên kết với công nghệ như nhận dạng khuôn mặt, các sát thủ có thể để lại vũ khí điều khiển từ xa để tự động thực hiện cuộc tấn công và tự hủy trong khi họ gấp rút rời khỏi đất nước.
Nếu các nhóm như Mossad có thể thực hiện các chiến dịch như vậy với độ chính xác kỹ thuật cực lớn, các băng nhóm xã hội đen cũng có thể thực hiện hoạt động tương tự với phiên bản vũ khí tự tạo riêng, đặt ra một thách thức mới cho các cơ quan an ninh./.