Vụ án AIC tại Bắc Ninh: Một bị cáo khai không nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn
Cuối giờ sáng 29-10, Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiến hành thẩm vấn các bị cáo trong phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh và các đồng phạm trong vụ án sai phạm đấu thầu thiết bị y tế tại địa phương này.
Là người đầu tiên khai báo trong phần xét hỏi, bị cáo Lã Tuấn Hưng (Tổng Giám đốc Công ty Sông Hồng), thừa nhận, trong vụ án, bản thân có vi phạm quy định đấu thầu, gây thiệt hại 22 tỷ đồng như cáo trạng quy kết.
Tuy vậy, bị cáo Hưng khẳng định, giai đoạn Công ty Sông Hồng tham gia đấu thầu thiết bị y tế tại Bắc Ninh, mình là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, chỉ làm các công việc liên quan mua sắm thiết bị rồi bán lại cho 3 bệnh viện tuyến huyện ở Bắc Ninh. Bị cáo Hưng khai, không biết việc Công ty Sông Hồng xin vốn Trung ương cho tỉnh Bắc Ninh.
Tại phiên tòa, bị cáo Hưng cũng thừa nhận, sau khi đấu thầu, trúng thầu tại 3 bệnh viện, đã rút 6 tỷ đồng đưa cho Chủ tịch HĐQT Công ty Sông Hồng Đặng Tiên Phong (đã chết năm 2021) để vị này đi cảm ơn lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Ban Quản lý dự án công trình xây dựng y tế tỉnh Bắc Ninh.
Đứng trước bục khai báo, bị cáo Trần Văn Tuynh (cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh), thừa nhận nội dung trong cáo trạng là đúng. Bị cáo Tuynh khai, trong quá trình làm giám sát xây dựng Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh vào năm 2012 có quen biết với Lã Tuấn Hưng. Sau đó, bị cáo Hưng có nói chuyện với Tuynh về 6 dự án xây dựng bệnh viện tuyến huyện tại tỉnh Bắc Ninh. Song, thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh đang gặp khó khăn về nguồn vốn dẫn đến việc xây dựng các bệnh viện này bị chậm trễ, thi công kéo dài.
Do có quen biết từ trước, năm 2013, Đặng Tiến Phong đặt vấn đề với Tuynh về việc Phong có nhiều mối quan hệ, sẽ tác động các bộ, ngành Trung ương để xin được nguồn vốn. Sau đó, Tuynh báo cáo lại việc này cho lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh lúc đó là ông Nguyễn Nhân Chiến và ông Nguyễn Tử Quỳnh.
Hồ sơ vụ án thể hiện, khi được sự đồng ý của 2 vị lãnh đạo, ông Phong đã đưa cho Tuynh 4,5 tỷ đồng và Lã Tuấn Hưng đưa cho Tuynh 1,5 tỷ đồng (tổng cộng 6 tỷ đồng) để nhờ cảm ơn.
Cũng trong khoảng cuối năm 2013, Nguyễn Thị Thanh Nhàn gọi điện cho bị cáo Tuynh đặt vấn đề Nhàn sẽ tác động bộ, ban, ngành Trung ương để xin phê duyệt nguồn vốn bổ sung cho các dự án về y tế tại tỉnh Bắc Ninh. Sau khi xin được vốn, AIC được tham gia đấu thầu và trúng thầu cung cấp thiết bị y tế cho 6 gói thầu tại 6 bệnh viện. Bị cáo Tuynh đề nghị Nhàn gặp, báo cáo xin ý kiến lãnh đạo tỉnh vì các gói thầu này đã có kế hoạch triển khai và có nhà thầu khác đã đăng ký thực hiện.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Văn Tuynh khẳng định không nhận tiền của AIC, mà chỉ được bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn gửi quà là thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm.
Theo hồ sơ, năm 2013, ông Đặng Tiên Phong liên hệ với Trần Văn Tuynh đặt vấn đề ông phụ trách xin vốn bổ sung từ Thủ tướng Chính phủ cho lĩnh vực y tế tại Bắc Ninh. Đổi lại, bị cáo Tuynh và chính quyền Bắc Ninh phải giúp Công ty Sông Hồng trúng 6 gói thầu thiết bị y tế tại bệnh viện các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài, Thuận Thành. Bị cáo Tuynh đồng ý, nhưng sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên hệ nội dung tương tự. Do biết bà Nhàn có quan hệ với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và Trung ương nên Tuynh báo lại việc này cho cấp trên.
Hai bên sau đó thống nhất "để tránh va chạm", Công ty Sông Hồng sẽ thực hiện 3 gói tại bệnh viện các huyện Yên Phong, Tiên Du, Quế Võ (các huyện phía Bắc sông Đuống) còn Công ty AIC thực hiện 3 gói tại Gia Bình, Thuận Thành, Lương Tài (phía Nam sông Đuống). Cơ quan tố tụng cáo buộc các bị cáo đã vi phạm quy định, dùng quân xanh đấu thầu, nâng giá... Đến nay, cả 6 gói thầu đã được bàn giao và gây thiệt hại 48 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.