Vụ án 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2: Nhiều bị cáo bật khóc khi tự bào chữa

Được quyền bào chữa cho mình trước HĐXX, nhiều bị cáo đã không cầm được nước mắt khi nói những lời ân hận về việc làm của mình trong vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2.

Đại diện VKS tại phiên tòa

Đại diện VKS tại phiên tòa

Ngày 25/12, phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2 bước sang ngày làm việc thứ 2, tiếp tục được diễn ra ở phần tranh tụng.

Những giọt nước mắt muộn màng

Theo đó, khi được HĐXX cho các bị cáo được quyền tự bào chữa, đã có nhiều bị cáo không cầm được nước mắt; nhiều bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình có công với cách mạng, mong HĐXX cho họ được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Luật sư của bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó trưởng Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT cho biết, trước khi bị khởi tố, bị cáo Quang đã có đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân. Bị cáo cũng đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án.

Trong vụ án này, bị cáo Vũ Hồng Quang bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 7,4 tỷ đồng cho Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) để xin giấy phép của Ban Chỉ đạo chấp thuận cho 624 công dân về nước trên các chuyến bay đơn lẻ. Bản thân bị cáo Quang hưởng lợi số tiền hơn 19 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Các bị cáo tại phiên tòa xét xử

Bị cáo Quang bị đề nghị tuyên phạt mức án 3- 4 năm tù. Trong phần tự bào chữa, bị cáo Quang cho hay, sau khi biết hành vi của mình là phạm tội đã rất sốc. Trong nước mắt, bị cáo này xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt; xin được xem xét đến việc mảnh đất mà bị cáo được giao làm nơi thờ tự đang bị kê biên khiến cả dòng họ của bị cáo thấy đau xót.

Thực hiện tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Mạnh Cương cũng đã không cầm được nước mắt khi trình bày về những sai lầm mà mình đang phải trả giá.

Bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 3-4 năm tù về tội ''Đưa hối lộ'', bị cáo Cương bày tỏ mong muốn được hưởng mức án khoan hồng hơn để sớm có cơ hội trở lại với gia đình, lấy bản thân mình làm tấm gương căn dặn cho thế hệ sau phải chấp hành nghiêm quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ án, bị cáo Phạm Quốc Thắng (Giám đốc Công ty TNHH PNR) bị cáo buộc đã chuyển hơn 3,4 tỷ đồng cho những người khác để đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên, nhằm có được văn bản chấp thuận cho 345 công dân về nước, hưởng lợi hơn 832 triệu đồng.

Bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Đỗ Ánh Tuyết đưa ra quan điểm, hành vi phạm tội dẫn đến việc bị cáo phải đứng trước tòa hôm nay có nguyên nhân một phần do sức ép, nhu cầu rất lớn của công dân ở nước ngoài muốn trở về Việt Nam trong đại dịch Covid.

Theo luật sư, bị cáo Thắng phạm tội do thiếu hiểu biết pháp luật, bởi ở thời điểm thực hiện hành vi giúp sức đưa hối lộ, bị cáo không hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là sai trái, phạm pháp.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa

Cho rằng bị cáo Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể và hành vi phạm tội giản đơn, thụ động, luật sư Đỗ Ánh Tuyết đề nghị HĐXX và đại diện VKS xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn nữa về tính chất, mức độ trong hành vi giúp sức của bị cáo Thắng, đặc biệt là tính công bằng giữa các bị cáo trong nhóm tội “Đưa hối lộ”.

Đồng bào chữa cho bị cáo Thắng, luật sư Trịnh Tuyến đề nghị HĐXX xem xét một phần công lao của bị cáo trong việc đưa được 345 người Việt Nam ở nước ngoài về nước trong thời điểm dịch bệnh; xem xét tương quan giữa số tiền đưa hối lộ và số tiền hưởng lợi so với các bị cáo khác. Luật sư cũng nhắc đến các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có thể áp dụng được cho bị cáo Thắng.

Lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm trái

Trong phần tranh tụng trước đó, luật sư Vân Trang, người bào chữa bị cáo Trần Tùng, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, bị cáo Trần Tùng đã có lỗi khi xem chủ trương đưa công dân ở nước ngoài về nước cách ly thời điểm xảy ra dịch Covid-19 như một “cơ hội” để hưởng lợi từ vị trí công tác của mình.

Luật sư đề nghị HĐXX và đại diện VKS đánh giá về ý thức của bị cáo Tùng trong việc thỏa thuận mức chi phí với Lê Văn Nghĩa.

Theo luật sư, bị cáo Tùng không có khả năng để gây khó khăn, nhũng nhiễu doanh nghiệp, bị cáo tham gia vào việc tiếp nhận công dân từ nước ngoài về là do được giao nhiệm vụ từ cấp trên.

Khi bị cáo làm việc cùng với ông Lê Văn Nghĩa, tâm thế của bị cáo không phải là dùng quyền lực của mình để ép ông Nghĩa phải chi tiền, mà ở đây chỉ mang tính chất đàm phán, thỏa thuận chi phí dựa trên những tính toán chi phí trên thực tế.

Luật sư Trang Vân cho rằng, bản thân bị cáo Trần Tùng không nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật hình sự. Quá trình giải quyết vụ án ở thời điểm đầu, bị cáo còn chưa nhận thức được tính tội phạm của hành vi. Cho đến khi làm việc với CQĐT, bị cáo đã có chuyển biến trong nhận thức, từ đó thành khẩn nhận tội và nhờ gia đình khắc phục hậu quả vụ án.

Đến nay, cựu Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên đã khắc phục hậu quả số tiền 5,7 tỷ đồng.

Toàn cảnh phiên tòa

Toàn cảnh phiên tòa

Đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà bị cáo Tùng bị cáo buộc, luật sư không tranh luận về tội danh. Luật sư đề nghị HĐXX đánh giá tính chất, mức độ sai phạm của bị cáo Tùng một cách đúng đắn nhất.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Tùng bị cáo buộc đã nhận hối lộ 3 lần, tổng số hơn 4,4 tỷ đồng của ông Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh.

Ngoài ra, bị cáo còn lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ để làm trái. Bị cáo tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Thái Nguyên trong việc thực hiện 7 chuyến bay của bà Bùi Thị Kim Phụng (đại diện Công ty Fujitravell, Nhật Bản), hưởng lợi số tiền hơn 3,2 tỷ đồng.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Trần Tùng khai rằng, bị cáo coi việc đưa người về cách ly Covid-19 là “cơ hội kiếm tiền”… Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Tùng mức án 12- 14 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cùng trong phần tranh tụng, luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Thị Quyên (Giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) trình bày về hoàn cảnh khó khăn của bị cáo khi phải một mình nuôi con, bị trầm cảm.

Hơn nữa, bị cáo là người dân tộc thiểu số nên có hạn chế về nhận thức pháp luật…. Do đó, luật sư mong HĐXX cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Thị Quyên mức án từ 2 - 3 năm tù về tội Nhận hối lộ.

Trong vụ án này, bị cáo Quyên bị cáo buộc đã giúp sức cho bị cáo Trần Tùng nhận hối lộ 3 lần tổng số hơn 4,4 tỷ đồng của ông Lê Văn Nghĩa, hưởng lợi số tiền 300 triệu đồng.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/vu-an-chuyen-bay-giai-cuu-giai-doan-2-nhieu-bi-cao-bat-khoc-khi-tu-bao-chua-464541.html