Vụ án duy nhất nào do Bao Công xét xử được chính sử ghi chép?
Nổi tiếng thanh liêm, từng xử nhiều vụ án nhưng cả đời làm quan, Bao Công chỉ có 1 vụ án duy nhất được chính sử lưu lại. Hãy xem đó là vụ án gì và bạn đã từng nghe qua hay chưa nhé.
Từ xưa đến nay, trên chốn quan trường có biết bao nhiêu người, tham quan cũng có mà thanh quan cũng nhiều. Trong số các vị quan viên trong lịch sử, nếu phải kể tới vị quan tốt nổi tiếng trong dân gian, thì có lẽ không ai xứng đáng hơn "Bao Hắc Tử" thời Bắc Tống.
Tất nhiên, "Bao Hắc Tử" không hề đen chút nào, hình ảnh một "Bao Hắc Tử" với khuôn mặt đen như than cũng chỉ là kết quả của sự sáng tạo của các thế hệ sau này.
"Bao Hắc Tử" chính là Bao Chửng, thường được gọi bằng những danh xưng khác như Bao Thanh Thiên hay Bao Công, ông là hiện thân, là đại diện cho khát khao tốt đẹp nhất của bách tính về một vị quan phụ mẫu.
Bởi lẽ đa phần quan lại ngày xưa đều chẳng lấy gì làm thanh liêm, chưa đạt được tiêu chuẩn là người có thể tạo phúc cho dân, thậm chí chỉ cần vị quan đó không tùy tiện áp bức, bóc lột dân chúng thì nhân dân đã tạ ơn trời đất lắm rồi.
Giữa hằng hà sa số những vị quan xấu, quan không thanh liêm thì Bao Chửng – một vị quan đầy mẫu mực trong mắt các thế hệ sau lại càng trở nên vĩ đại, trở nên cao lớn, thậm chí còn có thể sánh ngang với Thần.
Đến ngày nay, lòng tôn kính, sùng bái, ngưỡng mộ với Bao Chửng của người dân vẫn chưa từng giảm đi chút nào, vẫn còn vô số những câu chuyện thần thoại về Bao Chửng được lưu truyền đến tận ngày nay. Hơn thế, các nhà làm nghệ thuật còn không ngừng sáng tạo thêm những câu chuyện mới để bày tỏ hết sự ngưỡng mộ của nhân dân với Bao Chửng.
Trong lịch sử thực tế, Bao Chửng là một nhân vật vô cùng ưu tú, song ông cũng rất may mắn khi sinh ra vào thời vua Tống Nhân Tông vậy nên cuộc đời ông mới không phải trải qua nhiều sóng gió.
Những câu chuyện đầy uẩn khúc song cũng đầy thú vị được lưu truyền trong dân gian đa phần đều là những câu chuyện được tưởng tượng ra.
Sơ lược về Bao Chửng
Bao Chửng 28 tuổi đỗ Tiến sĩ, sau đó ông làm chức quan nhỏ một thời gian ngắn, đến khi cha mẹ già yếu ông liền xin từ quan về phụng dưỡng cha mẹ. Sau khi cha mẹ lần lượt qua đời, Bao Chửng chịu tang đủ thời gian rồi mới quay lại làm quan. Bấy giờ, Bao Chửng đã 38 tuổi.
Kể từ đó, Bao Chửng lần lượt đảm nhiệm các vị trí Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), Tri phủ Đoan Châu (nay là Triệu Khánh, Quảng Đông), Điện Trung Thừa…
Đến năm 53 tuổi, ông nhậm chức Học sĩ ở Long Đồ Các, cho nên ngày sau người ta cũng thường gọi Bao Chửng là Bao Long Đồ.
Đến năm 57 tuổi, Bao Chửng nhậm chức Quyền tri Khai Phong phủ, tuy rằng ông đảm nhiệm vị trí này không lâu, nhưng lại có nhiều cống hiến lớn lao, có sức ảnh hưởng rất lớn, sau này mỗi khi nhắc tới Bao Công nhiều người còn cho rằng Khai Phong phủ chính là của nhà họ Bao.
Câu chuyện về cẩu đầu trảm ai ai cũng biết, song đây cũng coi như một chuyện hiểu lầm đầy tốt đẹp.
Chức quan cao nhất mà Bao Chửng từng làm là Khu Mật phó sứ, tương đương với vị trí Phó tướng Quân ủy, song ông cũng chỉ mới làm được hai năm thì mắc bệnh rồi qua đời, hưởng thọ 64 tuổi, thụy hiệu Hiếu Túc, bởi vậy Bao Chửng còn có một tên gọi khác là Bao Hiếu Túc.
Bao Chửng làm quan cương trực, không a dua, nịnh hót, công chính liêm khiết, chấp pháp nghiêm cẩn, những điều này đều không cần phải nói thêm nữa. Giai thoại nổi tiếng nhất của ông là có lần ông khuyên can Tống Nhân Tông, khuyên đến mức bắn cả nước bọt vào mặt Nhân Tông, vua không còn cách nào khác đành nghe theo lời Bao Chửng. Dĩ nhiên, câu chuyện này mặt khác cũng ca ngợi sự độ lượng, khoan dung của Tống Nhân Tông.
Vụ án duy nhất do Bao Công xét xử được chính sử lưu lại
Tuy có rất nhiều giai thoại được truyền lại nhưng trong cuộc đời xử án của Bao Công lại chỉ có duy nhất 1 vụ án được chính sử lưu lại.
Nội dung vụ án đó như sau:
Khi còn nhậm chức Tri huyện Thiên Trường, Bao Chửng gặp phải vụ án cắt trộm lưỡi bò.
Có một tên vô lại cắt mất lưỡi con bò của một hộ nông dân trước đó từng kết thù với hắn. Người nông dân đem chuyện này báo lên quan phủ, Bao Chửng bảo người đó rằng, hãy về nhà mổ thịt con bò ấy đi.
Theo pháp luật nhà Tống, giết trâu/bò vẫn còn sức canh tác là phạm pháp. Thủ phạm vốn có thù với người nông dân kia, thấy người này mổ bò liền hí hửng đến huyện nha tố cáo.
Bao Chửng thăng đường, thẩm vấn tên vô lại, hỏi hắn vì sao lại cắt lưỡi bò nhà người kia. Tên vô lại hoảng sợ, vội thành khẩn nhận tội.
Nguyên văn như sau: "(Bao Chửng) Tri huyện Thiên Trường. Có tên đạo tặc cắt trộm lưỡi bò, chủ bò đến báo án. Chửng nói: Giờ ngươi quay về nhà, mổ bò lấy thịt bán. Sau đó có người đến tố cáo có nhà lén giết bò. Chửng nói: ‘Tại sao ngươi cắt lưỡi bò mà còn dám tới đây tố cáo?’ Tên trộm hoảng sợ, nhận tội.