Vụ án giả chủ khách sạn hiếp, cướp khách nữ

Tòa án tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm nhưng nội dung vụ án lại liên quan đến thuần phong mỹ tục… nên chưa thật sự hợp lý, hợp tình.

TAND quận 12 (TP.HCM) vừa tuyên trả hồ sơ một vụ án hiếp dâm, cướp tài sản, không tố giác tội phạm và chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Đây là phiên tòa rút kinh nghiệm trong cụm thi đua. Phiên tòa có sự tham dự của đại diện VKSND TP.HCM, VKSND quận 1, quận Gò Vấp, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi để rút kinh nghiệm chung trong công tác xét xử.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PL

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PL

Hiếp không được thì cướp

Bị cáo Nguyễn Thành Trung bị đưa ra xét xử về tội hiếp dâm, cướp tài sản. Hai bị cáo dưới 18 tuổi là PHTT (sinh ngày 26-5-2003) và HNH (sinh ngày 1-3-2005) cũng bị xét xử về tội cướp tài sản. Bạn gái của Trung là Nguyễn Thị Lý bị xét xử về hai tội không tố giác tội phạm và chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tại phiên tòa, Trung thừa nhận toàn bộ hành vi như cáo trạng truy tố. Theo đó, thông qua mạng xã hội, Trung làm quen chị H. và nói với chị rằng Trung có phòng cho thuê. Tối 18-9-2020, Trung dụ chị H. vào khách sạn ở phường Tân Thới Nhất, quận 12 để Trung cho thuê phòng. Khi chị H. đang xem nhà vệ sinh thì Trung tấn công chị rồi thực hiện hành vi hiếp dâm nhưng không thành. Sau đó, Trung kêu PHTT mang dây, khăn đến để cột tay chân và nhét khăn vào miệng chị, rồi nhốt chị trong tủ quần áo.

Thực hiện xong các hành vi trên, Trung về nhà trọ của bạn gái ở đường Dương Quảng Hàm, phường 5, quận Gò Vấp. Trung nói “mới lấy được xe và điện thoại di động ở An Sương”. Trung không nói mới hiếp dâm và cướp tài sản...

Biết và không biết: Ranh giới giữa có tội và không tội

Bị cáo Lý khai rằng khi gặp nhau, Trung không nói cho Lý biết Trung vừa hiếp và cướp xong. Trung chỉ nói lấy được xe và điện thoại di động chứ Lý không biết Trung lấy thế nào, mua hay mượn. Đối với cáo buộc chứa chấp tài sản do Trung phạm tội mà có, Lý khai do khu nhà trọ mà Lý đang ở có khu để xe riêng nên Trung đến thì để xe máy ở đó, như mọi người bình thường. Lý không nhận giấu xe hay giữ xe giùm Trung.

Bị hại xin xét xử vắng mặt. Phiên tòa cũng không có mặt của đại diện khách sạn. Do đó, tòa chưa làm rõ được vai trò của chủ khách sạn trong việc Trung có thể ngang nhiên dẫn khách vào lừa cho thuê phòng, cũng chưa làm rõ được rằng chị H. đã báo cho khách sạn hay trình báo công an sau khi sự việc xảy ra. Cáo trạng cũng chưa nêu được quá trình điều tra, chủ khách sạn hay người quản lý khách sạn đã khai gì.

Phần luận tội, đại diện VKSND quận 12 đã đề nghị phạt Trung 3-4 năm tù về tội hiếp dâm, 4-5 năm tù về tội cướp tài sản. VKS đề nghị phạt PHTT và HNH mỗi người 3-4 năm tù về tội cướp tài sản; phạt Lý về hai tội không tố giác tội phạm và chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, mỗi tội 6-9 tháng tù.

Nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi

Điều đáng nói là tại thời điểm xảy ra vụ án, Lý đang mang thai nhưng VKS không áp dụng tình tiết giảm nhẹ “người phạm tội là phụ nữ có thai”.

Tranh luận, luật sư bào chữa cho PHTT và HNH nêu Điều 101 BLHS 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định mức hình phạt đối với người phạm tội từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bằng 1/2 khung hình phạt quy định; mức hình phạt đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bằng 3/4 khung hình phạt. Luật sư đề nghị kiểm sát viên xem xét lại, không thể đề nghị mức án hai bị cáo dưới 18 tuổi này bằng nhau được.

Ngoài ra, xét về vai trò của hai bị cáo trong vụ án, tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của hai bị cáo này thì không thể xử lý hai bị cáo dưới 18 tuổi này mức án gần với mức án của Trung được.

Luật sư của PHTT và HNH cũng đề nghị xem xét tính chất, mức độ hành vi của hai bị cáo. Cụ thể, PHTT chỉ nghe và mang dây, khăn tới cho Trung. Còn HNH vì được rủ đi cùng nên đi theo và đứng chờ ở ngoài chứ không tham gia. HNH chỉ nghe câu chuyện qua việc PHTT mở loa điện thoại khi nói chuyện với Trung…

Cuối cùng, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ ý thức chủ quan của bị cáo Lý về việc có biết bị cáo Trung cướp xe hay không. Bởi lẽ tại cơ quan điều tra, Lý khai “có biết”, còn tại tòa thì bị cáo này nói không biết việc Trung phạm tội.•

Đưa vụ án hiếp dâm ra xử rút kinh nghiệm, nên không?

Vụ án được đưa ra xét xử rút kinh nghiệm là một vụ án về tội phạm hiếp dâm, lại có người phạm tội là người dưới 18 tuổi, trong đó có bị cáo ở độ tuổi trẻ em khi phạm tội (dưới 16 tuổi).

Theo Thông tư 02/2018 của chánh án TAND Tối cao, xét xử người phạm tội là người dưới 18 tuổi phải xét xử ở phòng xử thân thiện. Còn theo Điều 25 BLTTHS 2015 thì khi cần giữ thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người dưới 18 tuổi, tòa có thể xét xử kín...

Ở vụ án này, cáo trạng mô tả tỉ mỉ từng hành vi của bị cáo khi thực hiện hành vi hiếp dâm. Tuy nhiên, phiên tòa lại được xét xử công khai, có sự chứng kiến của nhiều người, với sự tham dự của đại diện các VKS và người dân, người thân của bị cáo. Không chỉ cáo trạng được đọc công khai mà quá trình xét hỏi cũng diễn ra công khai trước nhiều người…

Có thể về mặt nghiệp vụ (kiểm sát và xét xử), vụ án này có nhiều nội dung, tình tiết cần rút tỉa bài học kinh nghiệm cho cả viện lẫn tòa. Song với tính chất, hành vi của vụ án như đã nói, rõ ràng việc chọn phiên xử vụ án này để làm phiên tòa rút kinh nghiệm là điều không nên.

PHƯƠNG LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-an-gia-chu-khach-san-hiep-cuop-khach-nu-984791.html