Vụ án Tổng công ty Chè Việt Nam: Những chiêu trò 'biến' đất công thành tư
Đất do Tổng công ty (TCT) Chè Việt Nam quản lý đã được đưa ra ngoài giá trị doanh nghiệp, sau đó chuyển sang cho doanh nghiệp tư nhân dưới hình thức góp vốn, bán phần vốn không qua đấu giá.
Đưa đất "vàng" ra ngoài giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa
Theo cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, TCT Chè được Nhà nước giao quản lý, sử dụng 11 cơ sở nhà đất. Quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, Hội đồng Quản trị (HĐQT), Ban tổng giám đốc (TGĐ) TCT Chè và các cá nhân liên quan đã có những hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho Nhà nước.

Tòa án nhân dân TP Hà Nội kiến nghị các địa phương thu hồi đất vàng. Ảnh khu đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM. Ảnh: TPO.
Cụ thể: Cơ sở nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM - tọa lạc tại vị trí "vàng" - do Chí nhánh TCT Chè TP.HCM mua (1991) với mục đích làm văn phòng làm việc và cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Năm 2007, TCT Chè ban hành quyết định cho phép lập dự án đầu tư xây dựng nhà làm việc và văn phòng cho thuê.
TCT Chè Việt Nam quản lý 11 cơ sở nhà đất, gồm: Số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP.HCM; Số 25D Cát Linh, TP Hà Nội; Số 126 Lạch Tray và số 314, Vạn Mỹ, TP Hải Phòng; Kho Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội; Khu đất tại Lương Sơn, Hòa Bình; số 59 An Bình, phường 6, quận 5, TP.HCM; đất vườn ươm và đất nhà máy Chè Chiềng Đi; đất nhà máy Chè Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La; khu đất tại số 67 Ngô Thị Nhậm, Hai Bà Trưng, TP Hà Nội và Tổng công ty Lâm Nghiệp quản lý 1 cơ sở nhà đất tại 67 Ngô Thị Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Quá trình quản lý, sử dụng các khu đất trên, HĐQT, Ban TGĐ TCT Chè và các cá nhân liên quan đã có những hành vi trái pháp luật, gây hậu quả thiệt hại cho nhà nước.
Năm 2015, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa TCT Chè, trong đó các khu đất, bao gồm cả 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (446m2). Đây là đất thuê trả tiền hàng năm, giao cho TCT Chè lập phương án sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Trong quá trình cổ phần hóa (2013-2019), ông Nguyễn Thiện Toàn, Phụ trách HĐQT kiêm TGĐ TCT Chè có văn bản đề nghị UBND TP.HCM cho chuyển sang hình thức thuê đất thời hạn 50 năm trả tiền một lần đối với diện tích đất trên.
Theo tài liệu điều tra, ông Nguyễn Thiện Toàn ký giấy ủy quyền cho ông Bành Thương Trí, Giám đốc Công ty Chè Sài Gòn, đồng thời là tiểu ban cổ phần hóa Công ty Chè Sài Gòn ký hợp đồng vay tiền của Công ty GB TEA để nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Số tiền là 27,9 tỷ đồng.
Hợp đồng giữa hai bên có nội dung: "Công ty Chè Sài Gòn chịu trách nhiệm thực hiện quyền sử dụng đất thuê, đóng tiền thuê một lần, thời hạn thuê từ 25/9/2015-1/1/2046 cho Công ty GB TEA trong vòng 90 ngày kể từ ngày bên vay nhận được khoản vay với các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước và công chứng".
Sau đó Công ty Chè Sài Gòn đã nộp số tiền 27,9 tỷ đồng cho Nhà nước và được Sở TN&MT ký hợp đồng cho thuê và cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Nhưng tài sản này không được hạch toán bổ sung, không xác định tài sản vào giá trị thực tế doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Thực hiện hợp đồng trên, HĐQT TCT Chè Việt Nam ban hành nghị quyết thống nhất góp vốn quyền sử dụng đất tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa nhưng không báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN - nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) thẩm định, chấp thuận; sau đó ký ban hành nghị quyết cấn trừ công nợ 27,9 tỷ với Công ty GB TEA... TCT Chè và Công ty GB TEA không còn bất cứ quyền lợi và nghĩa vụ gì với nhau.
Tháng 17/12/2015, TCT Chè chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, 25/12/2015, ông Nguyễn Thiện Toàn vẫn sử dụng chữ ký, con dấu của TCT Chè ký hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất thuê 50 năm trả tiền một lần tại 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa với ông Trần Văn Đức, TGĐ GB TEA, và ký văn bản đề nghị UBND TP.HCM và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM cho phép TCT Chè được chuyển quyền thuê đất và kế thừa Quyền sử dụng đất, cho phép Công ty GB TEA đứng tên trên giấy chứng nhận.
Theo đó, 5/2/2016, ông Nguyễn Thiện Toàn ký biên bản thanh lý hợp đồng thuê đất giữa Sở TN&MT TP.HCM với Chi nhánh Công ty Chè Việt Nam. Cùng ngày, Sở TN&MT TP.HCM ký hợp đồng thuê đất và Văn phòng Đăng ký đất đai xác nhận thay đổi (do nhận góp vốn) trên giấy chứng nhận QSDĐ cho Công ty GB TEA (đổi tên trên giấy chứng nhận QSDĐ từ Chi nhánh Công ty Chè Việt Nam sang Công ty GB TEA -PV). Tháng 4/2016, Công ty GB-TEA ký hợp đồng chuyển nhượng và đề nghị sang tên khu đất cho Công ty Nam Thiên Phát, nhưng Văn phòng đăng ký đất đai chưa thực hiện mà giữ giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho BB TEA cho đến nay.
Chuyển nhượng đất không qua đấu giá
Tại khu đất 1.500m2 Trần Khát Chân (Hà Nội) được Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm (sau là Bộ NN&PTNN) cho phép Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư phát triển Chè (nay là TCT Chè) liên doanh với đối tác nước ngoài để đầu tư xây dựng Trung tâm Đấu giá chè và khách sạn quốc tế Hưng Trà.
TIN LIÊN QUAN

Vì sao loạt nguyên lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam bị bắt?

Cựu lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam sắp hầu tòa vì mang "đất vàng" đi góp vốn

Mang "đất vàng" đi góp vốn, cựu lãnh đạo Tổng công ty Chè Việt Nam bị đề nghị mức án nào?
Năm 1994, TCT Chè ký hợp đồng liên doanh với Công ty Mulpa Haute Counture SDN.BHD của Malaysia để lập và kinh doanh khách sạn Hotel Indochine Hà Nội. Tổng vốn đầu tư là 10,180 triệu USD, trong đó TCT Chè sẽ góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tương ứng khoảng 1,4 triệu USD (30%); Công ty Mulpa Haute Counture SDN.BHD góp 70%.
Sau khi làm thủ tục đầu tư, năm 2009, TCT Chè ký nghị quyết giao tổng giám đốc công ty kêu gọi vốn thành lập công ty cổ phần. Sau đó, TCT Chè sẽ chuyển nhượng phần góp vốn để cơ cấu lại nguồn vốn theo kế hoạch. Năm 2010, TCT Chè xin Bộ NN&PTNN chuyển nhượng quyền đầu tư. Bộ NN&PTNN đã cho phép chuyển nhượng quyền đầu tư khác để tiếp tục thực hiện dự án. Nhưng trên thực tế, TCT Chè đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào liên danh và Công ty Mulpa Haute Counture SDN.BHD chưa góp vốn 70% song hợp đồng đã được ký.
Năm 2011, ông Nguyễn Thiện Toàn ký hợp đồng chuyển nhượng (chỉ định) phần góp vốn của TCT Chè trong liên danh là quyền sử dụng đất 1.500m2 này cho Công ty Sông Châu với giá 10 tỷ đồng không qua đấu giá. Cáo trạng xác định, việc này đã vi phạm Nghị định 09 về bán đấu giá tài sản Nhà nước.
Tương tự tại lô đất 11.635m2 tại Hải Phòng, thuộc quản lý của Công ty Chè Hải Phòng. Theo đó, năm 2009, ông Vũ Ngọc Tự thông báo NQ 386 có nội dung: "Sau khi công ty cổ phần đi vào hoạt hoạt động, TCT Chè sẽ thực hiện chuyển nhượng phần góp vốn để cơ cấu lại nguồn vốn theo kế hoạch đề ra". Tháng 8/2009, TCT Chè, Công ty Thành Đạt, Nguyễn Thị Việt, Nguyễn Thị Minh Thúy đã ký biên bản thỏa thuận thành lập Công ty Nam Cường, trong đó, TCT Chè góp vốn bằng toàn bộ mặt bằng, quyền thuê 11.635m2 đất và tài sản trên đất có giá trị 20,5 tỷ đồng (82%), còn lại là các đối tượng khác.
Năm 2011, Vũ Ngọc Tự, Nguyễn Thiện Toàn, Trần Thị Hoa ký nghị quyết thoái vốn 10,5 tỷ đồng tại Công ty Nam Cường. TCT Chè có văn bản gửi UBND TP Hải Phòng tự nguyện trả lại khu đất để UBND TP Hải Phòng cho Công ty Nam Cường thuê lại. Ông Nguyễn Thiện Toàn ký các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần còn lại tại Công ty Nam Cường cho một số cá nhân không qua đấu giá, vi phạm quy định tại NQ09 của Chính phủ về quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn nhà đầu đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Cựu TGĐ TCT Chè Việt Nam lĩnh án 12 năm tù
Sau 9 ngày xét xử và nghị án, sáng 22/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án với 8 cựu lãnh đạo, cán bộ TCT Chè Việt Nam trong vụ án sai phạm quản lý đất công, giai đoạn trước cổ phần hóa năm 2015.
Ông Nguyễn Thiện Toàn, cựu Tổng giám đốc TCT Chè Việt Nam bị tòa tuyên 12 năm tù về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Ông Toàn bị cáo buộc có vai trò chủ mưu tại cả 3 sai phạm tại các mảnh đất có vị trí đắc địa tại TP.HCM, Hà Nội và Hải Phòng, gây thiệt hại hơn 38 tỷ đồng.
Cùng tội danh trên, bị cáo Đặng Văn Tới, cựu kế toán trưởng TCT Chè bị tòa tuyên 8 năm 6 tháng tù.
Các ông Bành Thương Trí (cựu giám đốc Công ty Chè Sài Gòn), và Vũ Ngọc Tự (cựu chủ tịch Hội đồng thành viên - HĐTV) cùng lãnh 7 năm tù.
Ba cựu thành viên HĐTV gồm bà Trần Thị Hoa bị tuyên 4 năm tù, ông Đặng Ngọc Cầm và ông Nguyễn Quốc Khánh mỗi người 3 năm 6 tháng.
Riêng ông Trần Hồng Điệp bị cáo buộc phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bị tòa tuyên 3 năm tù.
Tòa kiến nghị các thành phố nơi có đất (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng) thu hồi các khu đất xảy ra sai phạm để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Với các tranh chấp về góp vốn, chuyển nhượng cổ phần giữa các công ty có giao dịch với TCT Chè trong giai đoạn sai phạm, tòa cấp sơ thẩm dành quyền khởi kiện cho họ trong vụ án dân sự khác.
Các bị cáo là thành viên HĐTV, đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước nhưng không tuân thủ đúng pháp luật xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa nên cần buộc các bị cáo liên đới chịu trách nhiệm vì hậu quả mới được ngăn chặn một phần.